Theo báo cáo của Savills Việt Nam, tính đến nửa đầu năm 2019, toàn thị trường văn phòng Hà Nội có khoảng 1,8 triệu m2 sàn, trong đó mặt bằng văn phòng hạng A chỉ chiếm khoảng 28%, tương đương với nửa triệu m2. Tổng nguồn cung văn phòng cao cấp của Hà Nội như vậy chưa bằng 20% nguồn cung của các thành phố trong khu vực như Kuala Lumpur, Singapore hay Manila.
Thống kê của Savills chỉ ra rằng, một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến Việt Nam. Trong khi đó, số lượng văn phòng hạng A của Hà Nội hiện có 23 dự án với tổng diện tích sàn 460.000m2, chỉ bằng 15% của Singapore và 11% của Malaysia. Dự báo, đây cũng là thành phố thiếu hụt nhất về nguồn cung văn phòng, nhất là văn phòng hạng A.
Cũng theo báo cáo tổng quan thị trường văn phòng Hà Nội của Savills Việt Nam, tỷ lệ văn phòng hạng A ở trung tâm đang có tỷ lệ lấp đầy cao nhất ở Hà Nội là 91%, với giá thuê trung bình trên dưới 32 - 40USD/m2 (tuỳ từng vị trí). Với mặt bằng 600m2, các đơn vị sử dụng văn phòng cao cấp khó có thể tìm được ở khu vực trung tâm Hà Nội, vì Hà Nội Tower đang lấp đầy 99%; các toà nhà 63 Lý Thái Tổ, Center Building, BIDV Tower, Sun Red River, Lotte Center, PVI Tower… có tỷ lệ thuê lấp đầy 100%; toà nhà Pacific Place đạt 93%, Capital Tower 96%, Daeha Complex 98%, Landmark 72 đạt 99%, Charmvit Tower là 85%...
Giá cho thuê văn phòng hạng A tại Hoàn Kiếm có mức 40 - 42 USD/m2; khu vực Ba Đình - Đống Đa có giá 34 - 35 USD/m2, khu vực phía Tây đang ở mức tốt từ 20 - 25 USD/m2. Dự kiến, mức giá thuê toà nhà Capital Place sẽ từ 40 - 42 USD/m2.
Nguồn cầu tăng cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm khiến các chủ đầu tư liên tục tăng giá thuê và giữ được vị thế thương lượng.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội nhận định: “Có thể thấy quy mô nguồn cung văn phòng hạng A của Hà Nội còn rất khiêm tốn, đặc biệt nếu xét đến nguồn cầu tiềm năng của khách thuê doanh nghiệp, được thể hiện gián tiếp qua nguồn vốn FDI dồi dào vào thủ đô".
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng nguồn vốn FDI đăng ký vào Hà Nội vẫn đứng đầu toàn quốc với xấp xỉ 4.9 tỷ USD, chiếm 26% lượng vốn vào Việt Nam. Những số liệu này cho thấy sự khỏe mạnh của nền kinh tế và có mối liên hệ gián tiếp đến nhu cầu mặt bằng văn phòng của các doanh nghiệp ngoại. Đây cũng là đối tượng khách thuê chính của văn phòng hạng A, từ đó nhấn mạnh hơn nữa tình trạng khan hiếm nguồn cung mặt bằng văn phòng cao cấp tại Hà Nội.
Theo khảo sát của Savills Việt Nam trên các khách thuê ở các tòa nhà văn phòng hạng A&B tại Hà Nội đến nửa đầu năm 2019, 68% khách thuê hạng A là doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy vậy, cũng theo bà Hằng, tình trạng khan văn phòng cao cấp tại Hà Nội sẽ giảm trong thời gian tới với sự ra đời của các dự án mới. Từ cuối năm 2019 đến năm 2021, thị trường dự kiến sẽ chào đón 3 dự án văn phòng hạng A, cung cấp khoảng 150.000 m2 sàn mới, tương đương với 30% nguồn cung hạng A hiện tại.
Thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội sẽ còn sôi động hơn thời gian tới, giá thuê tăng 3%. Và văn phòng hạng A gần trung tâm có nguồn cung ngày càng hạn chế nên mức giá sẽ tăng 7%.
Về nguồn cung bà Hằng cho biết, do nhận thấy nhiều cơ hội từ thị trường văn phòng cho thuê, hiện nhiều doanh nghiệp Nhật, Hàn Quốc tìm cơ hội đầu tư văn phòng hạng A tại Hà Nội. Đại diện Savills cũng phân tích, mặc dù nguồn cung văn phòng hạng A tại Hà Nội khan hiếm nhưng để các chủ đầu tư trong nước làm tòa nhà văn phòng hạng này không dễ. Bởi có đến 60% khách hàng của văn phòng hạng A là các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài nên họ áp tiêu chuẩn của nước ngoài vào mà không phải chủ đầu tư nào cũng đáp ứng được (như tiêu chuẩn về vị trí đắc địa, diện tích mặt sản, quản lý quốc tế, hạ tầng xung quanh…).
Nhận định về triển vọng đầu tư văn phòng tại Hà Nội, bà Hoàng Nguyệt Minh, Quản lý Đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, lợi suất cao cho thấy mức tương quan khá hấp dẫn của thu nhập từ việc cho thuê mặt bằng so với giá trị vốn hóa của tòa nhà văn phòng.
Việc Hà Nội đang có mức lợi suất cao hàng đầu thế giới cho thấy triển vọng rất khả quan về giá thuê và công suất thuê tại thị trường này, bà Minh nhìn nhận.