Phân khúc văn phòng cho thuê đã gặp rất nhiều khó khăn khi chưa kịp hồi phục ở làn sóng dịch Covid-19 lần thứ nhất thì làn sóng thứ hai ập đến bất ngờ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là tình trạng chung của cả thị trường khi mà một số dự án vẫn “sống tốt” trong đại dịch.
Thị trường gặp khó
Sự bùng phát của Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản bán lẻ chịu tác động nặng nề, giá cho thuê giảm mạnh, trong khi đó thị trường văn phòng cũng không mấy khả quan khi tỷ lệ trống ở mức cao.
Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, văn phòng cho thuê quý II/2020 ghi nhận sự ảnh hưởng đáng kể. Nếu như trong quý I/2020, thị trường vẫn chưa thực sự có những tác động đáng kể từ Covid-19 thì ở quý II đã chứng kiến những phản ứng rõ nét từ khách thuê.
Doanh thu sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020 khiến các doanh nghiệp phải tìm cách thắt chặt chi tiêu. Trong tình hình đó, khách thuê buộc phải trả lại một phần hoặc toàn bộ mặt bằng văn phòng nhằm hạn chế bớt những khoản lỗ khi tình hình kinh doanh đang đi xuống.
Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát, tính đến tháng 6/2020, nguồn cung văn phòng hạng A ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội chỉ hơn 730.000m2, chỉ bằng 23% nguồn cung tại Singapore và 19% của Kuala Lumpur (Malaysia). Vì vậy, nguồn cung này vẫn rất khan hiếm ở cả TP.HCM và thủ đô Hà Nội. Do đó, tỷ lệ lấp đầy vẫn cao mặc dù thị trường chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Đơn cử như Tổ hợp Văn phòng và thương mại dịch vụ Geleximco Peakview Tower. Đại diện chủ đầu tư cho biết trong những tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ lấp đầy tại Peakview Tower vẫn chiếm trên 90% và gần như không bị ảnh hưởng nhiều.
Khả năng phục hồi mạnh mẽ
Lý giải điều này, một số chuyên gia nhận định những văn phòng hạng A như Peakview Tower, ngoài yếu tố khan hiếm thì sự đảm bảo các tiêu chí về vị trí, công năng, chất lượng vận hành… cũng là lý do giúp phân khúc này “sống tốt” trong đại dịch.
Peakview Tower được xây dựng trên khu đất 36 Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Đây là vị trí trung tâm hành chính mới của quận Đống Đa, là khu vực sầm uất với tốc độ phát triển nhanh chóng về hạ tầng xã hội. Ở vị trí này, Peakview Tower được thụ hưởng đầy đủ các tiện ích do vị trí đắc địa của nó mang lại cùng khả năng kết nối thuận lợi tới những khu vực trọng điểm của Thủ đô.
Công trình với 21 tầng nổi có tổng diện tích sàn xây dựng là 49.040m2, trong đó hơn 1200m2 tại tầng 1 cùng lối tiếp cận độc lập dành cho Thương mại. Phần diện tích các tầng còn lại dành cho Văn phòng làm việc chất lượng cao, cùng các chức năng bổ trợ tiện nghi như nhóm Hội trường, hội thảo có sức chứa lên đến 400 người; nhà hàng với hơn 600m2; 3 tầng hầm được kiểm soát bằng hệ thống ra vào tự động. Peakview Tower còn được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ với độ tin cậy cao từ các hãng danh tiếng thế giới.
Nhưng không chỉ có các phân khúc hạng A như Peakview Tower, khi nhận định chung về thị trường văn phòng trong dài hạn, nhiều chuyên gia đều cho rằng TP.HCM và Hà Nội sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch, đặc biệt khi mà Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Châu Á.
Theo đại diện Savills Việt Nam, khi hầu hết các thành phố có giá thuê văn phòng hạng A giảm thì 2 thành phố lớn của Việt Nam đều có giá thuê ổn định.
Trong khu vực ASEAN, giá thuê của TP.HCM và Hà Nội chỉ xếp sau Singapore. TP.HCM có tình hình hoạt động tốt nhất khu vực với công suất hoạt động 96% và giá thuê tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, văn phòng chất lượng cao có xu hướng hấp dẫn khách thuê nước ngoài, nên sự quan tâm đối với hạng A sẽ tăng tỷ lệ thuận với dòng vốn FDI.
Thời gian tới, TP.HCM và Hà Nội tiếp tục thu hút nguồn FDI và nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố có vốn FDI cao nhất, kể cả trong những tháng đầu năm 2020 dưới tác động của Covid-19.
Ngoài ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng đã và đang có nhiều giải pháp giải cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính.
Với những điểm sáng này, thị trường văn phòng kỳ vọng sẽ phục hồi đặc biệt mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2021 đầu năm 2022.