Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam vẫn tiếp tục ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế và nhập cảnh của người nước ngoài, trừ các chuyên gia nước ngoài và công dân Việt Nam trở về nước.
Với các biện pháp giới hạn di chuyển và giãn cách xã hội, trong thời gian này, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường việc triển khai tiêm chủng vắc-xin nhằm thúc đẩy tỷ lệ tiêm ngừa cho người dân cũng như khôi phục một vài sự bình thường của nền kinh tế xã hội trong thời gian sớm nhất có thể.
Cuối tháng 9/2021, Chính phủ đã bắt đầu nới lỏng chính sách giãn cách xã hội và tiến hành các biện pháp nhằm phục hồi đời sống cũng như kinh tế cho người dân. Song song đó, Việt Nam cũng đã chạm mốc tiêm chủng 61,1 triệu liều vắc-xin và dự kiến đến hết năm 2021, nước ta sẽ tiếp nhận thêm 55 triệu liều vắc-xin.
Việc tăng cường tiêm chủng từ giờ đến cuối năm 2021 phần nào thể hiện sự khôi phục "bình thường mới" cho xã hội. Tuy nhiên, thị trường khách sạn sẽ chưa thể bắt đầu hồi phục khi việc mở cửa hàng không, tiếp đón du khách vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Việc lựa chọn thí điểm mở cửa dần dần các thành phố du lịch cũng sẽ là yếu tố quan trọng khôi phục ngành du lịch cũng như đảm bảo sự an toàn cho du khách. Một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng đề ra sẽ có khả năng đón tiếp du khách quốc tế sớm nhất thông qua chính sách “hộ chiếu vắc-xin”. Đây sẽ là cơ hội tốt cho thị trường du lịch Việt Nam có điểm bắt đầu trong việc phục hồi công suất phòng vốn đã bị sụt giảm nghiêm trọng từ năm 2020.
Thị trường khách sạn Hà Nội sẽ có nguồn cung mới trong năm 2022
Do nhiều khách sạn thực hiện giãn cách xã hội nên phải hoạt động với một phần nhỏ công suất khả dụng, báo cáo của CBRE cho hay, trong quý III/2021, giá phòng bình quân đạt 94,4 USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, công suất phòng bình quân đạt 26,2%, giảm 3% với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, doanh thu trên mỗi phòng chỉ đạt 24,7 USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc quý III/2021, thị trường khách sạn 4 - 5 sao ở Hà Nội có tổng cộng 8.407 phòng với 38 dự án.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam cho hay, khách nội địa và khách quốc tế từ khu vực Đông Bắc Á được kỳ vọng sẽ là yếu tố dẫn dắt giai đoạn đầu của quá trình phục hồi sau khi đại dịch được kiểm soát.
Sự bùng phát của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã khiến các dự án trọng điểm phải tạm dừng thi công trong giai đoạn giãn cách xã hội. Trong năm 2022, dự kiến thị trường khách sạn sẽ chỉ chào đón thêm 1 dự án mới. Tuy nhiên, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin sẽ góp phần giúp các dự án khách sạn nhanh chóng phục hồi việc xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động năm 2023.
“Hầu hết các dự án này đều là khách sạn 5 sao nên sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt ở phân khúc đó trong tương lai, đòi hỏi các khách sạn hiện hữu phải liên tục đổi mới, cải tạo để giữ được vị thế của mình trên thị trường”, bà An nhận định.
Bà cũng cho biết thêm, trong bối cảnh việc thực hiện giãn cách xã hội đã được nới lỏng từ cuối tháng 9 cùng với việc Hà Nội ghi nhận 9,2 triệu liều vắc-xin đã được tiêm chủng, ngành du lịch dự kiến sẽ bắt đầu hồi phục vào năm 2022.
“Từ nay đến cuối năm 2021, nguồn cầu chính vẫn được kỳ vọng vào lượng khách chuyên gia hoặc khách doanh nhân từ các địa phương khác đến Hà Nội làm việc khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Việc Hà Nội cho phép mở lại các cơ sở lưu trú cùng với đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng sẽ là những bước đi nhằm vực dậy du lịch trong nước”, bà An dự báo.
Thị trường khách sạn TP.HCM hồi phục chậm hơn
Trước những diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, TP.HCM đã buộc phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên phạm vi toàn bộ các quận, huyện trong vòng hơn 3 tháng. Theo đó, hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, các tuyến vận tải cố định liên tỉnh, đường bay nội địa kết nối với thành phố và các hoạt động dịch vụ không thiết yếu đều tạm dừng trong thời gian này.
Lệnh giãn cách kéo dài góp phần tạo thêm nhiều sức ép cho du lịch và khách sạn tại TP.HCM, do đây là hai nhóm ngành vốn đã phải chịu nhiều tổn thất nặng nề trong suốt năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách nội địa đến TP.HCM tiếp tục đà giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, với 7,8 triệu lượt khách được ghi nhận, trong khi đó khách du lịch quốc tế hầu như không có.
Tính đến hết quý III/2021, CBRE ghi nhận thị trường khách sạn 4 - 5 sao tại TP.HCM có tổng cộng 11.182 phòng với 51 dự án. Giá phòng bình quân quý III/2021 chỉ đạt 61 USD, giảm 26,8% so với cùng kỳ 2020.
Chuyên gia CBRE đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài với diễn biến khó lường, các khách sạn tại TP.HCM đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh để nhanh chóng thích nghi như đăng ký làm cơ sở cách ly có trả phí, hoặc cung cấp dịch vụ lưu trú dài hạn. Nhờ vậy, công suất phòng bình quân được cải thiện đáng kể, đạt hơn 35% so với cùng kỳ 2020, giá bình quân theo phòng cũng tăng 41,6%, đạt 21,3 USD/phòng/đêm.
Mặc dù công suất phòng đã có sự thay đổi tương đối tích cực hơn so với các giai đoạn dịch trước đây, nhưng nhìn chung thị trường khách sạn 4 - 5 sao sẽ còn gặp nhiều khó khăn do mức giá thuê phòng bình quân vẫn duy trì ở mức khá thấp. TP.HCM hiện đang từng bước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, cho phép một số hoạt động kinh doanh dịch vụ được vận hành trở lại với điều kiện đảm bảo yêu cầu an toàn về phòng chống dịch.
Lộ trình khôi phục hoàn toàn về trạng thái “bình thường mới” của thành phố dự kiến trong quý IV/2021. Tiến độ triển khai tiêm vắc-xin tại TP.HCM nói riêng và tại các tỉnh thành khác cũng đang được tích cực đẩy mạnh, hướng đến mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Thị trường khách sạn 4 - 5 sao được kỳ vọng hồi phục và có nhiều bước tiến hơn trong năm tiếp theo, cùng với đó, đây là giai đoạn Việt Nam cũng sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế đón khách du lịch nước ngoài trở lại./.