Aa

Thị trường vật liệu xây dựng trong nước chờ "sóng" đầu tư công

Thứ Tư, 08/03/2023 - 11:15

Trước biến động nguyên liệu kim loại thô trên thế giới và đà phục hồi của giá sắt thép từ cuối năm ngoái tới nay, các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu xây dựng trong nước cũng sẽ đối diện với nhiều thách thức.

Với ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất cơ bản như xi măng, sắt thép... đang trong tình trạng dư cung, đối mặt với những khoản lỗ ròng dẫn đến thu hẹp hoạt động sản xuất. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), để ngành này có thể vượt qua khó khăn, đầu tư công và xúc tiến thương mại tại các thị trường mới là động lực giúp các doanh nghiệp này cải thiện năng lực sản xuất.

Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là hơn 711.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Ngoài ra, có thêm khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cộng, chi tiêu Chính phủ dự kiến sẽ được mở rộng lên tới hơn 850.000 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư công vào năm nay. Đây được kỳ vọng sẽ là điểm sáng hỗ trợ cho nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước.

Bảng giá năng lượng kết thúc ngày giao dịch 6/3.

Lo ngại nguồn cung giúp giá dầu tiếp nối đà tăng

Thị trường dầu thô tiếp tục trải qua biến động mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần, với giá dầu thô WTI tăng 0,98% lên 80,46 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,43% lên 86,20 USD/thùng. Giá cả hai mặt hàng dầu thô đều đang ở mức cao nhất trong gần một tháng.

Sức ép bán xuất hiện ngay từ đầu phiên khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc. Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, các nhà chức trách của nước này đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP là 5%. Đáng chú ý, mức tăng trưởng này khiêm tốn hơn so với kỳ vọng của thị trường. Tin tức này đã làm mờ những kỳ vọng vào việc nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tăng trưởng và khiến cho giá dầu giảm.

Tuy nhiên, bước sang phiên tối, giá dầu dần lấy lại đà tăng khi một loạt các tin tức tích cực xuất hiện và hỗ trợ cho giá. Tại hội nghị năng lượng CERAWeek ở Houston, lãnh đạo của nhiều công ty sản xuất lớn đã có những phát biểu lạc quan cho rằng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ hồi phục vào cuối năm, tuy nhiên, rủi ro nguồn cung vẫn cao do ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) với Nga.

Nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Saudi Arabia đã tiến hành tăng giá bán dầu cho châu Á. Động thái này phản ánh sự lạc quan cũng như kỳ vọng vào việc nhu cầu nhập khẩu của khu châu Á sẽ tăng lên. 

Đối với nguồn cung của Nga, khối lượng xuất khẩu dầu của nước này đã giảm 14% trong tuần kết thúc ngày 3/3 về mức 3,1 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích cho rằng mức sụt giảm này xuất phát từ những khó khăn về mặt hậu cần mà không phải do việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng mà Nga đã công bố. 

Các tin tức này đã giúp cho thị trường dầu đảo ngược đà giảm và duy trì được sắc xanh phiên thứ năm liên tiếp.

Giá khí tự nhiên lao dốc hơn 14% khi dự báo cho thấy thời tiết sẽ ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm thấp hơn. Đồng thời, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho biết dự trữ khí tự nhiên hiện cao hơn 19% so với mức trung bình 5 năm. Nguồn cung không đáng lo ngại trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp hơn kỳ vọng là yếu tố khiến giá khí tự nhiên giảm. Thị trường khí tự nhiên rất rủi ro bởi giá liên tục biến động rất cực đoan theo các tin tức về thời tiết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top