Aa

Thị trường khách sạn nghỉ dưỡng sẽ bùng nổ sau đại dịch

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 01/09/2021 - 06:00

Tiềm lực tài chính tốt của nhiều người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho du lịch trong nước, cũng như những kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ từ khách du lịch quốc tế sẽ thúc đẩy ngành khách sạn bùng nổ.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang chưa có dấu hiệu dừng lại đã mang lại rất nhiều thách thức cho phân khúc khách sạn tại Việt Nam. Trong những tháng vừa qua, thị trường chứng kiến hàng trăm khách sạn lớn nhỏ được rao bán.

Vậy các nhà đầu tư đã và đang nắm bắt cơ hội như thế nào trong bối cảnh này? Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam về cơ hội của phân khúc khách sạn tại Việt Nam.

PV: Thưa ông, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng như thế nào đến thị trường khách sạn?

Ông Troy Griffiths: Thị trường khách sạn tại Việt Nam cũng giống như tất cả các thị trường trên toàn cầu, đều chịu những tổn thất nặng nề đến hoạt động kinh doanh trong thời gian qua do dịch bệnh. Có thể chia mô hình khách sạn hiện nay thành 2 phân khúc chủ đạo, là khách sạn trong thành phố, chuyên để phục vụ cho khách doanh nhân và các biệt thự, resort nghỉ dưỡng. Cùng với sự hạn chế tối đa việc di chuyển bằng đường hàng không và việc đóng cửa biên giới, tại Việt Nam hiện nay nguồn cầu từ khách du lịch quốc tế thực sự bằng không.

Với làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang chưa có dấu hiệu dừng lại, mang lại rất nhiều thách thức cho phân khúc khách sạn tại Việt Nam. Trong những tháng vừa qua, thị trường đã chứng kiến hàng trăm khách sạn lớn nhỏ được rao bán.

Mặc dù vậy, công suất cho thuê của các khách sạn ở cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đi cùng với đó là sự cải thiện về giá phòng là do các khách sạn hiện đã được sử dụng làm cơ sở cách ly. Trong giai đoạn khó khăn này, cũng có khá nhiều khu nghỉ dưỡng tương đối được hưởng lợi từ hoạt động cách ly này.

Với làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang chưa có dấu hiệu dừng lại đã mang lại rất nhiều thách thức cho phân khúc khách sạn tại Việt Nam
Với làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang chưa có dấu hiệu dừng lại đã mang lại rất nhiều thách thức cho phân khúc khách sạn tại Việt Nam.

Cụ thể, báo cáo của Savill ghi nhận, trong quý II/2021, nhu cầu lưu trú khách sạn tại TP.HCM sụt giảm, 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, cũng có 28 dự án hoạt động trở lại, một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí. Ngoài ra, nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh và khách trong nước tiếp tục tăng. Đa số các khách sạn cách ly tập trung ở quận 1, 3, 5, 7 và Tân Bình. Kéo theo đó, công suất toàn thị trường trong quý II/2021 đạt 18%, tăng nhẹ 1% theo quý. Giá phòng cũng tăng trung bình 3%/quý, đạt 69 USD/phòng/đêm.

Tại Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, giá phòng khách sạn tại Hà Nội trung bình đạt 77 USD/phòng/đêm, giảm 9% theo năm. Bên cạnh đó, có 5 khách sạn 3 sao cung cấp 315 phòng đang tạm đóng cửa do Covid-19 và để sửa chữa; ngoài ra 10 khách sạn 3 - 5 sao đã được chọn làm địa điểm cách ly. Kéo theo đó, công suất phòng khách sạn trong 6 tháng đầu năm đạt 25%, giảm 8 điểm % theo năm.

PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về câu chuyện mua bán sáp nhập (M&A) tại thị trường khách sạn?

Ông Troy Griffiths: Đối với những thông tin liên quan tới việc mua bán, sáp nhập các dự án bất động sản khách sạn trong thời gian qua. Đầu tiên có thể nhận thấy, các nhà đầu tư và nhà điều hành có cơ hội đầu tư dài hạn hơn, có thể vượt qua đại dịch với nguồn vốn ổn định để chờ tới khi khách sạn của họ có thể mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, đối với những khách sạn quy mô nhỏ, các chủ sở hữu và nhà điều hành phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn lưu động thông qua doanh thu của khách sạn lại đang gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đại dịch. Các đơn vị này sẽ phải tìm kiếm cho mình những lối thoát về cơ cấu dòng vốn, tài sản.

Xu hướng M&A ngày càng gia tăng từ việc các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào phân khúc khách sạn của Việt Nam trong thời gian qua.

PV: Với diễn biến thị trường khách sạn trong bối cảnh khó khăn, ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng và sự hồi phục và cơ hội đầu tư của trị trường này?

Ông Troy Griffiths: Điều quan trọng đối với các chủ doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng, để có thể tồn tại và thích ứng trong bối cảnh mới, là xác định được rằng đại dịch rồi sẽ kết thúc, và không phải “trạng thái bình thường mới”.

Chắc chắn thị thường sẽ phục hồi một cách mạnh mẽ, để kéo phân khúc bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng quay trở lại nơi nó vốn đã từng đứng vững trước đây. Đó là vì trong suốt thời gian dịch bệnh, người dân nói chung với một lượng dự trữ tài chính sẽ luôn sẵn sàng chi tiêu mua sắm, và đặc biệt là đi du lịch, bất kỳ nơi đâu, từ đó khiến cho ngành kinh tế này chắc chắn sẽ bùng nổ trở lại.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam 

Còn nhớ, trước thời điểm xảy ra đại dịch và giữa các đợt sóng Covid tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh của ngành du lịch trong nước luôn nằm trong trạng thái cao điểm. Các khu nghỉ dưỡng và khách sạn mới được khai trương hàng loạt, các hãng hàng không bùng nổ và bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng là loại hình tài sản được giới đầu tư yêu thích. Một trong những chìa khoá thành công của thị trường khách sạn du lịch tại Việt Nam là việc tập trung rất tốt tới nhóm đối tượng khách du lịch trong nước. Trong khi đó, các địa điểm du lịch khác như Thái Lan vốn dĩ luôn dựa nhiều vào khách du lịch quốc tế, nên sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn.

Sự phục hồi tương tự cũng đã được ghi nhận ở Mỹ và các nước Châu Âu. Ở một số nơi, các khách sạn có giá phòng tăng gấp 5 lần so với mức trước đại dịch. Vấn đề đặt ra lúc này là với một giá phòng cao gấp 5 lần, khách du lịch cũng sẽ mong đợi những gói dịch vụ tốt. Trong một số trường hợp ở Mỹ, nhiều nhân viên khách sạn thậm chí còn không quay lại làm việc, kéo theo những vấn đề nan giải trong việc cung cấp chất lượng dịch vụ. Điểm lợi thế của Việt Nam lúc này càng được phát huy tác dụng, khi mà đối tượng chủ đạo là khách du lịch trong nước nhìn chung khá dễ tính có thể thích ứng với những thay đổi nhỏ khi lĩnh vực khách sạn đi lên.

Các dịch vụ có liên quan tới sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE) luôn là một nguồn doanh thu quan trọng cho các khách sạn địa phương. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng hầu hết các doanh nghiệp sẽ bắt tay vào các hoạt động liên quan đến team building cho nhân viên của họ khi có thể đi du lịch trở lại. 

Ngoài ra, Việt Nam có vị trí thuận lợi trong việc kết nối các nước cùng khu vực, và rất hấp dẫn đối với các thị trường trung chuyển chính như Trung Quốc và Hàn Quốc. Bây giờ là lúc các nhà khai thác dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng tự làm mới mình, đào tạo trau dồi nhân lực và sẵn sàng phục hồi trở lại ngay sau khi đại dịch kết thúc.

PV: Thưa ông, vậy nguồn cung khách sạn trong tương lai sẽ đạt kết quả ra sao?

Ông Troy Griffiths: Trong tương lai, thị trường bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Các đơn vị vận hành quốc tế tiếp tục giành nhiều sự tập trung cho việc đầu tư vào Việt Nam, bằng chứng là sự đầu tư mạnh mẽ trên khắp đất nước, cùng với đường bờ biển gần như đã được khai thác hoàn toàn. 

Tiềm lực tài chính tốt của nhiều người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho du lịch trong nước, cũng như những kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ từ khách du lịch quốc tế. Giống như tất cả các thị trường bất động khách sạn nghỉ dưỡng khác trên thế giới, câu hỏi bây giờ chỉ là chúng ta cần phải chờ đợi bao lâu nữa khi đại dịch kết thúc.

Dự báo, sau đại dịch nguồn cung ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và InterContinental.

Tại Hà Nội, gần 2.600 phòng dự kiến sẽ được đưa vào thị trường từ 14 dự án. Trong năm 2021, 3 dự án 3 - 5 sao được dự tính sẽ cung cấp trên 500 phòng. Khu vực nội thành sẽ đóng góp lớn nhất vào nguồn cung tương lai với 1.200 phòng từ 7 khách sạn, theo sau là khu phía Tây với 36% nguồn cung tương lai. Các khách sạn quốc tế sẽ cung cấp gần 1.300 phòng tương đương với 48% nguồn cung tương lai, bao gồm những thương hiệu lớn như Eastin, Grand Mercure, Fairmont, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink...

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top