Aa

Thiết kế xây dựng đô thị: Đừng để mạnh ai nấy làm

Thứ Năm, 04/11/2021 - 16:35

Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện các đồ án quy hoạch, đô thị như quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, quy hoạch chuỗi đô thị vệ tinh, quy hoạch một số huyện trở thành quận, lên thành phố...

Đi liền với công tác này là thực hiện kế hoạch thiết kế xây dựng, tuy nhiên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị... thường xuyên xảy ra. Vì vậy, công tác thiết kế xây dựng đô thị phải trở thành một công cụ quản lý và sự tham gia của cộng đồng.

Thiếu công cụ quản lý

Thời gian qua, mặc dù TP. Hà Nội đã tăng cường, siết chặt việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, số lượng vụ vi phạm giảm, nhưng tình trạng này vẫn diễn biến khá phức tạp. Hàng trăm công trình xây dựng xây dựng chen lấn, vượt phép, vượt tầng, thậm chí không phép. Đáng quan ngại, nhiều nhà cao tầng, dự án lớn vẫn có vi phạm, khi bàn giao mới xảy ra tranh chấp, gây phẫn nộ trong cư dân.

Bộ mặt đô thị hai bên tuyến đường, đặc biệt ở khu vực nội đô, những công trình hạ tầng như vỉa hè, khuôn viên cây xanh…, vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm kinh doanh, sử dụng vào mục đích riêng diễn ra hàng ngày.

Tổng hợp từ các báo cáo cho thấy, trong 10 tháng năm 2021, Đội quản lý trật tự xây dựng quận, huyện, thị xã đã thiết lập hồ sơ xử lý 330 công trình vi phạm trật tự xây dựng (chiếm tỷ lệ 2,24%). Số vụ vi phạm trật tự đô thị chưa tổng hợp thống kê đầy đủ, nhưng cũng có tới hàng nghìn hồ sơ xử lý được thiết lập.

Bên cạnh đó, hiện nay, TP. Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông với những dự án cải tạo, mở rộng đường, xây dựng tuyến đường mới khang trang. Nhưng do thiếu bàn tay của thiết kế đô thị nên tại nhiều tuyến đường khi đường hoàn thành, nhà ở và nhiều công trình dân dụng khác được xây dựng một cách lộn xộn dọc hai bên hai bên đường, không theo một nguyên tắc thiết kế, hay việc lắp đặt biển quảng cáo phục vụ kinh doanh cũng không theo một tiêu chuẩn nào, mạnh ai nấy làm.

“Tôi cho rằng để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của những người làm công tác quản lý đô thị. Chúng ta mới chỉ xem thiết kế đô thị như một việc “phá cũ - xây mới” hoặc cải tạo, sửa chữa lại, chưa trở thành một công cụ giúp nhà quản lý xem như là barem, cẩm nang để thực hiện, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng tràn lan. Công trình xây dựng lộn xộn, chỗ thấp chỗ cao làm mất đi tính đồng bộ và không có điểm nhấn về kiến trúc đô thị” – KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói.

TS.KTS. Nguyễn Tiến Thuận – trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, quy hoạch và thiết kế xây dựng đô thị luôn luôn song hành với nhau, nhưng công tác thiết kế xây dựng đô thị là lĩnh vực động, linh hoạt, đa dạng: thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung, thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị trong đồ án thiết kế đô thị riêng...

“Đô thị Hà Nội hiện nay câu chuyện về những ngôi nhà xấu, nhà siêu mỏng là hệ lụy của việc mở đường qua khu dân cư. Những dự án này, hầu như chỉ mới làm để có con đường giao thông, còn hình ảnh về kiến trúc hai bên của tuyến đường này như thế nào vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Rõ ràng cần nhìn nhận đúng đắn cách làm mang tính khoa học của người trong cuộc, nên người làm cần giữ tâm, trách nhiệm nghề cao” - TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận nhìn nhận.

Nâng cao vai trò của cộng đồng

Cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Quyết định 4199/QĐ-UBBND, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tổ chức lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở đó, đầu tháng 10, UBND TP tổ chức hội thảo khoa học “Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, định hướng Nhiệm vụ quy hoạch Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị TP. Hà Nội”.

Về vấn đề này, KTS. Trần Huy Hoàng – Văn phòng KTS. Trần Hoàng cho rằng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được đánh giá cao, đặc biệt việc TP triển khai thực hiện song song hai nhiệm vụ (lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung về xây dựng) là quyết sách sáng tạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần nâng cao hơn nữa vai trò của cộng đồng dân cư, nhằm khuyến khích, phát huy vai trò trong việc xây dựng, giám sát, thực thi các đồ án quy hoạch, mang lại lợi ích thiết thực cho công tác quy hoạch, quản lý đô thị và trên hết là lợi ích chung của cộng đồng.

“Thiết kế xây dựng đô thị thực chất là việc quy hoạch môi trường sống tốt hơn phục vụ nhu cầu người dân. Vì vậy, Nhà nước, nhà quản lý đô thị, đội ngũ kiến trúc sư thiết kế và người dân có quan hệ chặt chẽ, hai đường thẳng song song nhau. Cần phải xem thiết kế đô thị như một công cụ, nhưng không thực hiện cứng nhắc mà phải dựa trên thực thể sống động, bao gồm cả hoạt động kinh doanh buôn bán mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng” – KTS. Trần Huy Hoàng phân tích.

Công tác quy hoạch, thiết kế xây dựng cần gắn với tăng việc làm cho đô thị, trong đó không gian công cộng đóng vai trò quan trọng, nhưng do nhiều yếu tố đặc biệt là mối quan hệ thực tiễn với nhu cầu đầu tư và khai thác, dẫn đến quy hoạch một cách máy móc, phong cách thiết kế sai lầm, thiếu sót trong định hướng chức năng... Vì vậy, cần ban hành quy định cụ thể về thiết kế đô thị, như: quy định về kích thước, hình dáng, vật liệu, màu sắc của đường, rào, mái đua, công trình, khoảng lùi, cây xanh... nhằm quản lý đô thị phát triển đúng hướng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục - Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top