Aa

Thiếu dữ liệu thông tin chuẩn sẽ khó tính thuế

Thứ Ba, 15/11/2016 - 13:02

Ở góc độ chuyên môn, các chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế đất lũy tiến buộc người mua suy xét mức sinh lợi, được gì từ bất động sản, từ đó giá bất động sản thấp đi, giảm tình trạng đầu cơ.

Trong khi đó, phần đông nhà đầu tư thứ cấp lại khá băn khoăn về cách tính thuế do thiếu dữ liệu thông tin chuẩn. Để có cái nhìn đa chiều, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA).

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, việc việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi là hoàn toàn cần thiết.

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, việc việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi là hoàn toàn cần thiết.

PV: Xung quanh câu chuyện nên hay không nên áp dụng việc đánh thuế căn nhà thứ 2, có rất nhiều quan điểm. Theo ông, việc hiện thực hóa sắc thuế này trong thời gian tới có thật sự cần thiết?

Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam: Tại Việt Nam, để sở hữu ô tô còn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi giá trị của ô tô rẻ hơn BĐS thì không lẽ nào hàng hóa đặc thù này không bị đánh thuế. Ô tô thì có thể có hoặc không, nhưng nhà ở thì ai cũng hướng tới. Ngôi nhà sở hữu đầu tiên không đánh thuế vì là nhu cầu thiết yếu, nhưng sở hữu ngôi nhà thứ 2 trở lên đã được xem như người giàu nên phải tiến hành thu thuế. Không thể có nhiều căn nhà bỏ hoang, cho thuê mà không có trách nhiệm với Nhà nước. Cho nên việc áp dụng sắc thuế này là hoàn toàn cần thiết.

PV: Liệu nó có ảnh hưởng tới thị trường BĐS không?

Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam: Tất nhiên, về trước mắt, mức hấp dẫn của thị trường có khả năng giảm đi, nhưng về lâu dài sẽ phát triển bình ổn. Khi sử dụng thuế trực thu chắc chắn giải quyết tình trạng đầu cơ nhà đất, nhưng có thể khiến các sản phẩm BĐS “ế” hơn do lượng giao dịch giảm. Xét ở mặt tích cực, khi số lượng người mua nhà giảm bớt đi, tức là cầu giảm thì giá nhà sẽ ổn định, tăng cơ hội cho người có thu nhập thấp có khả năng tiếp cận BĐS dễ dàng hơn.

PV: Giả sử một người có 3 ngôi nhà (diện tích dưới 200m2), tổng giá trị là 3 tỷ đồng và một người khác sở hữu căn biệt thự trị giá 30 tỷ đồng. Như vậy giá 3 căn nhà cộng lại chỉ bằng 1/10 căn biệt thự thì việc đánh thuế có hợp lý không?

Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam: Kể cả khi giá trị căn nhà 30 tỷ đồng thì việc họ sở hữu duy nhất một căn cũng phải chấp nhận. Quay trở lại câu chuyện mà bạn giả sử, thì người dân phải tính toán đừng nên sở hữu 3 căn 1 tỷ đồng, mà chỉ mua một căn 3 tỷ đồng thôi. Đi vào chi tiết như thế để cho người mua tính toán cụ thể rằng cứ sở hữu căn nhà thứ 2 trở đi sẽ bị đánh thuế, cho nên cần gộp nhiều nhà làm một để diện tích nhà rộng lên. Bởi trường hợp có 3 căn nhà dù giá trị nhỏ thì cũng phát sinh kinh doanh.

PV: Để sắc thuế này thực sự khả thi, theo ông, cần có lộ trình cụ thể như thế nào?

Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam: Nghị định của Bộ xây dựng đã trình Chính phủ ký ban hành hệ thống thông tin quản lý đất đai để có được hệ thống dữ liệu BĐS cả nước một cách chính xác nhất. Do đó, trên cơ sở pháp lý đã có, cần cấp thiết xây dựng hệ thống dữ liệu về thị trường địa ốc. Vấn đề kỹ thuật, tổ chức bộ máy, nối mạng, thông tin giấy tờ vì thế cần cập nhật theo. Quan trọng nhất khi tiến hành lấy thông tin số liệu BĐS 63 tỉnh, thành, đừng nhìn vào cái không làm được mà phải nhìn vào cái được. Cái được lớn hơn thì phải theo số đông.

Trước mắt hãy thu thập dữ liệu thông tin nhà đất chuẩn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ - những TP chiếm 90% thị trường BĐS, 10% số liệu tỉnh, thành còn lại ít ảnh hưởng đến thị trường. Cho nên thà có ít còn hơn không có gì. Thu thuế cũng vậy, có thể không thu được hết, có người lách luật nhưng chắc chắn nhiều người phải nộp.

PV: Mặt tích cực nhất khi đánh thuế căn nhà thứ 2 là gì, thưa ông?

Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam: Tích cực rõ là tăng thu ngân sách bởi về mặt cảm quan, tầng lớp giàu có ở Việt Nam sở hữu 2, 3 nhà không ít. Cho nên, đây là nguồn thu lớn trong bối cảnh thị trường BĐS ngày càng phát triển. Tiếp theo sẽ điều tiết thị trường nhà đất, nếu đánh thuế nặng thì số đông người giàu sẽ tính toán không mua nữa.

Tuy nhiên, không có nghĩa giảm sức cầu, bởi nước ta có 93 triệu dân, 23 triệu hộ gia đình thì nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn. Năm 2009 có 3,8 người/hộ gia đình nhưng đến năm 2014 chỉ còn 3,2 người/hộ gia đình và khả năng rút xuống trên 2 người/căn hộ.

Nhu cầu nhà ở chuyển dịch khiến cung thị trường cũng chuyển từ nhà to đắt tiền sang nhà quy mô trung bình, giá cả phù hợp số đông. Sự điều tiết này của Nhà nước chứng tỏ sự hiểu biết và quan tâm đến thị trường BĐS.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top