Aa

Thiết kế phố chợ hoa Hồ Thị Kỷ "đáng ngạc nhiên" của cô sinh viên ĐH kiến trúc

Thứ Hai, 19/12/2016 - 07:01

Từ nền tảng về văn hóa, cảnh quan có sẵn, Vũ Nguyễn Uyên Minh - sinh viên ĐH Kiến trúc TP. HCM đã vẽ ra một phố chợ đáng mơ ước cho khu vực chợ hoa Hồ Thị Kỷ.

Là 1 trong 5 giải Nhất của Loa Thành – Cuộc thi dành cho những đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành Xây dựng – Kiến trúc toàn quốc lần thứ 28, đồ án “Thiết kế đô thị khu vực chợ hoa Hồ Thị Kỷ” được giới chuyên môn chú ý.
 

Từ tình yêu dành cho phố chợ...

Tác giả đồ án Vũ Nguyễn Uyên Minh

Tác giả đồ án Vũ Nguyễn Uyên Minh

Nhắc đến chợ, thường mọi người hình dung là những sạp hàng san sát nhau, những lối đi nhỏ, lầy lội bắt ngang dọc, người thì phải chen chúc nhau để họp chợ. Đây là lối "quy hoạch" đặc trưng áp dụng cho hầu hết tất cả chợ Việt Nam. Sau này để phân định với những trung tâm thương mại sang trọng sầm uất, người ta thêm vào hai chữ “truyền thống” phía sau.

Chợ ở Sài Gòn không ngoại lệ. Không gian chợ được hình thành ngay trên tuyến đường hay con hẻm nhỏ nào đó. Những ngôi chợ tự phát này đáp ứng được nhu cầu thông thương hàng hóa của người dân. Theo thời gian, không ít chợ nằm trong nhưng khu phố giản dị dần trở thành những địa chỉ “chợ sỉ” chuyên mua bán một loại sản phẩm đặc trưng. Chợ hoa Hồ Thị Kỷ là một trong những ngôi chợ như thế. Ở đây, khách có thể tìm bất kỳ loại hoa nào mà mình thích, tùy theo mùa.

Sài Gòn có không ít chợ hoa như chợ hoa Đầm Sen (đường Nguyễn Văn Phú, quận 11), chợ hoa Hậu Giang (chân cầu Hậu Giang, quận 6), chợ hoa Bình Điền (đường Nguyễn Văn Linh, quận 8)... nhưng đa phần chỉ biết chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Nằm lọt thỏm trong khu dân cư trên địa bàn phường 1, quận 10, cái tên chợ cũng chính là tên đường. Uyên Minh đã bị những nét văn hóa xưa cũ ấy thu hút đặc biệt: chợ bán suốt 24 giờ, mỗi khung giờ là một hình thức sản phẩm, có khu dành cho bán sỉ, bán lẻ, mỗi mùa bán mỗi thứ hoa khác nhau... Không phải cứ xuất hiện sớm (năm 1987) là được nhắc nhiều mà chợ hoa Hồ Thị Kỷ thật sự đa dạng về chủng loại và xuất xứ. Các làng hoa từ Đà Lạt, miền Tây, miền Bắc đổ về cùng một lượng lớn hoa nhập từ Thái Lan, Trung Quốc...

Với cái tình cảm đặc biệt của người Sài Gòn yêu không gian phố chợ hoa, Uyên Minh nhận thấy sự bất cập trong công tác quản lý, cơ sở hạ tầng tại đây. Hoa đẹp, nhưng tình trạng kẹt xe, khói bụi, rác thải… khiến khu phố hoa ngày càng trở nên nhếch nhác. Cám cảnh khu chợ hoa “tàn tạ”, Uyên Minh muốn đưa những điều mình được học để thay đổi không gian chợ thành một điểm hẹn văn hóa, du lịch, dịch vụ trong tương lai. Phạm vi nghiên cứu được mở rộng từ khu chợ ban đầu lên tổng diện tích toàn phường 1 khoảng 20,8ha.

...đến những ý tưởng táo bạo

Khu vực phường 1, quận 10 được Uyên Minh chia làm 3 phân khu chính vừa tách rời để dễ quy hoạch, vừa gộp chung thành khu đất phức hợp gồm: khu Nhà khách Chính phủ, chợ hoa Hồ Thị Kỷ và chợ Campuchia (hay chợ Lê Hồng Phong).

Minh họa chợ hoa truyền thống

Minh họa phố hoa khi đồ án đi vào thực tế

Từ xưa đến nay, phàm những vấn đề có liên quan đến các công trình cổ thường gây ra áp lực lớn cho nhà quản lý và cả người thiết kế công trình. Bởi vì nếu muốn thay đổi, sửa chữa những kiến trúc cổ trong lòng đô thị thì hoặc vẫn còn nhập nhằng về mặt pháp lý khó giải quyết sớm, hoặc quy hoạch không khéo vô tình bức tử công trình cổ của Sài Gòn. Nhà khách Chính Phủ là ví dụ cho sự thử nghiệm một khu đất hỗn hợp gồm công trình công cộng và dịch vụ xen kiến trúc cổ. Theo đề án phát triển trong tương lai, UBND phường 1, quận 10 sẽ gỡ bỏ tình trạng “kín cổng cao tường” như hiện tại để đầu tư những dự án mới vào khu vực này. Trong Nhà khách Chính Phủ gồm 7 biệt thự cổ mang phong cách kiến trúc cận đại dễ dàng cho việc trùng tu vì ít họa tiết trang trí như kiến trúc Pháp cổ.

Về chợ hoa Hồ Thị Kỷ sẽ là sự đổi mới về mặt không gian, kiến trúc dựa trên nền tảng hạ tầng đã có sẵn. Giữ lại những nét đặc trưng từ mái nhà thấp làm bằng tôn, sử dụng đèn vàng chiếu sáng, cửa cuốn... tác giả muốn làm mới bằng việc đổ màu lên những mái tôn này. Đa số các cửa hàng có độ cao đồng đều, người đi bộ có thể nhìn thấy được sự thay đổi màu sắc giữa các mái nhà. Chiều cao trung bình đối với mặt tiền mong muốn trong đồ án của tác giả là từ 2 – 3 tầng lầu, những khu dân cư phía sau dưới 5 tầng lầu. Sự nhấp nhô giữa các khu nhà cộng với sự thay đổi màu sắc sẽ tạo điểm nhấn cho khu vực. Hoàn toàn có thể tin tưởng khi trên thế giới đã có những khu nhà cực kì ấn tượng: nhà  tập thể ở Nippes, Cologne, Đức; khu phố ở thành phố Valparaiso, Chilê; những ngôi nhà cao tầng như tranh vẽ ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ...

Một điểm đáng được nhắc đến trong đồ án của Uyên Minh là các hình thức kinh doanh hoa. Khu phố hoa sẽ có khoảng sân dành cho những người bán dạo: gánh hoa, chở hoa bằng xe đạp, xe đẩy; chợ hoa truyền thống – hình thức kinh doanh hiện tại ở Hồ Thị Kỷ; hệ thống siêu thị hoa nằm ở tầng trệt của khu chung cư. Gắn với hình thức kinh doanh mới là sự thay đổi kiến trúc hiện tại, tác giả đề xuất phá dỡ - xây mới chung cư đã tồn tại 40 năm đối diện chợ hoa vì hạ tầng hiện tại đã xuống cấp trầm trọng. Bên cạnh đó xây dựng nhà lồng hoa – một hình ảnh quen thuộc tại những làng hoa Đà Lạt để cảnh quan thêm sinh động.Mặt cắt khu phố hoa và phố ẩm thực

Mặt cắt khu phố hoa (trên) và phố ẩm thực (dưới) 

Với chợ ẩm thực Campuchia, tác giả sẽ nâng tầm khu chợ này thành một khu phố ẩm thực có quy hoạch nơi mua bán thực phẩm chuyên dụng. Dựng cổng chào theo kiến trúc Campuchia để đánh dấu giữa chợ hoa, chợ ẩm thực với những khu mua bán sản phẩm đi kèm hoa tươi như gốm sứ, hoa khô, gói quà... Khu chợ này sẽ có những hàng quán ẩm thực hoa với các món ăn dân dã có bông súng, điên điển, thiên lý, bầu, bí...

Và tính khả thi của dự án

Có nhiều cuộc thi về kiến trúc và nhiều công trình đạt giải trong số đó vẫn còn nằm trên mặt giấy. Điều này không khó để nhận biết. Giải thưởng Loa Thành ra đời năm 1988, theo thống kê của BTC tính đến năm 2015, giải thưởng đã có 2.384 đồ án dự thi, Hội đồng giải thưởng đã trao 137 giải nhất, 347 giải nhì, 445 giải ba và 995 giải khuyến khích. Năm nay, Giải thưởng Loa Thành thu hút sự tham gia của 23 trường đại học trên toàn quốc, với 189 bài dự thi.

Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Loa Thành 2015 đã từng nói về tính khả thi của những đồ án đạt giải: Về mặt kinh nghiệm thực tế trong các đồ án hiện nay còn rất thấp, hầu như chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng, để đưa vào thực tế phải có các biện pháp xử lý kỹ thuật thêm nữa. Ý tưởng muốn thực hiện đòi hỏi sự quan tâm của các nhà quản lý. Họ muốn sử dụng, biết cách sử dụng và khai thác các nguồn vốn để thực hiện được dự án đó.

Nói về “Thiết kế đô thị khu vực chợ hoa Hồ Thị Kỷ” ThS.KTS Vũ Đình Thành nhận định: Bên cạnh các giải pháp giải quyết các vấn đề về quy hoạch, kiến trúc đô thị được đưa ra, đồ án sẽ có khả năng phát triển tốt hơn nếu như sinh viên đề xuất các giải pháp dẫn dắt kết nối phần không gian xanh công cộng vào trong khu vực lõi của các tuyến phố, ô phố khu dân cư hiện hữu và tạo hình ảnh có tính chất biểu trưng riêng cho khu vực.

Mặt bằng tổng thể khu vực chợ hoa Hồ Thị Kỷ  trên đồ án

Mặt bằng tổng thể khu vực chợ hoa Hồ Thị Kỷ trên đồ án

Uyên Minh chia sẻ, trong 4 tháng từ lúc lập đề cương đến lúc bảo vệ đồ án, đã từng thay đổi rất nhiều phương án để phù hợp với tình hình khu vực chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Để đồ án đi vào thực tế là một câu chuyện dài từ công tác quản lý hành chính, đời sống người dân, nguồn vốn đầu tư, văn hóa – kiến trúc của một khu dân cư hiện hữu.

"Nếu vượt qua được những khó khăn đó, tôi hoàn toàn tin tưởng đồ án của mình có tính khả thi cao vì bản thiết kế luôn  đi sát thực tế. Nếu đưa được đồ án vào thực tế, phố hoa Hồ Thị Kỷ sẽ trở thành điểm du lịch đắt giá của người Sài Gòn” - Uyên Minh bộc bạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top