Aa

Thiên chức của nhà số 4 Thụy Khuê là làm phim!

Thứ Năm, 21/09/2017 - 06:00

Chia sẻ xung quanh câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và việc các nghệ sỹ của hãng phải gửi đơn kêu cứu, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, cựu giám đốc VFS và hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng mỗi đơn vị, tổ chức đều có chức năng nhiệm vụ của riêng mình. Dù có ban lãnh đạo mới thì cũng nên có sự tìm hiểu, nghiên cứu đặc thù của đơn vị và các cá nhân trong đơn vị đó để tìm ra đường hướng phát triển đúng đắn.

PV: Thời gian gần đây, thông tin tập thể văn nghệ sỹ VFS có đơn kêu cứu gửi đến Hội Điện ảnh Việt Nam về những vấn đề phát sinh sau quá trình cổ phần hóa hãng đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Bà có thể cung cấp một số thông tin liên quan không thưa bà? 

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Đây không phải là lần kêu cứu đầu tiên, các nghệ sỹ đã kêu nhiều lắm rồi nhưng tới nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. 

Từ tháng 6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký cho lệnh chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam sang CTCP Đầu tư và Phát  triển Phim truyện Việt Nam. Đã công nhận cổ phần. Dù giá trị thương hiệu và đất đai của hãng chỉ được định giá bằng 0, nhưng vì Bộ đã hứa sẽ xem xét trong Đại hội cổ đông lần hai cho nên anh em nghĩ là thôi thì chờ đợi, biết đâu cổ phần hóa sẽ tốt. Tuy nhiên mọi việc không như mong đợi nên các nghệ sỹ phải kêu. 

Sau khi các nghệ sỹ gửi đơn kiến nghị, Thủ tướng đã có lệnh đề nghị xem xét lại việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nhưng sự xem xét ấy cũng qua loa, không cụ thể nên anh em lại bức xúc.

PV: Vậy là, bức xúc của các nghệ sỹ làm việc tại Hãng phim đã kéo dài trong nhiều năm. Xét cụ thể thì, vì đâu nên nỗi thưa bà? 

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi cho rằng việc cổ phần hóa là nhân tố chính gây nên nỗi bức xúc cho anh chị em. Liên quan đến việc cổ phần hóa, Bộ thành lập Ban chỉ đạo gồm tất cả các vụ như Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính và các ban bệ nhưng lại không có Cục Điện ảnh. Cục Điện ảnh là đơn vị quản lý ngành thì phải có tiếng nói, họ nắm rất vững vấn đề nên buộc phải được ngồi vào để góp ý. Nhưng thực tế lại không được tham gia vào Ban này. Đây là sai sót ở tầng trên.  

Sai sót tiếp ở tầng dưới là Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo lại gạt những người có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực này ra, thay vào những người chẳng biết gì của Phòng Hành chính và Tổ chức. Nếu Tổ giúp việc này có các anh Phó Giám đốc về nghệ thuật như NSND - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân; NSDN - Nhà quay phim Lý Thái Dũng thì họ sẽ có tiếng nói về những gì Hãng cần khi cổ phần hóa, một cách công minh. Cùng với ông giám đốc Vương Tuấn Đức, ba trụ cột này sẽ đặt lên bàn xem xét xem phải làm thế nào để Hãng không thiệt thòi, anh em không thiệt thòi và để chọn được nhà cổ đông thật sự sáng giá, thật sự là người cứu tinh để sát cánh cùng VFS, để giữ gìn và phát triển Hãng. 

Nói như vậy để thấy, ngay khi mới bắt đầu tiến hành cổ phần hóa VFS đã có hai sai sót. Tôi cho rằng đây là hai sai sót rất lớn của Ban cổ phần hóa VFS. Và khiến các nghệ sỹ phải đặt dấu hỏi về tính minh bạch, liệu rằng có sự thỏa thuận ngầm với nhau ở đây hay không? Hay chỉ đưa những người cùng “cạ” vào để cổ phần cho nhanh. 

Tôi cho rằng, việc cổ phần hóa này đã sai ngay từ đầu là chọn nhà cổ đông chiến lược không đúng. Nếu thông tin được đưa lên các báo lớn, đăng lâu một chút rồi mời gọi thì nhiều đại gia, doanh nghiệp lớn có thể sẽ tham gia vào. Họ bảo rằng phải có mấy nhà cổ đông thì mới lựa chọn cổ đông chiến lược tốt nhất, đằng này có mỗi ông đường sông thì ai đảm bảo rằng có lobby không?

PV: Nhân việc bà nhắc đến những gì mà Hãng phim cần, theo bà, hiện nay VFS đang cần gì và thiếu gì? 

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Cần là cần phim để sản xuất và các nghệ sỹ cũng chỉ mong vậy.

Từ trước đến giờ VFS thường làm 10 phim trong một năm, không được thế thì cũng 4 - 5 phim một năm nhưng mấy năm nay không có phim nào. Đấy là cái thiếu nhất của hãng phim hiện nay. Không có việc để làm!

Do không có việc nên kéo theo hệ lụy là không có thu nhập. Từ lâu rồi VFS không có quỹ lương, các anh chị em phải tự sống bằng phim. Nếu nhà nước đặt phim mỗi năm mấy bộ thì anh em mới có chỗ nuôi nhau đủ sống và có chỗ tích lũy. 

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Ảnh: Tuấn Minh

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Ảnh: Tuấn Minh

PV: Vậy là trước khi cổ phần hóa, Hãng cũng thiếu phim để làm, thu nhập của các nghệ sỹ không được đảm bảo. Sau khi cổ phần hóa, tình trạng này cũng chưa được khắc phục. Bà đánh giá thế nào về chiến lược phát triển của CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam hiện nay? 

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Hiện chiến lược phát triển của công ty cổ phần không thấy đâu, tôi cho rằng tối tăm. Tháng lương đầu tiên trả được như thời trước cổ phần. Tháng lương thứ hai thì bảo không còn tiền để phát, mọi người kêu ầm lên thì mới được gọi lên, mỗi người được nhận 2 triệu, 1 triệu, không căn cứ vào điều kiện nào. 

Trước khi cổ phần trong tài khoản của Hãng còn 2,5 tỷ đồng thì sau khi cổ phần ban lãnh đạo mới bảo tiền đó để đóng thuế đất. Các anh em nghệ sỹ tin tưởng có ban lãnh đạo mới thì mọi việc sẽ khởi sắc hơn, nhưng thực thế như hiện nay thì tôi chưa nhìn thấy tương lai. 

Mặc dù họ trả lời báo chí vẫn bảo sẽ thế này thế kia; trước khi cổ phần thì hứa hẹn nhiều điều, vẽ ra một tương lai cực kỳ đẹp cho VFS: tôn trọng nghệ sỹ, đầu tư làm phim, rồi dành 20% vốn để sản xuất phim... nhưng thực tế lại không phải. Nghệ sỹ rất nhạy cảm, họ nhìn thấy ngay ban lãnh đạo mới không có ý định làm phim, không giữ đúng cam kết ban đầu. Dù có một thực tế không thể phụ nhận rằng thiên chức của số 4 Thụy Khuê là làm phim.

PV: Nói như vậy phải chăng số phận của VFS hiện nay đã quá khốn cùng thưa bà? Không có phim để làm, không có kinh phí, trụ sở tồi tàn, nghệ sỹ không có thu nhập... hy vọng vào việc cổ phần hóa hãng phim để có một tương lai tươi sáng hơn dường như cũng đang lụi tàn? 

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tất cả các anh em nghệ sỹ của hãng đều ủng hộ việc cổ phần hóa hãng phim, nếu sau cổ phần mà tốt đẹp thì mừng lắm. Cũng không ai thích chuyện anh em suốt ngày “khóc mếu” thế này. 

Nhưng những người làm nghề hiện nay rất khổ vì mấy năm nay ngân sách Nhà nước không cho sản xuất phim. Bây giờ có một ông “đại gia” nhảy vào và hứa hẹn đủ điều thì ai cũng mừng, cũng tin. Chúng tôi nói bao nhiêu lần chúng tôi không chống cổ phần hóa hãng phim nhưng cổ phần như thế nào mới quan trọng.

Hiện giờ, tôi chưa thấy CTCP phát huy vai trò trong việc phát triển hãng phim. Có kịch bản phim “Người yêu ơi” đang trong giai đoạn chọn cảnh cũng là từ trước khi cổ phần chứ không phải sau cổ phần mới làm. Cổ phần hóa không có công trong việc mang bộ phim này về cho VFS. Phim cũng đang chờ kinh phí của Cục ngân sách Nhà nước chứ không phải tiền vốn của CTCP.

Các nhà lãnh đạo mới của VFS sau khi nhận chức đã lập tức dẹp chỗ nọ, chỗ kia; cả "núi" kịch bản cũng dọn và chuyển đi nơi khác. Đây là một hành động thô bạo! Muốn làm phim phải có máy móc, công cụ dựng thì họ lại tháo dỡ phòng dựng phim và hòa âm. Bây giờ tháo rời ra thì nó thành sắt vụn. Chứng tỏ họ không có nhu cầu làm phim, bởi nếu có thì phải “mài cho cái cuốc sắc” và phải gìn giữ. 

Cái nữa chứng tỏ ban lãnh đạo mới của CTCP không muốn làm phim là kho phục trang rộng lớn của hãng, các đời giám đốc đều gìn giữ rất kỹ, đều có người giặt giũ trông nom, nhưng họ phủi toẹt đi bắt hất hết ra sân. Chắc vì họ không có kinh nghiệm, chuyên môn nên nhìn thứ đó như đồ cũ và dẹp đi để lấy phòng cho thuê. 

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Tuấn Minh

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Tuấn Minh 

PV: Dường như việc cổ phần hóa VFS càng làm cho tình hình thêm căng thẳng. Phải chăng theo bà, không cần cổ phần hóa thì VFS cũng không có vấn đề gì? 

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi nghĩ nếu cứ để hãng như cũ thì người ta vẫn sống đấy thôi. Bây giờ cứ áp đặt các doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần 100%, nhưng tôi cho rằng thế hơi máy móc quá. 

Đối với các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phải có đặc thù riêng. Anh lại đổ đồng như nhà máy sản xuất mỳ tôm, sản xuất công cụ thông thường thì không ổn. Các sản phẩm của VFS bao nhiêu năm nay là sản phẩm phi vật thể, sản phẩm tinh thần mà vội vàng bắt phải thế này thế kia mà không có sự chuẩn bị cẩn thận thì sẽ gây ra hệ luỵ khôn cùng. 

 PV: Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Kính mời quý độc giả đón đọc kỳ 5: 0 đồng và nỗi đau nghệ sỹ

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top