Ngày 26/10 Tạp chí Kiến trúc và Tập đoàn AGC Châu Á đã tổ chức hội thảo “Mặt dựng xanh trong kiến trúc hiện đại”. Buổi hội thảo có sự tham dự và phát biểu tham luận khoa học của đại diện lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Hội đồng công trình xanh Việt Nam, Tập đoàn AGC châu Á, các chuyên gia trong ngành kiến trúc trong nước, quốc tế.
Hiện nay, ngành xây dựng đang phát thải đến 39% lượng khí thải CO2 ra môi trường. Để khắc phục hiện trạng trên, trong những năm qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ngành xây dựng Việt Nam đã phát động chương trình kiến trúc xanh với bộ tiêu chí Kiến trúc xanh được công bố nhằm thúc đẩy công trình xanh - sinh thái - tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Với công trình kiến trúc, mặt dựng luôn có vai trò rất quan trọng, chiếm khối lượng tương đối lớn trong công trình. Mặt dựng xanh góp phần tạo dựng tính hiệu quả thành công của công trình kiến trúc xanh. Mặt dựng xanh của công trình kiến trúc không chỉ liên quan đến chất lượng về thẩm mỹ kiến trúc mà còn thúc đẩy hiệu quả nhiều mặt về tiết kiệm năng lượng.
Với kiến trúc mặt dựng công trình tối ưu sẽ giúp tiết kiệm 40% năng lượng trong vận hành công trình. Phát triển các hệ mặt dựng xanh cho công trình sẽ đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển bền vững kiến trúc Việt Nam trong thời gian tới.
Các giải pháp mới tiên tiến hiện nay hoàn toàn đã cho phép sử dụng các ngôn ngữ kiến trúc hiện đại và các loại vật liệu hiện đại với các công trình kiến trúc tại Việt Nam, đặc biệt với vật liệu kính vốn được xem là khắc tinh về năng lượng trong kiến trúc khu vực nhiệt đới tại Việt Nam trước đây.
Ông Allan Teo, Trưởng đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng công trình xanh thế giới (WGBC) chia sẻ: Hiện nay, việc phát triển công trình xanh còn rất nhiều rào cản. Tôi cho rằng thiếu động lực, không có tầm nhìn là những thách thức chính đối với thiết kế công trình xanh. Việc đánh giá công trình xanh cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh nghiệm, giải pháp và công nghệ.
Ngoài ra, để đánh giá yếu tố bền vững của công trình, điều quan trọng là phải theo sát quá trình từ thiết kế đến xây dựng, cũng như trong thời gian sử dụng của công trình.
Ông Allan Teo cho hay: “Công nghệ và vật liệu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá các công trình xanh phát triển bền vững. Tôi tin rằng chúng ta đã bắt đầu có đủ công nghệ và vật liệu để áp dụng cá thiết kế xanh nhưng không dừng lại ở đó, chúng ta vẫn cần liên tục đổi mới và thúc đẩy các ranh giới để cải thiện.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng công nghệ là công cụ để thiết kế, chúng ta cần hành động “mạnh mẽ” hơn trong việc tạo ra các công trình xanh mới mang lại tác động tích cực lâu dài”.