Trong đó, 4 ngân hàng gốc quốc doanh là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động trong ngày 23/8, với mức giảm 0,3 - 0,5 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm
Các ngân hàng khác có mức giảm phổ biến trong khoảng 0,1 - 0,3 điểm % tại hầu hết các kỳ hạn. Trên cơ sở mặt bằng lãi suất huy động thấp hơn các ngân hàng cũng mạnh tay giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Như tại Agribank, tính từ đầu năm, lãi suất huy động của Agribank đã giảm từ 1,9% - 4,5%/năm các kỳ hạn, để có cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm. Ước tính, Agribank tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ.
Ở khối NHTMCP đại diện TPBank cho biết, đến giữa tháng 8 này, TPBank đã có 8 lần giảm lãi suất cho vay VND với tổng mức giảm lên 1,5 - 2,25% áp dụng với tất cả các khoản vay hiện hữu. Song song với chính sách giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn mới và khách hàng vay vốn hiện hữu, trong 6 tháng đầu năm, TPBank đã miễn giảm khoảng 10 tỷ đồng tiền phí trả nợ trước hạn cho khách hàng. Dự kiến từ nay đến hết năm 2023, TPBank tiếp tục thực hiện miễn, giảm nhiều loại phí với tổng mức miễn giảm khoảng 76 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, TPBank luôn sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng vượt khó với các chương trình hỗ trợ vay vốn, hạ lãi suất cho vay thiết thực và kịp thời. Bởi ngân hàng hiểu rằng một khi lãi suất vay dễ chịu hơn, doanh nghiệp sẽ vững tâm hơn, từ đó tình hình sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ có tín hiệu khởi sắc và thị trường nói chung sẽ sôi động trở lại.
Nguyên tắc là không để "đồng tiền dễ dãi"
Mặc dù các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất nhưng tín dụng vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm. Điều này cũng cho thấy nút thắt tăng trưởng không phải từ lãi suất. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá nhanh được. Bởi giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề và là điều kiện cần còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ví von, khi kê đơn thuốc, liều lượng phải phù hợp, bởi uống thuốc quá liều sẽ bị tác dụng phụ. Tác dụng phụ của việc hạ lãi suất là lạm phát và tỷ giá có thể quay trở lại. "Khi chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và USD ngày càng thu hẹp, dòng vốn có khả năng đảo chiều. Nhà đầu tư sẽ tìm đến thị trường có lãi suất cao và đây cũng chính là con dao hai lưỡi khiến tỷ giá tăng", TS. Huân lưu ý. Trong khi Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc giữ ổn định tỷ giá rất quan trọng. Bởi nếu tỷ giá biến động sẽ ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư đối với Việt Nam, quyền lợi của Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài, doanh nghiệp; người dân nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến đồng tiền nội tệ mất giá mạnh hơn, cả xuất nhập khẩu cũng sẽ bị tác động mạnh. Do đó phải giữ tỷ giá tương đối ổn định, mà muốn giữ thì lãi suất phải hợp lý. Theo Phó Thống đốc, thường lãi suất cho vay và huy động chênh 3% là đủ cho ngân hàng cân đối chi phí, đảm bảo an toàn tài chính. Giả sử lạm phát 3-4% thì lãi suất huy động ít cũng phải ở mức 5-6% để người gửi tiền có lãi suất thực dương. Do đó, giảm lãi suất huy động đến một mức độ phù hợp cũng là điều rất khó mà NHNN đang tính toán, xử lý.
Ở góc độ ngân hàng, CEO một ngân hàng cho biết, các ngân hàng đang rất nỗ lực thiết lập mặt bằng lãi suất tốt nhất cho khách hàng. Ngân hàng nào cũng muốn có lãi suất tốt để thu hút khách hàng, nên lãi suất cho vay trên thị trường cạnh tranh rất quyết liệt. Vấn đề chính là doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay hay không và lãi suất cho vay sẽ theo mức độ rủi ro. Lãi suất cho vay có thể khác biệt giữa các lĩnh vực và khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng cũng như tùy từng dải kỳ hạn. Đối với nhóm doanh nghiệp đủ điều kiện, các ngân hàng cạnh tranh rất gay gắt, không cần chủ trương từ Chính phủ, NHNN mà NHTM chủ động giảm lãi suất để chào mời khách hàng. Có những khách hàng được vay lãi suất rất thấp, chỉ bằng lãi suất huy động; còn với nhóm khách hàng có độ rủi ro cao hơn thì lãi suất cũng sẽ tương ứng. Đó cũng là quy luật của thị trường. Xu hướng chung là mặt bằng lãi suất ngày càng giảm.
Một Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, từ nay đến cuối năm vẫn còn dư địa hạ lãi suất khoảng 1-1,5 điểm % song việc điều chỉnh cần phải đảm bảo nguyên tắc không để "đồng tiền dễ dãi". Bởi, nếu như điều chỉnh quá mức thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi" tài sản tài chính. Khi đó, mục tiêu của các chính sách nhằm hỗ trợ khôi phục kinh tế tăng trưởng không những không hiệu quả, mà còn khiến nền kinh tế đối mặt với vấn đề nợ xấu hay các hệ lụy khác trong tương lai.
Phải khẳng định giảm lãi suất là liều thuốc bổ rất quan trọng giúp doanh nghiệp mau chóng hồi phục sức khoẻ. Nhưng nó chỉ phát huy được hiệu quả nhanh khi mà doanh nghiệp có nền tảng thể lực hay nói cách khác giảm lãi suất chỉ có thể trở thành chìa khóa vạn năng mở cánh cửa tăng trưởng kinh tế khi mà các chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn được triển khai đồng bộ và có hiệu quả./.