Sau phiên điều chỉnh mạnh hôm trước (27/5), thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục quay trở lại trạng thái giao dịch tích cực. Khởi đầu phiên giao dịch 28/5 có phần khó khăn với áp lực bán ở nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục diễn ra, tuy nhiên, lực cầu vẫn tỏ ra mạnh mẽ và giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.
Các cổ phiếu như VRE, SHB, CTD, BID, VCB… đồng loạt tăng giá mạnh và góp phần giữ vững sắc xanh của các chỉ số. Trong đó, VRE tăng đến 5,5% lên 26.900 đồng/cp và khớp lệnh gần 6,4 triệu cổ phiếu. SHB tăng 3,7% lên 14.100 đồng/cp và khớp lệnh 9,2 triệu cổ phiếu. BID tăng 2,3% lên 40.700 đồng/cp và khớp lệnh 1,9 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, áp lực bán ở nhiều cổ phiếu trụ cột vẫn khá mạnh. Chốt phiên, GAS giảm 1,5% xuống 73.900 đồng/cp, TPB giảm 1,2% xuống 20.650 đồng/cp. Sáng 27/5, TPBank họp cổ đông thường niên 2020 trình kế hoạch lãi trước thuế 4.068 tỷ đồng, tăng 5%. ROE đạt 22,31%, thấp hơn mức 26,11% của năm 2019. Ngân hàng sẽ đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi, trong bối cảnh thu nhập lãi thuần bị ảnh hưởng.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa mạnh tiếp tục diễn ra, trong đó, bên cạnh VRE thì cả 2 cổ phiếu cùng họ “Vin” là VIC và VHM đều tăng giá. Trong đó, VIC tăng 0,1% lên 97.000 đồng/cp. Sáng 28/5, Tập đoàn Vingroup họp đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua kế hoạch năm 2020, trong đó, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup cho biết kiên trì đi theo hướng kêu gọi, thúc đẩy kích cầu du lịch nội địa, chưa mở cửa cho khách nước ngoài vì rất rủi ro. Đối với lĩnh vực mới là bất động sản khu công nghiệp, ông Vượng cho biết bắt đầu triển khai các dự án tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Một số dự án đã được cấp phép giải phóng mặt bằng, cuối năm sau có thể đưa từng phần vào hoạt động.
VHM cũng tăng trở lại 0,4% lên 75.000 đồng/cp. Đáng chú ý, VHM có giao dịch thỏa thuận lên đến 31,3 triệu cổ phiếu ở mức giá 70.000 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch là gần 2.200 tỷ đồng. Toàn bộ giao dịch này đều do khối nội trao tay nhau.
Các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ như ITA, OGC hay D11 vẫn được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, DTA tăng 6,6%, PDR tăng 4,4%, FIT tăng 32%, DCR tăng 2,3%...
Ngược lại, các cổ phiếu như PPI, BII hay RCL bị kéo xuống mức giá sàn. SNZ giảm 3,9%, NVT giảm 3,5%, CRE giảm 2,7%, CIG giảm 3%...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,91 điểm (0,46%) lên 861,39 điểm. Toàn sàn có 162 mã tăng, 206 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,75 điểm (0,69%) lên 109,64 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 70 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (0,15%) lên 55,01 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch đạt 378 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 8.000 tỷ đồng. ITA có phiên thứ 3 liên tiếp đứng đầu về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với hơn 19,6 triệu cổ phiếu. VRE là cổ phiếu bất động sản thứ 2 lọt vào top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 6,5 triệu cổ phiếu.
Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi trở lại mua ròng 275 tỷ đồng trên toàn thị trường. Có 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất phiên 28/5 là CRE và VPI, trong đó, CRE đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng với 11,6 triệu cổ phiếu. VPI bị bán ròng 8,2 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM và VRE được mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 86,7 tỷ đồng và 44,5 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống còn 14,06 điểm cho thấy nhà đầu tư bớt tiêu cực hơn về xu hướng thị trường. SHS dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần 29/5, VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang và giằng co với ngưỡng kháng cự và hỗ trợ lần lượt quanh 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%) và 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi thị trường và có thể canh chốt lời khi VN-Index tiến gần tới ngưỡng kháng cự mạnh 880 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể canh mua vào nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 840 điểm.