Aa

Thị trường vật liệu cuối năm, vàng thau lẫn lộn

Thứ Hai, 08/01/2018 - 06:00

Cuối năm là thời điểm thị trường vật liệu xây dựng diễn ra sôi động và đây cũng là quãng thời gian lý tưởng để nhiều loại vật liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém… chen chân vào thị trường.

Sử dụng các loại vật liệu kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng công trình, mà còn ảnh hưởng cả sức khỏe người dùng

Sử dụng các loại vật liệu kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng công trình, mà còn ảnh hưởng cả sức khỏe người dùng

Thị trường vật liệu xây dựng hiện nay không chỉ đa dạng chủng loại, mẫu mã, mà còn rất linh động về giá cả. Cùng một sản phẩm nhưng mỗi cửa hàng bán một giá, đặc biệt, khách hàng muốn mua ở mức giá nào cũng có. Điều này khiến không ít người lo lắng rằng mình bỏ tiền mua hàng hiệu, nhưng nhận phải hàng giả.

Tìm hiểu thực tế tại nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM cho thấy, khi giao dịch với khách hàng, mỗi chủ cửa hàng đều giới thiệu loại sản phẩm của mình đang bán là chất lượng tốt nhất, nhưng chất lượng thực sự của sản phẩm như thế nào, chỉ có thời gian mới kiểm chứng được.

Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Trọng Hòa, tại quận Gò Vấp (TP.HCM), dù mới sơn lại nhà chưa được 1 năm, nhưng những lớp sơn trên tường nhà của gia đình anh đã bị bong tróc, ngả màu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Hòa cho biết, lúc bước vào cửa hàng để chọn sơn như bị lạc vào ma trận, từ thương hiệu, đến chất lượng rồi giá cả. Dòng sơn nào, hãng sơn nào cũng đều được chủ cửa hàng giới thiệu là tốt, đặc biệt là giá nào cũng có.

“Chỗ thì khuyên nên dùng sơn Kova, nơi lại bảo xài Jotun hoặc Spec tốt hơn vì nổi tiếng. Còn có cửa hàng lại giới thiệu những hãng sơn nghe rất lạ như Mitsutex, Sunvic, Skey paint, Kansai paint… Cuối cùng, tôi quyết định giao khoán cho nhà thầu thi công với giá 60.000 đồng/m2, với phương án bên ngoài dùng sơn Kova, bên trong dùng sơn của Dulux”, anh Hòa nói.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thi công sơn bả, anh Hoàng Ngọc Tuấn chia sẻ, những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng thường bị làm nhái mà người dùng khó có thể phân biệt được.

“Với lợi thế là doanh nghiệp trong nước, am hiểu khí hậu Việt Nam, những dòng sơn Kova được người tiêu dùng đáng giá cao về chất lượng. Hơn nữa, những sản phẩm của hãng này đều đáp ứng được đúng nhu cầu của khách hàng. Do đó, một số nhà cung cấp lừa bán sơn Kova giả cho khách hàng nhằm trục lợi là điều dễ hiểu”, anh Tuấn nói.

Anh Tuấn cho biết, các tiểu thương thường làm sơn giả bằng cách dùng những thùng sơn kém chất lượng pha với sơn Kova thật. Sau đó dán lên mỗi thùng loại tem vỡ có lớp phản quang được làm giả, tem này vẫn sẽ phát quang khi chiếu dưới ánh sáng đèn tia cực tím.

Bên cạnh làm nhái các thương hiệu nổi tiếng, thị trường vật liệu xây dựng còn xuất hiện các mặt hàng không rõ nguồn gốc, có tên na ná các thương hiệu chính hãng. Các mặt hàng này có mẫu mã, màu sắc đa dạng, bắt mắt, khó phân biệt và có giá rẻ hơn nhiều so với mặt hàng chính hãng. Đối với các mặt hàng thiết bị vệ sinh như bồn tắm, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa…, các thương hiệu nổi tiếng như Toto, Inax, American hay bị làm nhái nhất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Hoàng Nam, sinh sống tại quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, năm 2016, khi sửa nhà, anh có tìm mua một số sản phẩm thiết bị vệ sinh có in thương hiệu uy tín và giá hợp lý nên mua về sử dụng. Tuy nhiên, mới sử dụng được khoảng hơn 1 năm, các thiết bị này đã nhanh chóng hỏng hóc, hoen gỉ, không giữ được màu men sáng bóng như trước.

“Dù rất cẩn thận nhưng vẫn mua phải hàng giả, bây giờ gia đình tôi đang không biết phải làm sao. Bỏ thì thương, vương thì tội”, anh Nam bức xúc.

Không chỉ sơn, các thiết bị vệ sinh, nội thất, thậm chí, ngay cả cát xây dựng cũng bị làm nhái, nhất là khi nguồn cung loại vật liệu này đang khan hiếm, giá tăng cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, cát hiện nay có nhiều loại giá. Loại cát xây, tô (mô đun 1.0-1.2, thuật ngữ chỉ kích cỡ hạt cát trong xây dựng) được bán khoảng 450.000 đồng/m3 (tăng 95% so với giá cát thời điểm đầu năm). Còn cát có mô đun từ 1.6-1.8 giá từ 500.000 đồng/m3 trở lên.

Để cạnh tranh, một chủ doanh nghiệp kinh doanh cát tiết lộ: "Giá cát tùy chất lượng và tùy người bán. Khách hàng không thể biết, càng không thể biết giá cát bao nhiêu là đúng. Nếu lấy 70% cát mô đun 1.8 trộn với 30% cát mô đun 1.2 rồi bán rẻ hơn cát 1.8 ở nơi khác một ít thì khách hàng sẽ mua ào ào”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng loại cát không đúng tiêu chẩn hay cát có lẫn nhiều tạp chất, dầu mỡ, phèn, thì chắc chắn chất lượng của công trình sẽ bị ảnh hưởng. Còn với những mặt hàng chất lượng kém như sơn hay thiết bị trong gia đình sẽ tác động đến sức khỏe người sử dụng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top