Aa

Thị trường chứng khoán vẫn diễn biến khó lường

Chủ Nhật, 09/04/2023 - 19:59

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần thứ ba tăng điểm liên tiếp, tuy nhiên áp lực chốt lời ngắn hạn rất rõ nét, thị trường rung lắc và đảo chiều liên tục ở khoảng thời gian cuối phiên.

Cụ thể, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ một số lãi suất điều hành cuối tuần trước, chỉ số VN-Index đã bắt đầu tuần này bằng một phiên bùng nổ khi tăng 14,6 điểm lên mức 1.079,3 điểm. Tuy nhiên đã có áp lực chốt lời diễn ra ngay sau đó với 3 phiên giảm và một phiên tăng.  Lực bán diễn ra mạnh nhất vào phiên thứ năm (6/4) với mức giảm 0,9% cùng với thanh khoản gần gấp đôi trung bình 20 phiên.

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index vẫn tăng nhẹ 0,5% so với tuần trước đóng cửa tại 1.069,7 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số HNX-Index cũng tiếp tục tăng lên mức 211,6 điểm, tăng 2 % so với tuần trước.

Sau tháng ba ảm đạm, thị trường chứng kiến tuần đầu tiên tháng tư với sự bùng nổ về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 34,4% lên mức 15.787 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, đã có sự đảo chiều về xu hướng dòng tiền của các dòng tiền lớn. Cụ thể, khối ngoại có một tuần bán ròng mạnh mẽ trên sàn HoSE đạt giá trị 736 tỷ đồng, tăng 405,8% so với tuần trước. Tương tự, khối ngoại cũng bán ròng 44 tỷ đồng trên sàn HNX, tăng tới 4.066% so với tuần trước và 3 tỷ đồng trên sàn UPCoM. Tự doanh cũng bán ròng nhẹ tuần qua sau lực mua vào mạnh ở tuần trước. Lần lượt đạt giá trị bán ròng 44,17 tỷ đồng trên sàn HoSE và 24,04 tỷ đồng trên sàn HNX.

top mua ròng bán ròng cổ phiếu
Danh mục mua bán ròng của khối ngoại trên sàn HoSE.

Tuần qua cũng chứng kiến sự phân hoá ngay trong các nhóm ngành. Cụ thể, các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn đã hứng chịu sự điều chỉnh, bao gồm VCB giảm 1,5%, BID giảm 1,2% và VPB giảm 0,7%. Trong khi đó, những ngân hàng có vốn hóa thấp tăng giá tích cực như TCB tăng 4,2%, TPB tăng 4,1% và SHB tăng 7,9%.

Tương tự với ngành bất động sản, VHM và VIC đều giảm trong khi các cổ phiếu bất động sản vốn hóa nhỏ hơn lại tăng giá khá mạnh như NVL tăng 5,5%, NLG tăng 9,3%, DIG tăng 25,9%.

Kịch bản nào cho tuần tới?

VN-Index đã có tuần giao dịch tăng điểm thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên đà tăng đã chững lại, lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện khá mạnh. Trong kịch bản tuần trước, nhà đầu tư đã chờ đợi những phiên test lại kênh giảm thành công. Về mặt biên độ có thể nói là tạm ổn, khi VN-Index vẫn tăng nhẹ 0,5% so với tuần trước, tuy nhiên thanh khoản ra tăng với đà bán ở diện rộng đã xuất hiện là điểm trừ.

Đặc biệt nếu nhà đầu tư quan sát sẽ thấy những diễn biến khó lường, đảo chiều liên tục xảy ra chỉ trong vòng vài phút ở các thời điểm cuối phiên. Rõ nét nhất là ở phiên giao dịch thứ năm (6/4), chỉ trong vòng 20 phút cuối phiên và khoảng thời gian ATC, chỉ số VN-Index đã giảm 10 điểm, sau đó hồi lại 5 điểm rồi quay đầu lại giảm 3 điểm. Diễn biến tương tự lại xuất hiện ở phiên giao dịch cuối tuần.

diễn biến thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán xuất hiện những diễn biến khó lường ở thời điểm cuối phiên

Với quan điểm cá nhân, tuần giao dịch tới sẽ tiếp tục diễn ra khó lường. Trong bối cảnh khối ngoại và tự doanh vẫn tiếp tục đà bán ròng thì thị trường sẽ rung lắc mạnh. Hiện tượng "kéo - xả" cuối phiên vẫn sẽ diễn ra. Thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực chốt lời ngắn hạn khi đã có khoảng thời gian tăng khá tốt trước đó.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và vẫn tiềm ẩn khả năng suy thoái thì kinh tế Việt Nam trong thời kỳ phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã có những điểm sáng tích cực nhất định. Tuy nhiên rõ ràng vẫn còn rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Xuất nhập khẩu giảm mạnh, thu hút và giải ngân vốn FDI giảm. GDP quý I tăng trưởng thấp khi ước đạt 3,32%, chỉ cao hơn mức 3,21% của quý I/2020 (khi dịch Covid-19 bùng phát), còn lại thấp hơn quý I trong vòng 12 năm qua, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ đã đề ra cho quý I/2023 tại Nghị quyết 01 (5,6%). Khả năng những tuần tới sẽ là thời điểm báo cáo tài chính quý I sẽ được phản ánh vào thị trường chứng khoán.

Tuần tới cũng sẽ diễn ra hàng loạt sự kiện quan trọng của lĩnh vực ngân hàng thế giới. Cuộc họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới và IMF tại Washington sẽ ưu tiên giải quyết nhiệm vụ khó khăn việc làm thế nào để cân bằng lợi ích trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và áp lực giá cả vẫn lớn.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã thúc đẩy nền kinh tế nhưng nhu cầu tại các nhà máy vẫn còn yếu. Cuộc khảo sát ISM mới nhất của các nhà sản xuất Mỹ cho thấy các điều kiện kinh doanh đang rất tồi tệ.

Đặc biệt, các nhà sản xuất dầu mỏ trong nhóm OPEC+ vào ngày 2/4 đã khiến giá dầu tăng vọt khi thông báo cắt giảm sản lượng khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023. Điều này xảy ra sau khi giá dầu thô giảm vào tháng ba do bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Bên cạnh đà tăng của cổ phiếu tài nguyên, phản ứng ban đầu của thị trường đối với động thái của OPEC khá im ắng, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ vào ngày 12/4 để xem liệu tốc độ tăng giá có chậm lại đủ để dập tắt mong muốn tăng lãi suất mạnh hơn nữa của các ngân hàng trung ương hay không? Và liệu giá dầu sẽ tiếp tục tăng, gây ra lạm phát cao hơn hay giải quyết để cân bằng việc cắt giảm sản lượng với nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng mờ nhạt?

giá nhiên liệu, lạm phát
Giá nhiên liệu ảnh hưởng đến lạm phát.

Thời gian tới tiếp tục sẽ là những quãng thời gian quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh tiếp tục đón nhận và hấp thụ các thông tin về nền kinh tế ở cả trong và ngoài nước. Nhà đầu tư vẫn nên giữ trạng thái thận trọng. Giá cổ phiếu trong ngắn hạn đang neo ở vùng cao. Nhiều nhóm cổ phiếu liên tục vượt đỉnh không thành công. Sự phân hoá đã bắt đầu diễn ra ở trong các nhóm ngành. Động lực từ các dòng tiền lớn đang suy yếu rõ rệt. Và xét trên chu kỳ dài hạn thì thời điểm giải ngân dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không còn xa nữa. Thận trọng và kiên nhẫn sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan nhất giúp tìm ra thời điểm giải ngân hợp lý nhất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top