“Khủng hoảng thiếu”, tức các dự án mới bung ra thị trường giảm mạnh, dẫn tới tình trạng khan hàng trong khi nhu cầu về nhà ở vẫn lớn nhưng không được đáp ứng.
Quả thực, có một thực tế đang diễn ra trên thị trường bất động sản TP.HCM dù giá bất động sản biến động tăng cao ở các phân khúc do khan hiếm nguồn cung nhưng hễ nghe thông tin dự án mới ra thị trường là ngay lập tức nhận được sự quan tâm của khách mua, nhất là đối với dự án căn hộ có mức giá trên dưới 2 tỷ đồng/căn. Ghi nhận cho thấy, nhu cầu ở thực ở loại hình sản phẩm này còn rất lớn, đặc biệt đối với các gia đình trẻ sống ở đô thị chưa có nhà ở.
Tuy vậy, ở thời điểm này, dự án mới được tung ra thị trường TP.HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điểm qua các khu vực, đầu năm 2020 chỉ xuất hiện một số dự án có kế hoạch bung hàng. Dù “nhỏ giọt” nhưng theo các chuyên gia trong ngành đây được xem là các dự án “giải cơn khát” cho thị trường nhà đất TP.HCM ở thời điểm này, khi mà nhu cầu sở hữu bất động sản vẫn còn lớn.
Ở Khu vực Tây Bắc TP.HCM: Thời gian trước đây, khu vực này vốn là nơi dồi dào nguồn cung “vừa túi tiền” chào bán trên thị trường và tỷ lệ hấp thụ luôn ghi nhận ở mức 80 - 90% ở giai đoạn đầu mở bán. Nhưng hiện tại chỉ có một dự án mới là PiCity quy mô gần 9ha được các sàn bung ra thị trường vào cuối tháng 3/2020. Dự án này hiện đang được chào giá từ 34 - 37 triệu đồng/m2 (khoảng trên dưới 2 tỷ đồng/căn).
Một số dự án căn hộ được mở bán trước đó vào năm 2019 hiện cũng có giá giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng khá so với ban đầu mở bán. Hiện tại, dù nguồn cung khan hiếm nhưng điểm nổi bật của các dự án tại khu vực là đều có giá trên dưới 2 tỷ đồng/căn, phù hợp với số đông khách mua.
Vì thế, hễ có thông tin dự án mới “manh nha” ra thị trường đặc biệt thu hút sự quan tâm của đối tượng khách mua ở thực. Đây cũng là khu vực được người mua đánh giá cao về mức độ hợp lý của giá bán căn hộ, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng trẻ, thanh khoản dự án khá tốt thời gian qua.
Tại khu Đông Bắc TP: Đây là khu vực vốn khá dồi dào về nguồn cung so với các khu vực khác. Thế nhưng, ở thời điểm này chưa có nhiều dấu hiệu nguồn cung “mới tinh” ra thị trường, đa số là các dự án đã mở bán cuối năm 2019, hiện đang chào bán các căn diện tích lớn còn lại hoặc nhà đầu tư gửi bán lại trên thị trường thứ cấp.
Giá đã biến động tăng ít nhất 15% so với thời điểm mở bán. Đầu năm 2020 tại khu vực “manh nha” một số thông tin dự án ra thị trường như một dự án quy mô 1.000 căn hộ ở khu vực Làng Đại Học, giáp ranh các quận khu Đông TP.HCM. Hay một dự án nằm gần tuyến đường Phạm Văn Đồng dự kiến sẽ giới thiệu ra thị trường vào quý II/2020. Ở phân khúc nhà phố thì có một dự án mới là Centerhome Riverside có giá khoảng 7 tỷ đồng/căn nằm ở Q. Thủ Đức.
Ở khu Nam TP: So với thời điểm 2 năm về trước, hiện nguồn cung khu vực cũng chỉ “nhỏ giọt” ra thị trường. Trong đầu năm 2020, khu vực có dấu hiệu của 2 dự án là Cosmo City và Sunshine Diamond River tại khu vực Q.7. Người mua đang mong đợi dự án có mức giá không quá cao.
Theo ghi nhận, trước bối cảnh khan hiếm nguồn cung mới, người mua ở thực lẫn nhà đầu tư luôn trong tâm thế chờ đợi có dự án mới để tìm hiểu.
Chị Ngọc Lan, sống tại Q. Tân Bình (TP.HCM) chia sẻ, thực tế hai vợ chồng đã đi tìm mua căn hộ khoảng 8 tháng nay nhưng vẫn chưa mua được, dù rất nóng lòng có nhà để ở. Ban đầu vợ chồng chị đi tìm các căn hộ đã hoàn thiện, vào ở ngay nhưng giá khá cao khiến tài chính “hụt hơi”. Đổi hướng sang tìm kiếm căn hộ hình thành trong tương lại nhưng ngặt nỗi nguồn cung quá ít để lựa chọn.
Có tài chính trong tay 1.5 tỷ đồng, chị Lan tính vay thêm ngân hàng để sở hữu căn hộ có giá khoảng từ 2 - 2,5 tỷ đồng/căn ở khu vực ven TP. Theo chị Lan, thực sự vợ chồng chị rất mong ngóng dự án mới ra thị trường, và có thể mua được giá mềm ở thời điểm đầu chủ đầu tư chào bán. Còn nếu mua lại căn hộ từ nhà đầu tư khác e rằng tài chính của gia đình chị không đủ.
Tâm lý “ngóng” và mong chờ dự án mới để sở hữu chốn an cư không chỉ riêng chị Ngọc Lan mà của rất nhiều người mua ở thực tại TP.HCM. Theo tìm hiểu, không chỉ người mua thực mà cả nhà đầu tư có sẵn dòng tiền nhàn rỗi cũng đang “ngóng” dự án mới để bỏ tiền vào. Bởi thực tế, suốt một năm qua, không có nhiều dự án để cho nhà đầu tư phân bổ dòng vốn. Không ít trong số họ giữ tài chính vì chưa tìm được sản phẩm phù hợp.
Theo các chuyên gia trong ngành, nguồn cung bất động sản trong năm 2020 có thể tương đương 2019, hoặc nhích hơn. Tuy vậy, thực tế chung là nguồn cung bất động sản TP.HCM dự báo vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm do nhiều dự án chưa được “khai thông”. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu năm 2020, chỉ mới xuất hiện vài dự án quy mô có dấu hiệu rục rịch thị trường.
So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng này đã giảm rõ nét. Như vậy, với các dự án có thể bung thị trường ở thời điểm này được xem là tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản TP.HCM, giải tỏa phần nào tâm lý mong đợi sản phẩm mới của người mua cũng như giải quyết phần nào những khó khăn về nguồn cung kéo dài suốt thời gian qua trên thị trường.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, hiện nay Nhà nước đã và đang có những động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, phần nào khiến nguồn cung BĐS năm 2020 có thể khơi thông cũng như đem lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Thực tế, sau cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM mới đây, một số động thái của TP tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đã được thực hiện mạnh mẽ hơn. Mới đây, TP công bố một số dự án đủ điều kiện bán hàng trong năm 2020 cũng được xem là một tín hiệu lạc quan cho nguồn cung của thị trường.
Tuy nhiên, để thực sự nguồn cung bất động sản tại TP.HCM trở lại ổn định thì theo những người trong cuộc cần các giải pháp quyết liệt từ phía chính quyền để khơi thông cho các dự án, giải quyết được nhu cầu “khát nguồn cung” trên thị trường hiện nay.