Lượng quan tâm đất nền giảm sâu
Theo báo cáo Batdongsan.com.vn trong quý III/2022, đất nền tại hầu hết các tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm cả giá bán và lượt quan tâm so với quý II.
Cụ thể, lượt tìm kiếm tại hầu hết các tỉnh thành phía Bắc giảm sâu, lên đến 45% tại các địa bàn như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nam. Nhiều tỉnh thành khác cũng ghi nhận lượt tìm kiếm giảm 10 - 20%.
Ngoài ra, về giá rao bán, thị trường đất nền nổi bật gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng thì đều có giá bán theo tin đăng giảm nhẹ từ 1 - 7%. Trong đó, Hải Phòng là thị trường duy nhất ghi nhận giá rao bán tăng nhẹ khoảng 3% so với quý II.
Điển hình như những “điểm nóng” sốt đất tại Bắc Giang một thời như các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng… giờ đây khá trầm lắng. Đối với khu đô thị phía Nam TP. Bắc Giang, vào cuối năm 2021, một số lô đất có giá rất cao lên đến 60 triệu/m2, thậm chí 100 triệu/m2 nhưng ở thời điểm hiện tại giá không tăng mà còn giảm về 80 - 85 triệu/m2 nhưng cũng ít giao dịch thành công.
Bên cạnh bối cảnh thị trường, lượng quan tâm sụt giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá đất nền hạ nhiệt. Ngoài ra, đây cũng là loại hình liên tiếp ghi nhận các đợt sốt nóng trong 2 năm qua nên giá buộc phải chững hoặc giảm để tìm điểm cân bằng cung - cầu.
Trong số các tỉnh miền Bắc, thị trường trọng điểm Hà Nội ghi nhận mức giảm sâu ở lượt tìm kiếm, giá rao bán cũng bắt đầu giảm tại nhiều địa phương. Cụ thể những điểm nóng đất nền ngoại thành như Quốc Oai, Sóc Sơn ghi nhận mức giảm mạnh nhất, từ 30 - 39%. Mức độ quan tâm đất nền tại những địa bàn khác như Gia Lâm, Thanh Trì, Long Biên, Hoài Đức cũng giảm lần lượt 28%, 24%, 21% và 17%.
Giá rao bán đất nền Hà Nội ghi nhận mức giảm sâu nhất tại quận Long Biên và Thanh Trì với lần lượt 10% và 9%, một số địa bàn khác giảm nhẹ 1% như Đông Anh, Quốc Oai. Trong khi đó, các huyện Hoài Đức và Sóc Sơn vẫn ghi nhận mặt bằng giá bán theo tin đăng tăng 4 - 5% so với quý II.
Anh Nguyễn Đức Cảnh - một môi giới tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, cùng với thời điểm cơn sốt đất, giá đất huyện Hoài Đức tăng mạnh từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022. Tuy nhiên, giờ đây khu vực này hầu như rơi vào trạng thái “sóng yên biển lặng”.
“Hồi đầu năm, dọc theo tuyến đường Tân Hội, xã Đức Thượng, đặc biệt sau dịch bệnh các nhà đầu tư đổ về đây mua đất khá nhiều, giá đất liên tục tăng. Nhưng nhiều tháng nay giới đầu tư rút chân khiến khu vực này không còn hấp dẫn, giá cũng đang giảm do thị trường có rất ít giao dịch thực”, anh Cảnh bày tỏ.
Một môi giới khác tại huyện Sóc Sơn - anh Nguyễn Chí Thiện cho biết, hiện có nhiều khách hàng của anh đang gửi bán 4 - 5 lô đất đã được anh giới thiệu mua hồi đầu năm 2022, nhưng tình hình bây giờ rất khó tháo hàng.
Không chỉ ngoại thành Hà Nội mà đi xa hơn ở các tỉnh vùng ven như Hòa Bình, Vĩnh Phúc vốn là những "điểm nóng", tình trạng ảm đạm cũng đang diễn ra tương tự. Anh Hoàn Thanh, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, hồi tháng 12/2021, anh đã mua một lô đất tại huyện Cao Phong, Hoà Bình có giá 18 triệu đồng/m2. Nhưng lần này, khi quay trở lại, anh thấy bất ngờ vì giá giảm tương đối mạnh.
“Thời điểm tôi mua vào có nhiều người hỏi mua lại với giá 20 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn, do lô đất nằm ở vị trí góc 2 mặt tiền rất đẹp. Tôi cũng định bán luôn nhưng cố để dành đến giờ chỉ còn 15 triệu đồng/m2 mà không ai mua. Tình hình này tôi sợ sẽ giảm thêm nên tôi vẫn cứ ôm và đợi qua năm sau xem sao chứ không cắt lỗ được”, anh Hoàn Thanh chia sẻ.
Khó khăn vẫn còn kéo dài
Cùng với tình hình khó khăn chung của thị trường, giao dịch đất nền nhìn chung đang khá ảm đạm tại hầu hết các địa phương trong bối cảnh lạm phát, siết tín dụng, lãi suất tăng, dòng tiền chảy vào ngân hàng.
Trao đổi với Reatimes, ông Trần Trọng Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư AuLand hoạt động tại Hưng Yên cho biết, do tình hình chung của cả nước, ngân hàng hạn chế cho vay cùng với một số chính sách tăng thuế và hạn chế tách thửa nên lượng giao dịch hiện tại ở Hưng Yên rất thấp. Những giao dịch phát sinh chủ yếu là đối với những bất động sản sử dụng cho nhu cầu thực như để ở hoặc kinh doanh.
“Nếu theo tín hiệu này thì thị trường từ Hưng Yên từ giờ đến cuối năm, thậm chí sang năm sẽ càng trầm lắng. Hiện tại thị trường đất nền ở Hưng Yên đang giảm giá rất sâu đối với một số bất động sản thổ cư và đất giãn dân. Các khu vực giảm sâu như đất giãn dân ở Phù Cừ, Tiên Lữ hay TP. Hưng Yên và một số khu vực khác.
Các đợt đấu giá sau đã giảm sâu từ 3 - 8 lần so với lần đấu trước đó. Cụ thể như các khu vực đấu giá Ba Đông - Phan Sào Nam - Phù Cừ trước giao dịch tầm 14 - 15 triệu/m2, giờ giao dịch tầm 10 - 11 triệu/m2, khu đấu giá Nguyên Hoà, Phù Cừ trước đó có giá giao dịch 14 - 15 triệu/m2 nhưng giờ còn 9 - 10 triệu/m2”, ông Trung chia sẻ.
Ngoài ra, ông Trung còn cho biết thêm, hiện có nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng mua đất đang rao bán cắt lỗ nhưng vẫn rất khó bán.
Đất nền là loại hình bất động sản mang nặng tính đầu cơ nên mức độ ảnh hưởng cũng nhiều hơn so với loại hình ở thực như căn hộ hay nhà đất thổ cư.
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng đưa ra dự báo tình hình khó khăn có thể vẫn kéo dài sang năm 2023 và chỉ cải thiện khi có những thay đổi mới về chính sách tín dụng. Đây cũng là thời điểm được cho là cơ hội với những người chủ động về tài chính. Thực tế, những người có tiền vẫn âm thầm tìm kiếm đất nền giá rẻ tại các địa bàn tiềm năng chờ thị trường hồi phục. Phạm vi tìm kiếm đất nền đang mở rộng tới những địa bàn xa hơn, nơi còn nhiều quỹ đất lớn và giá rẻ, đặc biệt những nơi có thể phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.
Đó có thể là lý do khiến những tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên ghi nhận lượt tìm kiếm tăng so với quý II, trong đó địa bàn tăng mạnh nhất là Lai Châu, lên đến 82%, theo số liệu của Batdongsan.com.vn./.