Theo số liệu Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố, trong tháng 8/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt gần 2 triệu tấn, giảm 12% so với tháng trước và giảm 21,6% so với cùng kỳ 2021.
Trong khi đó, tiêu thụ thép các loại trong giai đoạn này ghi nhận bật tăng trở lại, khiến thị trường thép trở nên sôi động hơn. Cụ thể, tháng 8, các doanh nghiệp đã bán ra thị trường 2,15 triệu tấn, tăng 8,13% so với tháng 7 trước đó và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh nhu cầu thép trong nước được phục hồi, giá thép xây dựng cũng ghi nhận đà tăng trở lại. Được biết, nguyên nhân đến từ việc các nhà máy thép tại châu Âu ngừng sản xuất vì vấn đề năng lượng. Ngoài ra, nguồn cung bất động sản đang được hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành thép.
Quá trình giải ngân đầu tư công trong giai đoạn cuối năm thường là giai đoạn cao điểm, điều này sẽ giúp một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có ngành thép được hưởng lợi.
Tính chung 8 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm của toàn ngành đạt 20,8 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong kỳ, bán hàng thép thành phẩm đạt gần 19,3 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng kênh xuất khẩu đóng góp 4,6 triệu tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tình hình xuất khẩu, số liệu của VSA cập nhật đến tháng 7/2022 cho thấy, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 613.450 tấn, giảm 28,67% so với tháng trước, nhưng giảm tới hơn 46% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 645 triệu USD, giảm 29,39% so với tháng 6 và giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
7 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5,41 triệu tấn thép các loại, giảm 22,57% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 5,63 tỷ USD, ngang với mức của cùng kỳ năm 2021.
Theo VSA, thị trường xuất khẩu thép chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này là khu vực ASEAN (40,39%), khu vực EU (17,78%), Hoa Kỳ (8,29%), Hàn Quốc (6,13%) và Hồng Kông (Trung Quốc) (4,37%).
Hiện nay, thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ và môi trường như các nước Mỹ, EU…
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh EU, Mỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của các doanh nghiệp thép của Việt Nam. Tuy nhiên, với việc sản lượng xuất khẩu gia tăng, đồng nghĩa các mặt hàng thép trong nước phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra phòng vệ từ chính thị trường này.
Mới trong tháng 7 vừa qua, ngành thép liên tục nhận 2 vụ việc kháng kiện. Cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, Bộ Kinh tế Mexico cũng đã đăng công báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt 909.000 tấn với kim ngạch đạt 1,03 tỷ USD, giảm 27% về lượng và giảm 25,43% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thép nhập khẩu ghi nhận giảm 2,45% về lượng và nhưng tăng 2,53% về trị giá.
Tính chung 7 tháng năm, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 7,4 triệu tấn với trị giá 8 tỷ USD, giảm 7,86% về lượng nhưng tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ 2021.
Được biết, các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam trong giai đoạn này bao gồm Trung Quốc với 45,52%; Nhật Bản là 15,78%; Hàn Quốc là 10,45%; Đài Loan chiếm 9,35% và Ấn Độ chiếm 7,27% thị phần./.