Trái phiếu doanh nghiệp dần nhộn nhịp trở lại
Sau những “cơn gió ngược” từ vĩ mô, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đột ngột trầm lắng. Từ giữa năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ liên tục giảm. Tuy nhiên, sau Nghị định 08 của Chính phủ vào tháng 3 vừa qua và một số động thái tích cực từ phía Ngân hàng Nhà nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có sự cải thiện.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), có 15 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 8 (tính đến ngày 25/8). Tổng giá trị phát hành đạt 13.555 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 8,77%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 3-5 năm.
Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng cho thấy sự nổi bật của các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản và ngân hàng trong phát hành trái phiếu.
Tháng 8/2023 có 7 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị là 22.905 tỷ đồng. Còn với ngành ngân hàng, trong tháng 8, có tới 10 đợt phát hành trái phiếu với giá trị phát hành lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.
Về lãi suất, nhóm bất động sản dao động từ 10,5-14%/năm, nhỉnh hơn so với mức lãi của nhóm ngân hàng từ 6,4-7,7%/năm.
Theo số liệu của FiinRatings, tính đến ngày 29.8.2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 8 ghi nhận phát hành mới 18 lô trái phiếu trị giá 21,36 nghìn tỷ VNĐ, giảm 31,69% so với tháng trước và tương đương 91,15% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, giá trị phát hành từ nhóm ngành tổ chức tín dụng tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn với 55,65% trên tổng phát hành trong tháng.
FiinRatings cũng ghi nhận quy mô trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn cũng chứng kiến sự sụt giảm với tổng khối lượng đạt 12,36 nghìn tỷ, giảm 50.85% so với tháng 7 và 44,21% so với cùng kì năm trước.
Cơ cấu trái phiếu mua lại vẫn giữ ổn định với nhóm tổ chức tín dụng chiếm đa số (49,39%), tiếp theo đến nhóm ngành bất động sản và các nhóm ngành khác.
Trong nửa cuối năm 2023, các chuyên gia của Chứng khoán VCBS dự báo quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi vào ổn định. Lý do được đưa ra là nhờ mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm, lượng trái phiếu mua lại trước hạn dự báo ngừng tăng và các tổ chức phát hành đẩy mạnh đàm phán gia hạn trái phiếu trong thời điểm lãi suất có diễn biến thuận lợi và nghị định 08 còn đang trong quá trình còn hiệu lực. Qua đó, giúp cho doanh nghiệp tiếp tục có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn.
Áp lực đáo hạn lớn
Các số liệu thị trường cho thấy tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt xấp xỉ 154.350 tỉ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, áp lực trả nợ trái phiếu vẫn đè nặng các doanh nghiệp khi phần còn lại của năm 2023 có tới 115.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn. Trong đó có tới 48% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 20%.
Tính đến ngày 24.8.2023, có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu..
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc pháp chế Công ty Weland cho rằng, số doanh nghiệp nợ quá hạn trái chủ tăng thêm trong quý 2 khá thấp. Điều này cho thấy các biện pháp giảm áp lực của trái phiếu đang tác động tích cực. Dù vậy, bên cạnh gam màu sáng, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang gia tăng đối với các tổ chức phát hành khi giá trị đáo hạn trong nửa cuối năm 2023 cao hơn 29,4% so với nửa đầu năm.
Ông Tuấn đánh giá, ở các tháng cuối năm 2023, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng. Lý do là nhu cầu tín dụng yếu, mặt bằng lãi suất giảm, nên mua lại trái phiếu có chất lượng tốt là hoạt động đầu tư có lợi cho ngân hàng. Ngoài ra, hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng đang khá dồi dào.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn rất tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên trong một thời gian dài không ít doanh nghiệp lạm dụng huy động trái phiếu để đầu tư dàn trải, yếu kém trong quản trị, dẫn tới nguy cơ đứt gãy dòng tiền khi thị trường biến động.
Theo ông Nhân, khi dòng tiền dể dãi đã kết thúc, nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ trái phiếu cho trái chủ. Biện pháp khả dĩ là tổ chức phát hành đàm phán gia hạn nợ với trái chủ.
“Tuy nhiên, để gia hạn nợ thêm 1-2 năm thì lãi suất trả cho trái chủ phải tăng thêm, nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, hàng loạt dự án chưa được tháo gỡ về mặt pháp lý hiện nay, liệu thêm một năm doanh nghiệp có xoay sở được tiền để trả cho trái chủ hay không?”, ông Nhân nói và nhấn mạnh, trong giai đoạn kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản thì những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt còn lớn hơn..
Theo đánh giá của FiinRatings, trong các tháng tiếp theo, áp lực đáo hạn vẫn sẽ tiếp tục là khó khăn chung của thị trường. Cụ thể, quý 4 năm 2023 là cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến 65,5 nghìn tỷ VNĐ (không tính các lô giãn hoãn), với gần 80% thuộc nhóm ngành bất động sản.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 nhằm ngưng hiệu lực các điều khoản liên quan đến hoạt động cho vay tái cơ cấu nợ và hợp đồng hợp tác đầu tư. Động thái này phần nào gỡ bỏ nút thắt của thị trường bằng việc cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn huy động nguồn vốn mới, từ đó tăng khả năng phục hồi của nhóm ngành bất động sản nói riêng và toàn thị trường nói chung.
Có chung nhận định về áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có một số tín hiệu phục hồi, tuy nhiên áp lực đáo hạn tới năm 2026 vẫn chưa thể giải quyết. Thực tế trên là hệ lụy của sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với số lượng phát hành tăng đột biến vào giai đoạn 2019-2021.