Thị trường mở cửa phiên giao dịch cuối tuần với những diễn biến tương đối tích cực. Sắc xanh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã áp đảo và điều này giúp kéo các chỉ số thị trường lên trên mốc tham chiếu. Đáng chú ý, các cổ phiếu ngân hàn như ACB, BID, MBB, HDB, TCB, TPB, VCB, SHB, VPB… đều đồng loạt tăng. BID tăng 1,1% lên 26.500 đồng/cổ phiếu. MBB tăng 1,3% lên 23.250 đồng/cổ phiếu. VCB tăng 0,7% lên 59.400 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC, PVB… vẫn đồng loạt bứt phá. PVD tăng trần lên 15.050 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh 2,3 triệu cổ phiếu. PVS tăng 5,5% lên 19.300 đồng/cổ phiếu. GAS tăng 2,2% lên 93.000 đồng/cổ phiếu.
Cặp đôi VIC và VRE cũng đang bứt phá mạnh. VIC tăng 5,4% lên 112.500 đồng/cổ phiếu. VRE tăng 3,4% lên 41.400 đồng/cổ phiếu.
Bước sang phiên chiều, sau hơn 30 phút giao dịch, thị trường đã gặp khó trước lực cản đến từ nhóm cổ phiếu lớn. Áp lực bán lan rộng khiến sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn và VN-Index một lần nữa rơi xuống dưới 960 điểm.
Thị trường vẫn tiếp diễn xu hướng giằng co, nhưng điểm tựa từ cổ phiếu lớn nhất là VIC và nhóm cổ phiếu dầu khí sau khi tiếp nhận thông tin tích cực từ việc giá dầu thô hồi phục mạnh trở lại sau 2 phiên giảm mạnh, đã giúp VN-Index nhanh chóng bật ngược trở lại.
Đóng cửa, VN-Index tăng 6,05 điểm (+0,63%) lên mức 959,6 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 197,53 tỷ đồng, giá trị 4.772,98 tỷ đồng, tăng hơn 15% về lượng và 12,65% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 31,4 triệu đơn vị, giá trị 1.014,27 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIC dù không lấy lại mức giá đỉnh trong phiên, nhưng cũng đã vượt qua giá chốt phiên sáng, với mức tăng 4,5% lên 111.500 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 2,53 triệu cổ phiếu. Còn “người anh em” VRE có chút chững lại với mức tăng 3,62%, đứng ở mức 41.500 đồng/ cổ phiếu với hơn 2,37 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần kém tích cực hơn. Trong khi HDB, MBB và VPB còn giữ mức tăng nhẹ, thì các mã lớn trong ngành như BID, CTG, VCB đã đảo chiều giảm.
Thêm vào đó, cổ phiếu lớn VNM tiếp tục nới rộng đà giảm, với mức giảm hơn 2% xuống 161.600 đồng, cùng SAB giảm hơn 2% xuống mức 199.900 đồng là những tác nhân chính khiến thị trường lỗi hẹn với mốc 960 điểm.
Các mã bất động sản, xây dựng cũng là những thành viên hỗ trợ thị trường như VCG, HUT, NDN, VGC, VCS…
Có thể thấy, thị trường đang gặp phải một vùng chốt lời mạnh và rất cần sức mua đủ lớn để hấp thụ hết lượng cổ phiếu đó. Vì vậy trong lúc chờ thị trường bứt phá thì nhà đầu tư nên thận trọng vì lượng tiền rất khó để dồi dào hơn. Cùng với đó là thị trường lúc này cũng cần một lượng tiền khá lớn để hấp thụ đợt bán ròng sắp tới của khối ngoại