Aa

Thiết kế xanh cho cộng đồng bền vững và an sinh

Thứ Bảy, 14/05/2022 - 06:34

Nguồn tài nguyên dần cạn kiệt và những hậu quả về BĐKH leo thang đã đặt ra thách thức cho các quốc gia về vấn đề kiểm soát lượng khí thải và phát thải nhà kính mà vẫn đảm bảo sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế.

Với đại dịch Covid-19, nhân loại đang trải qua và đối mặt với những biến động được xem là dấu mốc lịch sử trên tất cả các phương diện. Giữa giai đoạn hỗn loạn này, thử thách cho con người càng trở nên phức tạp hơn. Khi lối sống hiện đại đang đẩy sự sống của vạn vật trên hành tinh và của chính ta đến bờ vực khủng hoảng mang tên “Biến đổi khí hậu” (BĐKH).

Tuy nhiên, có thể nói rằng: Đây là một cơ hội để nhìn nhận chúng ta về điều thật sự quan trọng trong cuộc sống.

Trên cương vị là KTS, nhà quy hoạch và thiết kế đô thị, chúng tôi luôn trăn trở về một ngày mà ranh giới giữa những di sản của con người và di sản của tự nhiên được xóa bỏ, tất cả tương hỗ và cùng vận hành trơn tru như một vòng tuần hoàn khép kín. Hy vọng rằng những ý niệm về thiết kế xanh cho cộng đồng sống bền vững và an sinh dưới đây, vào một ngày nào đó, trong khuôn khổ của đô thị và kiến trúc, sẽ đưa con người tiệm cận với viễn cảnh khả dĩ nhất về một tương lai khi tự nhiên luôn được trân trọng và cải thiện trên mỗi bước tiến của nhân loại.

Sau đây là 4 chiến lược chính ứng dụng như giải pháp đột phá trong thiết kế và thực nghiệm:

Định nghĩa “Trung hòa carbon”. Nguồn: Climate Active (Việt hóa bởi nhóm tác giả).

Cuộc cách mạng năng lượng

Năng lượng là một phần không thể tách rời trong trang sử nhân loại, đồng hành qua các dấu mốc vĩ đại của loài người. Năng lượng đưa nền kinh tế vận hành và kích hoạt các hoạt động thiết yếu mỗi ngày như trường học, bệnh viện hay phương tiện giao thông… Hiện nay, 2/3 lượng phát thải là từ quá trình chúng ta tạo ra và sử dụng năng lượng (1).

Nguồn tài nguyên dần cạn kiệt và những hậu quả cực lớn về BĐKH leo thang đã đặt ra thách thức cho các quốc gia về vấn đề kiểm soát lượng khí thải và phát thải nhà kính mà vẫn đảm bảo sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế và khoa học công nghệ đang bứt phá mạnh mẽ. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết về lộ trình cắt giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 (trung hòa carbon) vào năm 2050, thông qua việc chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (2).

Ở lĩnh vực thiết kế kiến trúc, một công trình được công nhận là “net-zero” (lượng phát thải ròng bằng khi lượng CO2 phát thải ra khí quyển xuyên suốt tuổi thọ của công trình phải được cắt giảm hoàn toàn, cả ở dạng carbon tiêu tốn (embodied carbon) và carbon vận hành (Operational carbon) trong quá trình xây dựng, vận hành và cuối cùng là tháo dỡ công trình (3).

Lấy ví dụ, Nhà hàng Market Drayton của chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s, là công trình đầu tiên đạt được khung tiêu chí về công trình net-zero carbon của Hiệp hội Công trình xanh Anh Quốc/Vương quốc Anh (UK Green Building Council UKGBC) thông qua việc sử dụng vật liệu tái chế từ địa phương, như tường sử dụng tấm cách nhiệt bằng len lông cừu, biển hiệu từ bã cà phê của nhà hàng, đá cuội tái chế từ chai nhựa, trải đường bằng lốp xe tái chế, kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo như tuabin gió và pin mặt trời tạo ra 60.000 kW năng lượng mỗi năm…

Cuộc cách mạng lương thực

Thực phẩm là một trong những nhu cầu tiêu thụ thiết yếu hàng ngày của 7 tỷ người trên hành tinh. Gắn liền với lương thực, thực phẩm là ngành công nghiệp chăn nuôi và trồng trọt. Sức ép về việc nâng cao hiệu quả về sản lượng cũng như phương thức canh tác do quỹ đất giảm cho ra đời các phương pháp như nông nghiệp thâm canh (intensive agriculture), chính là một trong những nguồn phát khí thải nhà kính và gián tiếp gây ra tình trạng xuống cấp và ô nhiễm nguồn đất, nước và không khí (4).

Hơn nữa, việc lãng phí lương thực và rác thải từ ngành công nghiệp thực phẩm cũng là một mối đe dọa với khí hậu và môi trường khi đóng góp khoảng 10% lượng khí thải nhà kính (5). Thực chất, khái niệm “biến mất” dường như không tồn tại khi chúng ta vứt bỏ một vật, vì chúng sẽ không hoàn toàn biến mất mà sẽ phải đến một nơi nào đó (6), như bãi chôn rác chẳng hạn. Trong suốt thời gian phong tỏa vì Covid-19, mọi người dường như dành nhiều thời gian hơn cho việc lên kế hoạch nấu nướng tại nhà. Theo thống kê, việc này giúp giảm đáng kể 20% lượng rác thải thực phẩm ở Anh (7). Do đó, giảm lãng phí lương thực để giảm chất thải thực phẩm là một trong những cách dễ nhất để giảm tác động đến môi trường.

Như vậy, có thể xem xét mối quan hệ giữa rác thải nông nghiệp, rác thải thực phẩm và năng lượng để thiết lập một nền kinh tế tuần hoàn thay cho nền kinh tế tuyến tính bấy lâu nay. Một loại hình nông nghiệp ứng dụng nguyên lý tuần hoàn này chính là nông nghiệp vĩnh cửu (permaculture), bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ để biến chất thải và phụ phẩm của quá trình này là nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất khác, ví dụ rác thải trái cây và rau quả chuyển đổi thành thức ăn gia súc hoặc phân trộn hữu cơ (Compost), từ phân hữu cơ có thể tạo ra năng lượng đóng góp vào sinh hoạt hàng ngày và hoạt động sản xuất, từ đó mô hình này góp phần giảm thiểu áp lực về thiếu hụt năng lượng như đã đề cập bên trên.

Giữa cuộc cách mạng nông nghiệp, với vai trò là KTS và nhà thiết kế đô thị, chúng tôi mong muốn xem xét và tái cấu trúc không gian giữa các tòa nhà cùng mối liên hệ giữa đô thị và nông thôn.

Thông thường, cấu trúc đô thị truyền thống thường tách biệt rạch ròi giữa các thành phần đất đô thị, đất nông thôn và đất canh tác nông nghiệp. Chuỗi cung ứng này cần thông qua nhiều yếu tố trung gian, như vậy sẽ gặp nhiều rủi ro bị gián đoạn. Một trong những rủi ro có thể thấy được trong suốt thời kỳ giãn cách xã hội do Covid-19 khi chuỗi cung ứng đứt gãy bởi các chính sách hạn chế di chuyển. Ngoài ra, người tiêu dùng (end-user) còn gặp phải nhiều nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe do tiêu thụ trong một thời gian dài thực phẩm được bổ sung chất bảo quản để kéo dài thời gian nông sản được giao đến tay người tiêu dùng.

Giải thích “nền kinh tế tuyến tính”. Nguồn: Nhóm tác giả

Tuy nhiên, Quy hoạch Đổi mới (New Urbanism) và giải pháp phát triển thông minh (Smart growth) khuyến khích việc tích hợp sử dụng đất bằng cách đan xen các thành phần chức năng để rút ngắn khoảng cách giữa hoạt động đô thị và hoạt động nông nghiệp, rút gọn chuỗi cung ứng lương thực. Theo đó, ý tưởng “làng đô thị” (Urban village) ra đời vào những năm 1980 tại Anh và tạo sức ảnh hưởng lớn nhờ nhà đô thị học Jane Jacobs. Khái niệm này được xem như một giải pháp thay thế cho mô hình đô thị hóa của chủ nghĩa hiện đại.

Ở bối cảnh hậu đại dịch 2022, làng đô thị tuy không phải là mô hình mới nhưng chúng tôi nhìn nhận nhiều động lực và điểm sáng của mô hình này trong việc tạo điều kiện tự cung tự cấp, giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng và đảm bảo hiệu quả kinh tế của nền nông nghiệp địa phương, ngoài ra, còn phải đồng thời đáp ứng nhu cầu sống xanh, bền vững thông qua kết nối và tương tác cộng đồng cao, chú trọng đi bộ và giao thông công cộng trong đô thị.

Để cụ thể hóa trên khía cạnh quy hoạch và thiết kế đô thị, mô hình “làng đô thị” ngoài chức năng sử dụng đất cơ bản của một nhóm ở sẽ được bổ sung các chức năng đặc thù bổ trợ cho hệ sinh thái nông nghiệp đô thị, tùy theo quy mô khu vực, có thể kể đến như sau:

- Đất nghiên cứu và phát triển nông nghiệp (Bao gồm: Chức năng văn phòng R&D nghiên cứu giống, vườn ươm, vườn đứng…);

- Đất giáo dục (Trường đào tạo lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản…);

- Đất du lịch/cây xanh đô thị tổ chức các hoạt động trại hè giáo dục nông nghiệp, bảo tàng, triển lãm nông sản…;

- Đất thương mại - dịch vụ với chợ nông sản địa phương/ không gian quảng bá sản vật, kết hợp với không gian ẩm thực từ nông trại đến bàn ăn;

- Đất công viên đơn vị ở với sân chung tổ chức chợ phiên nông sản và vườn cộng đồng (với không gian trồng rau củ, thảo mộc, hoa trái bản địa… đảm bảo an ninh lương thực ở mức độ vi mô, cải thiện môi trường và hệ sinh thái địa phương và đem lại lợi ích cho nền kinh tế).

Trong khi đó, ở phạm vi công trình kiến trúc, thuật ngữ “Agri-tecture” cũng trở nên phổ biến khi tương lai nông nghiệp đang dần dịch chuyển vào bên trong công trình để đáp ứng các bối cảnh xã hội như đã đề cập bên trên, cũng như tối ưu hiệu quả sử dụng đất và tối giản chuỗi cung ứng lương thực.

Ứng xử với đại dương

Nước là cội nguồn của sự sống. Việt Nam là quốc gia có mối quan hệ mật thiết với nước, có đường bờ biển dài và nền nông nghiệp và văn hóa gắn liền với hệ thống sông ngòi kênh rạch, vì vậy rất nhạy cảm đối với các hệ quả của BĐKH. Nhiều chuyên gia quy hoạch cũng đặt bối cảnh quy hoạch đô thị Việt Nam gắn liền với đô thị nhạy cảm với nước. Như vậy, trong quá trình tìm kiếm giải pháp đô thị bền vững cho Việt Nam không thể không nhắc đến việc bảo tồn và phát huy thế mạnh của nền kinh tế biển và phát triển “Đô thị nước”.

Bên cạnh những giải pháp đô thị ứng phó với BĐKH và bảo vệ đường bờ biển đã được đề cập phổ biển tại các diễn đàn và hội thảo chuyên môn, chúng tôi mong muốn nhắc đến vấn đề quản lý môi trường và kinh tế biển (Blue Economy) cho chiến lược thứ 3 - xây dựng cộng đồng sống bền vững và an sinh, cụ thể liên quan đến khai thác giá trị biển mà vẫn bảo tồn và làm giàu cho hệ sinh thái và nền kinh tế này.

Tương tự như mô hình nông nghiệp vĩnh cửu đã nêu, chúng tôi giới thiệu mô hình “Nuôi trồng thủy sản đa dưỡng kết hợp” (IMTA - Integrated Multi-trophic Agriculture (8)) là giải pháp nuôi trồng các loài sinh vật biển hữu cơ và vô cơ để tạo thành hệ thống tuần hoàn giảm thiểu chất thải sinh học (mùn bã hữu cơ, vi sinh vật, phụ phẩm của một loài làm thức ăn cho một loài khác), ổn định kinh tế (cải thiện sản lượng, đa dạng sản phẩm, từ đó tăng giá trị thương mại theo mùa) và khả năng ứng dụng rộng rãi.

Một chuỗi đơn cử bao gồm: Cá và giáp sát -> sinh vật tầng đáy (hải sâm, rong, rêu, tảo, cỏ biển…) -> các loài ăn lọc (loài hai mảnh vỏ như vẹm, hàu) -> cá và giáp sát. Có thể thấy cỏ biển được xem là lá phổi trong lòng đại dương (9) với khả năng hấp thụ CO2 và thải O2 vượt trội so với rừng trên cạn; rong biển và hàu có khả năng lọc nước ô nhiễm; hải sâm ngoài giá trị kinh tế cao còn giúp giảm lượng chất thải hữu cơ (10), hạn chế bệnh cho tôm, cá và ốc hương, từ đó kéo dài tuổi thọ của ao nuôi (11). Như vậy, lợi ích của IMTA mang đến cho đại dương và các thành phố duyên hải Việt Nam bên cạnh lợi ích kinh tế là rất đáng kể.

Bên cạnh đó, quản lý nước hiệu quả cần ứng dụng giải pháp thiết kế đô thị nhạy cảm với nước. Trong đó, việc quản lý hệ thống thoát nước mặt và bảo tồn tài nguyên nước sạch, nước ngọt và nước uống luôn được quan tâm ở các thành phố duyên hải. Ví dụ điển hình có thể nhắc đến Singapore với bối cảnh tài nguyên nước hạn chế ở đất nước này. Bằng công nghệ xử lý nước NEWater (12) 3 bước: Vi lọc, Thẩm thấu ngược, Khử khuẩn bằng tia cực tím cũng có thể xử lý nước và tái sử dụng nguồn nước với quy mô tương đương một trạm xử lý nước thải cơ bản, có khả năng cung cấp hơn 40% nước cho toàn quốc đảo Singapore. Đây là một con số ấn tượng mà Việt Nam có thể nghiên cứu và thử nghiệm.

Tái tạo môi trường hoang dã

Trong bài viết của tác giả KTS. Tan Chin Chai Benjamin “Cấu trúc hình thành nên không gian chữa lành và các giá trị vô hình” (13) (2001) đã phân tích mối quan hệ mật thiết giữa con người và khoảng không gian bao quanh họ, ta có thể dễ dàng nhận ra sự tương tác này trong khoảng thời gian đại dịch diễn ra. Giữa bốn bức tường ngăn cách, đa số chúng ta đều cảm thấy mình bị cô lập cùng với tình trạng sa sút sức khỏe tinh thần và thể chất. Ngoài ra, bài viết còn dẫn chứng cho thấy tầm ảnh hưởng to lớn của thiên nhiên đối với tinh thần của con người. Do đó, đây chính là cơ hội để chúng ta nhìn lại và kiến tạo nên những không gian, kiến trúc đem lại cho con người cơ hội gắn kết và gần gũi với thiên nhiên và có thể kích thích các giác quan, từ đó gợi nên một giá trị vô hình về “Không gian chữa lành” cải thiện trạng thái sức khỏe tinh thần.

Trong quỹ diện tích không gian mở hạn chế của đô thị, để tối ưu hóa giá trị của không gian xanh, chúng tôi hy vọng có thể thay đổi tư duy trong việc tạo ra cây xanh trong đô thị, không nên quá hình thức, rập khuôn mà nên tạo dựng một hệ sinh thái đúng nghĩa, mà chúng tôi gọi là Khu rừng chữa lành - áp dụng phương pháp trồng rừng mini của chuyên gia nghiên cứu thực vật học Akira Miyawaki (14) để tạo ra rừng trong đô thị nhờ sự hỗ trợ và chăm sóc của con người để rút ngắn tiến trình phát triển của một khu rừng tự nhiên trong tối đa 1.000 năm, nhờ đó mà cư dân có thể hưởng lợi từ khu rừng mini ngay sau 3 năm và dài hạn hơn trong 15 - 20 năm. Khi đó, mảng xanh đô thị không còn đơn thuần đóng vai trò là công viên làm đẹp cho diện mạo đô thị, mà còn là nơi cư ngụ cho chim và các loài khác chung sống cùng con người.

Nhiều nghiên cứu cho rằng sống giữa những tiếng chim cũng góp phần làm tăng đáng kể chỉ số hạnh phúc cá nhân (15). Bên cạnh đó, rừng mini còn tạo ra môi trường sống thích hợp cho ong và bướm, là hai loài vật đóng vai trò chủ chốt trong sự tồn tại của hệ sinh thái và được xem như một chỉ số để đánh giá “sức khỏe” của hệ sinh thái đó, vì 35% cây lương thực trên khắp thế giới dựa vào các loài côn trùng làm vật trung gian thụ phấn cho thực vật trong thời kỳ phát triển (16). Tại Slovakia, trong buổi khai trương của siêu thị Tesco (17), các kệ hàng được trưng bày trống có chủ đích nhằm tuyên truyền bảo vệ loài ong và cho thấy viễn cảnh khi ong và bướm tuyệt chủng. Tại Rotherham, Chính phủ trồng 8 dặm hoa dại để tạo ra môi trường sống cho các côn trùng và các loài thụ phấn, và còn giúp tiết kiệm 23,000 bảng Anh cho chi phí cắt cỏ (18).

Nói tóm lại, mọi người đều được hưởng lợi khi thiên nhiên phát triển thịnh vượng. Nhưng nếu không hành động để bảo vệ thiên nhiên thì không điều gì có thể cứu lấy chúng ta. Để thay đổi và hướng đến một tương lai mới, điều quan trọng là bản thân mỗi người. Nếu bạn chưa quan tâm đủ nhiều cho vấn đề này, chúng ta sẽ không thể cùng nhau hành động.

Mô phỏng đơn giản của một mô hình Nuôi trồng thủy sản đa dưỡng kết hợp. Nguồn: Nhóm tác giả

Minh chứng thực tế

Một minh chứng cho đô thị với chiến lược thiết kế xanh cho cộng đồng sống bền vững và an sinh là Khu đô thị Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên. Tuy rằng dự án được thiết kế trước thời điểm đại dịch diễn ra cũng như trước khi chúng ta chứng kiến những hệ quả thật sự của biến đổi khí hậu, dự án vẫn có những tầm nhìn rất tương lai về viễn cảnh đô thị rừng tích hợp cấu trúc cây xanh và mặt nước đan xen vào hệ thống hạ tầng. Đặc biệt, tư duy thiết kế đô thị nhạy cảm với nước được ứng dụng thông qua các nghiên cứu về hạ tầng và công nghệ, giúp vận hành và tuần hoàn nước trong đô thị, là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiến tạo không gian sống an sinh.

Xét trên khía cạnh quy hoạch đô thị an sinh, có bốn chìa khóa tạo nên thành công của dự án, đó là:

- Hạ tầng đô thị và hệ thống giao thông công cộng;

- Thiết kế đô thị nhạy cảm với nước;

- Tạo dựng hình thái đô thị độc đáo và khác biệt;

- Tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa và làng nghề truyền thống.

Thông qua cơ hội tham gia thiết kế Dự án quy hoạch Khu đô thị Ecopark và Dự án thành phần khu chung cư cao cấp Aqua Bay Sky Residence, với vai trò là KTS trưởng kiêm tác giả, KTS. Tan Chin Chai Benjamin đã trải nghiệm và đưa những giải pháp kiến tạo không gian an sinh vào trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc.

Ông chia sẻ: “Thời tiết bốn mùa và độ ẩm cao của Hà Nội đã giúp nhóm tư vấn xác định được các tiêu chí thiết kế chính cho Aqua Bay Sky Residences. Thoạt nhìn, có vẻ 7 tòa tháp công trình là một sự sắp xếp ngẫu nhiên, nhưng thực chất đó là kết quả nghiên cứu chuyên sâu ứng dụng giải pháp bố cục khối - sắp đặt bất đối xứng, nhằm tạo ra các không gian mở và tăng cường đối lưu không khí tự nhiên và thông gió giữa các tòa nhà. Tất cả các khối công trình đều được bố cục tránh hướng nắng Đông Tây nhằm giảm thiểu sự tăng nhiệt không cần thiết, tiết kiệm năng lượng nhưng vẫn cung cấp đủ ánh sáng tự nhiên cho các căn hộ ở.

Mối liên hệ giữa kiến trúc, con người và thiên nhiên tiếp tục được các KTS nhen nhóm thông qua những giải pháp không gian trong căn hộ tuy nhỏ nhưng với mong muốn thúc đẩy và củng cố triết lý phát triển Ecopark - kiến tạo không gian an sinh. Theo đó, ý tưởng ban công phụ (air court concept) ra đời và ứng dụng cho tất cả các loại hình căn hộ, không phân biệt diện tích hay loại hình căn hộ.

Ý tưởng này giúp cải thiện và cân bằng nhu cầu sống hàng ngày tương tác tốt với thiên nhiên, ngoài ra có thể kết hợp vườn đứng hoặc vườn thảo mộc riêng tư dành cho các khách hàng thích chăm sóc cây cối hoặc đầu bếp hữu cơ có nhu cầu ăn xanh và sống xanh.

Hay ý tưởng sân thư giãn riêng tư (private chill deck) tận dụng giải pháp bố cục khối nhằm tránh hướng nhìn trực tiếp các căn hộ vào nhau, đảm bảo tính riêng tư cho mỗi căn hộ, đồng thời mở hướng nhìn ra cảnh quan và không gian xanh mát của Ecopark. Ý tưởng này là một giải pháp tinh tế giúp nâng cao giá trị vô hình trong việc kết nối tất cả mọi người và nuôi dưỡng tinh thần bởi thiên nhiên”.

Phương pháp trồng rừng Miyawaki. Nguồn: Urban Forests (Việt hóa bởi nhóm tác giả)
Thành quả sau một năm trồng rừng theo phương pháp Miyawaki tại Làng Anandwan, Ấn Độ.

Kết luận

Giữa muôn vàn những vấn đề xã hội hiện đại, khi những cảm xúc của chúng ta chưa thể bắt kịp tốc độ phát triển vượt bậc của công nghệ, con người mất dần các kết nối và trở thành những cá thể lạc lõng. Với bốn chiến lược đã trình bày dựa trên cốt lõi tôn trọng mối quan hệ nguyên sơ giữa con người và thiên nhiên, đến từ cuộc cách mạng năng lượng; sắp xếp lại không gian đô thị cho cuộc cách mạng lương thực; xem xét tiềm năng tự nhiên để đưa ra các giải pháp quản lý đại dương; và cuối cùng tái tạo môi trường hoang dã ngay trong lòng thành phố.

Có thể nhận ra rằng, chính chúng ta là những người có thể chủ động ươm trồng những đổi khác tích cực, bền vững và linh hoạt trong tương lai dẫu cho nhiều biến cố có thể xảy đến. Chúng tôi rất trông đợi những chuyển biến mới cho kiến trúc và đô thị trong những năm tới thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.

KTS Tan Chin Chai Benjamin
Ths. KTS Lê Quỳnh Như
KTS Trần Diệu Hạnh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top