Aa

Thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn trong dài hạn

Thứ Sáu, 16/12/2022 - 06:12

Thị trường chứng khoán thời gian qua dù đã phục hồi phần nào nhưng vẫn ở mức định giá thấp. Tuy nhiên, đây lại được xem là cơ hội tốt cho nhà đầu tư dài hạn.

Thông cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 11/2022, VN-Index đã giảm 30% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu của 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM tính đến ngày 25/11 đạt hơn 5,38 triệu tỷ đồng, tương đương 63,6% GDP. Thị trường chứng khoán đã trải qua năm 2022 với nhiều khó khăn và thách thức.

Trong khi đó, vào thời điểm cuối năm, khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng với mức kỷ lục gần 1 tỷ USD sau khi bán ròng cả giai đoạn trước đó. Lực đỡ của khối ngoại đã giúp thị trường có những phiên tích cực hơn.

Theo các chuyên gia, dù thị trường được dự báo sẽ còn gặp những khó khăn thách thức trong năm 2023, nhưng về dài hạn, các quỹ ngoại cũng như nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Sau một thời gian giảm điểm sâu, thị trường chứng khoán đang ở một vùng giá hấp dẫn để đầu tư dài hạn.

Tại Talk Show Phố Tài chính, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết, dù có sự hồi phục nhưng định giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá thấp. Tuy nhiên, mức định giá ở vùng thấp nhất lịch sử, cùng lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai lại giúp thị trường trở nên hấp dẫn trong dài hạn.

Bà Nga phân tích, nếu không có quá nhiều thay đổi về điểm số ở các phiên cuối năm thì 2022 sẽ là năm có mức giảm mạnh thứ hai trong lịch sử chỉ sau năm 2008. Nếu nói về mức độ biến động của thị trường, độ lệch chuẩn năm 2022 cũng ở khoảng 25%, là mức cao trong lịch sử và chỉ thấp hơn giai đoạn 2001 hay 2006 - 2009.

Thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn trong dài hạn. (Ảnh minh họa: M.P)

Nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 đến từ những yếu tố ở cả trong và ngoài nước. Lạm phát là vấn đề lớn của toàn cầu, khiến cho các ngân hàng trung ương trên 90 nước đã thực hiện cắt giảm tiền tệ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đã phải tăng lãi suất 6 lần, điều này gây áp lực đến các đồng nội tệ của những nước khác, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều chỉnh tỷ giá cũng như tăng lãi suất. Trên thị trường vốn, Chính phủ cũng tăng cường siết chặt kỷ cương.

Với những biến động mạnh trong năm 2022, các quỹ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Tuy nhiên, hầu hết các quỹ có mức giảm thấp hơn so với thị trường do thường nắm giữ danh mục đầu tư đa dạng, kỹ lưỡng và bài bản.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra đời đã tạo ra kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy việc phát hành trái phiếu ra công chúng, tạo điều kiện cho các quỹ trái phiếu mua. Tuy nhiên, sự việc của Vạn Thịnh Phát khiến nhà đầu tư mất niềm tin và đánh đồng việc đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ với đầu tư vào các quỹ trái phiếu. Việc tâm lý nhà đầu tư trở nên bất an về vấn đề thanh khoản trái phiếu khiến các quỹ trái phiếu cũng bị bán ra tương tự như việc nhà đầu tư bán trái phiếu. Từ đó, các quỹ đã phải bán chính những trái phiếu nắm giữ với giá thấp để trả tiền cho nhà đầu tư.

Bà Nga cho rằng Nghị định 65 là cần thiết trong dài hạn để khuyến khích đầu tư vào trái phiếu phát hành ra công chúng, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và niêm yết trái phiếu thay vì phát hành riêng lẻ để đảm bảo tính minh bạch thông tin.

Trong 2 tháng cuối năm, các quỹ, đặc biệt là quỹ ngoại đã liên tục mua vào trên thị trường Việt Nam. Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia VCBS cho rằng, một phần nguyên nhân của diễn biến trên là do định giá của thị trường Việt Nam đã thấp. Nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn vào triển vọng dài hạn của nền kinh tế và theo đó, Việt Nam đang rất được kỳ vọng khi có dân số vàng. Thông thường, cơ cấu dân số vàng kéo dài từ 30 - 35 năm. Cùng với đó, tỷ lệ nữ tham gia lao động ở mức cao khoảng 88%. Một yếu tố quan trọng khác đó là Việt Nam có dân số trẻ và mức độ ứng dụng công nghệ cao. Ước tính của một số đơn vị nước ngoài cũng cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có thể trở thành một trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ rất sáng về dài hạn. Với những động thái quyết liệt từ Chính phủ, kỳ vọng đầu tư công trong năm sau sẽ là một trong những yếu tố vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa giúp tăng cung tiền cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn một điểm sáng khác về việc nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo một thống kê, nếu Việt Nam được nâng hạng sẽ có khoảng 5 tỷ USD từ các quỹ ETF đổ vào. Chính nhờ những yếu tố trên mà đối với thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư nước ngoài coi việc Việt Nam đang ở giai đoạn định giá thấp là một cơ hội tốt.

Tuy nhiên, trong năm 2023, có một số yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế vẫn cần theo dõi là chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ, chính sách Zero Covid của Trung Quốc và xung đột giữa Nga - Ukraine. Việt Nam có thể sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu của các nước giảm. Kinh tế Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top