Aa

Thị trường khách sạn sụt giảm thê thảm và mối nguy khi Covid-19 tái bùng phát

Chủ Nhật, 02/08/2020 - 06:00

Báo cáo từ các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường khách sạn tại các thành phố lớn đều sụt giảm thê thảm về nguồn thu.

Báo cáo mới đây của JLL đã đưa ra những con số về diễn biến thị trường khách sạn trước và sau khi xuất hiện Covid-19.

Báo cáo cho hay, trong 5 năm (giai đoạn 2014 - 2019 là thời điểm trước khi có dịch) thị trường khách sạn TP.HCM có doanh thu phòng bình quân (RevPAR) toàn thị trường đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 2,8%. RevPAR này là kết quả của sự tăng trưởng mạnh mẽ của giá phòng bình quân (ADR).

Tổng nguồn cung phòng khách sạn tăng 6,5% trong cùng giai đoạn trong khi tổng lượt khách du lịch tăng với tốc độ nhanh hơn đáng kể với trung bình 13,5%/năm. Điều này dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu khách sạn vượt xa nguồn cung.

Tính riêng năm 2019, JLL ghi nhận mặc dù công suất phòng giảm 3,2% so với cùng kỳ, RevPAR vẫn tăng trưởng 0,7% nhờ vào mức tăng của giá phòng 5,4%. Tổng lượt khách du lịch tăng 13,1% đã có tác động tích cực đến ADR. Nguồn cung phòng khách sạn tăng 9,7% và dự kiến sẽ tăng ổn định từ năm 2020 đến năm 2022, đạt mức trung bình 3,5%/năm.

Tuy nhiên, kể từ khi trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào tháng 1/2020, RevPAR toàn thị trường TP.HCM đã giảm liên tục từ tháng 2 đến tháng 4 do các biện pháp phòng dịch được áp dụng chặt chẽ.

Diễn biến thị trường cũng tích cực hơn khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ vào ngày 22/4, RevPAR ghi nhận tăng trưởng theo tháng trong tháng 5 do kết quả của tăng trưởng về công suất phòng. Điều này cho thấy TP.HCM là một trong những thành phố đầu tiên phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch.

Các số liệu cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020 (so với cùng kỳ 2019), thị trường khách sạn ghi nhận mức suy giảm mạnh. Cụ thể: Công suất phòng giảm: 55,5%; ADR giảm: 10,4%; RevPAR giảm: 60,2%.

Thị trường khách sạn sụt giảm thê thảm do ảnh hưởng của Covid-19.

Tại thị trường Hà Nội, giai đoạn 2014 - 2019, RevPAR toàn thị trường ghi nhận mức tăng 7,4%. Đây là kết quả của cả sự tăng trưởng về công suất phòng lẫn giá phòng bình quân. Nguồn cung khách sạn tăng 7,6% theo năm và tổng lượng khách du lịch tăng trưởng vượt bậc ở mức trung bình 9,0% mỗi năm. Sự tăng trưởng đồng bộ về nhu cầu và nguồn cung phòng khách sạn dẫn đến tăng trưởng tích cực về kết quả kinh doanh khách sạn trong cùng giai đoạn.

Tính riêng năm 2019, RevPAR đạt mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước nhờ sự tăng trưởng của cả ADR và công suất phòng, cùng với mức tăng 10,1% tổng lượt khách du lịch. Nguồn cung phòng tăng 7,1% trong năm 2019 và dự kiến sẽ tăng vừa phải ở mức 3,6% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2022.

Tương tự TP.HCM, RevPAR toàn thị trường Hà Nội ghi nhận mức giảm liên tục từ tháng 2 đến tháng 4 do tác động của các biện pháp phòng dịch. Trong tháng 5, RevPAR của thị trường Hà Nội ghi nhận dấu hiệu phục hồi nhờ việc dỡ bỏ các biện pháp này.

Đáng chú ý, RevPAR tháng 5 ghi nhận mức tăng 33,4% so với tháng trước, cao hơn so với mức tăng của TP.HCM (7,1%). Điều này nhờ vào việc các khách sạn ở Hà Nội thu hút nhu cầu du lịch của khách nội địa và khách doanh nghiệp từ các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận, nơi ít bị ảnh hưởng do tác động của việc đóng cửa biên giới.

Trong 5 tháng đầu năm 2020 (so với cùng kỳ 2019), thị trường khách sạn Thủ đô cũng ghi nhận mức suy giảm mạnh. Cụ thể: Công suất phòng giảm 48,2%; ADR giảm 5,2%; RevPAR giảm 50,9%.

Còn theo nhận định từ Savills, trong quý II/2020, tại Hà Nội nguồn cung phòng khách sạn chỉ vào khoảng 9.950 phòng. Do cách ly xã hội cùng với việc đóng cửa du lịch quốc tế đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của thị trường khách sạn trong quý này. Hai khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao, chủ yếu ở khu vực trung tâm Hà Nội vẫn tiếp tục đóng cửa. Giá phòng trung bình giảm 14% theo quý và 24% theo năm, xuống còn 85 USD/phòng/đêm.

Trong quý II, phân khúc khách sạn 5 sao dẫn đầu thị trường với công suất 25% và doanh thu phòng trung bình là 27 USD/phòng/đêm. Khách dài ngày và khách công tác tiếp tục là nguồn khách chính của phân khúc này. Tuy nhiên, doanh thu phòng tại khu vực trung tâm, nội thành và phía Tây đều giảm từ 50 - 84%

Còn tại thị trường khách sạn TP.HCM, nguồn cung giảm mạnh. Toàn thị trường hiện có 84 dự án cung cấp khoảng 12.400 phòng, giảm 23% theo quý và theo năm đến từ việc đóng cửa tạm thời ở tất cả các phân khúc.

Đặc biệt, sau khi Đà Nẵng công bố có 13 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhiều chuyên gia khách sạn lo ngại, nguy cơ làn sóng dịch lần thứ 2 quay trở lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và sự hồi phục của các khách sạn không chỉ tại thành phố này mà cả Hà Nội và TP.HCM trong thời gian tới. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top