Aa

Thiếu tấm bản đồ quy hoạch, đô thị ngầm vẫn chỉ là giấc mơ hão

Thứ Hai, 30/09/2019 - 06:00

Vấn đề xây dựng không gian ngầm tại các đô thị lớn của Việt Nam đã được đặt ra từ chục năm về trước nhưng đến thời điểm hiện tại, khi hạ tầng mặt đất đã gần quá tải bởi sức ép dân số, đô thị ngầm vẫn chưa thể thành hình.

Tốc độ phát triển “chóng mặt” của Hà Nội cùng với sự gia tăng dân số quá nhanh như hiện nay đang khiến cho quỹ đất bề mặt gần như bị “vắt kiệt”, không gian đô thị bí bách, ngột ngạt.

Sự quá tải hạ tầng đã khiến cho người dân nội đô hàng ngày phải đối mặt với một loạt vấn đề như: tắc nghẽn giao thông, ngập lụt triền miên, thiếu bãi đỗ xe, thiếu không gian xanh thư giãn, chất lượng cuộc sống giảm sút.

Trung bình mỗi năm, dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương 1 huyện lớn. Không tính người dân vãng lai về Hà Nội làm ăn theo mùa vụ, mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2, quá cao so với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN (trung bình 100-200 người/m2).

Viện Dân số và các vấn đề xã hội dự báo, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể lên khoảng 14 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, Thủ đô đang phải chịu áp lực rất lớn trên mọi lĩnh vực.

Sự phát triển quá  nóng đã dẫn tới tình trạng quá tải hạ tầng tại Hà Nội. Ảnh: Internet.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến cuối năm 2018, Hà Nội đang quản lý trên 550.000 phương tiện ô tô và khoảng 6 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên lưu thông trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ là quá nhanh (trung bình, đối với ôtô là khoảng 10,2%/năm và xe máy khoảng 6,7%/năm).

Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới chỉ đạt từ 0,25% - 0,3%/năm là chưa theo kịp với tốc độ gia tăng về phương tiện dẫn đến quá tải đối với hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố (đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm), trong đó có hệ thống giao thông tĩnh.

Tại Hà Nội, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại khoảng 90% số phương tiện có nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, các khu đất trống của các dự án...

Thực tế này đặt ra đòi hỏi cấp bách phải phát triển không gian đô thị theo chiều sâu, tức là xây dựng đô thị ngầm. Đây là hướng đi tất yếu của hầu hết các đô thị phát triển trên thế giới nếu muốn phát triển bền vững. Tận dụng khai thác không gian ngầm của đô thị sẽ giúp mở rộng không gian sống, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm tải áp lực cho hạ tầng nổi, trả lại không gian mặt đất thông thoáng, giảm thiểu ô nhiễm… Do vậy, nếu được khai thác hiệu quả, không gian ngầm có thể trở thành “mỏ vàng” giữa lòng đô thị, là lời giải cho bài toán quá tải hạ tầng đô thị hiện tại.

Những “khoảng trắng” không gian ngầm và tâm thế “mạnh ai nấy làm”

Nhận thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của việc phát triển không gian ngầm, ngay từ năm 2005, Chính phủ đã ra quyết định phải chú trọng không gian ngầm góp phần xây dựng diện mạo đô thị văn minh hiện đại.

Nghị định số 41/2007/NĐ - CP ngày 22/03/2007 là văn bản pháp quy đầu tiên ra đời, đề cập khá đầy đủ về một số vấn đề cơ bản của công tác xây dựng công trình ngầm đô thị của Việt Nam. Tiếp đó là dự thảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về công trình ngầm.

Năm 2008, một hội thảo lớn về những bài học kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về công trình ngầm đô thị được tổ chức nhằm xác định rõ mục đích yêu cầu chính đối với phát triển công trình ngầm đô thị Việt Nam…

Năm 2010, Nghị định về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị được ban hành trong đó bao hàm một loạt các vấn đề về công tác lập quy hoạch, xây dựng, bảo trì công trình ngầm…

Dù đã được quan tâm phát triển nhưng phải khẳng định, hơn 10 năm trôi qua, Việt Nam vẫn chưa có đô thị ngầm.

Tại Hà Nội, nhiều công trình ngầm đã được triển khai như hệ thống cống ngầm, hệ thống thoát nước ngầm, đường dây cáp điện ngầm, đường hầm đi bộ, bãi xe ngầm ở chung cư, trung tâm thương mại ngầm quy mô lớn… Tuy nhiên, những công trình này chỉ mang tính cục bộ, manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, khai thác cho mục đích riêng của từng dự án, chưa có sự liên kết tổng thể.

Tại tuyến metro được mệnh danh là rùa thập kỷ, Nhổn – Ga Hà Nội, sau nhiều lần lùi tiến độ, 4km ga ngầm đầu tiên của Hà Nội gần đây mới được thi công.

Dự kiến tới năm 2022 mới có thể đưa vào sử dụng.

Phương tiện giao thông gia tăng, Hà Nội thiếu bãi đỗ xe trầm trọng, một loạt bãi đỗ xe tự phát xuất hiện, lấn chiếm hành lang giao thông và phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Thế nhưng sau nhiều lần bàn bạc, Hà Nội vẫn chưa có một bãi xe ngầm công cộng nào để giải quyết tình trạng trên.
Đến thời điểm này, 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống Nhất, Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa Hữu nghị, quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Công viên Tuổi Trẻ đều chưa được khởi công.
Năm 2007 - 2008, UBND TP. Hà Nội chính thức đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ với chi phí xây dựng hàng chục tỷ đồng. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, gần đây những hầm bộ hành này mới có chút hiệu quả. Còn trước đó, hầu hết đểu ở trong tình trạng bỏ không, ngập rác, không người lai vãng.

Ở hầm bộ hành khu vực Ngã Tư Sở, nhiều người dân tận dụng làm nơi chạy bộ, đạp xe, tập thể dục.

Hầm đi bộ trên đường Khuất Duy Tiến không một bóng người đi qua.

Tại khu vực hầm đi bộ trước bến xe Mỹ Đình, hầu hết người đi bộ vẫn mạo hiểm băng qua đường, không sử dụng hầm.

Nguyên nhân một phần vì chất lượng thi công, một phần vì thiếu các hoạt động giám sát đảm bảo an toàn cho người đi bộ như bảo vệ hay camera giám sát... Chưa kể, hệ thống hầm ngầm đi bộ này thực tế không hề có tính kết nối với bất kỳ hợp phần đô thị ngầm nào khác ở Hà Nội, ngoại trừ vỉa hè hai bên đường.

Việc hình thành các trung tâm thương mại dưới lòng đất như tại Times City hay Royal City…có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận, nhưng với việc thiếu quy hoạch tổng thể và số lượng còn ít, khiến các trung tâm thương mại ngầm này thu hút quá đông người sử dụng dịch vụ, càng làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực xung quanh.

Việc không có đường  ngầm kết nối dẫn đến taxi đỗ dài trước cổng trung trâm thương mại để đón trả khách.
Việc không có đường ngầm kết nối dẫn đến taxi đỗ dài trước cổng trung trâm thương mại để đón trả khách.

Trung tâm thương mại Royal City.

Diện tích không gian ngầm dưới lòng đất tại các đô thị gần như đang bị bỏ trống, rất lãng phí, hoặc không phát huy hiệu quả. Việc xây dựng các công trình ngầm thời gian qua diễn ra khá tùy tiện, thiếu sự liên kết. Trong khi, không gian trên mặt đất đã quá ngột ngạt, tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng đang diễn ra ngày càng trầm trọng.

Người dân thủ đô vẫn phải chịu cảnh tắc đường mỗi ngày.
Dây điện, cáp vẫn chằng chịt như mạng nhện tại hầu khắp các con phố, ngõ hẻm.

Chậm trễ quy hoạch

Tại các quốc gia trên thế giới, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm gần như hình thành song song với việc phát triển các tuyến metro ngầm, nhờ đó nó tạo nên những thay đôi lớn cho đô thị của các quốc gia. Chẳng hạn như như thành phố ngầm RESO ở TP Montreal - Canada. Với hệ thống đường ngầm dài 32km với diện tích tương đương 41 dãy phố bên dưới Montreal, RESO kết nối khoảng 80% khu văn phòng và 35% khu thương mại ở trung tâm thành phố.

Còn tại Việt Nam, “việc khai thác không gian ngầm đô thị hiện nay ở nước ta giống như việc khám chữa bệnh cách đây 20 năm, theo kiểu sờ, khám chứ chưa có chụp CT, cắt lớp… Chúng ta phải có quy hoạch, phải biết bên dưới có cái gì mới có thể đầu tư được, không thể mãi diễn ra tình trạng mò mẫm như hiện nay”, ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu trên báo chí.

Thực tế từ năm 2015, Hà Nội đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án quy hoạch chung này thuộc địa giới hành chính các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.

Đầu năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch – Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch cho đồ án này. Cùng thời điểm, TP đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về không gian ngầm cũng như khảo sát điều tra về hệ thống công trình ngầm hiện trạng. Tuy nhiên, sau 3 năm nghiên cứu thẩm định, lấy ý kiến các chuyên gia nhưng vẫn chưa duyệt được quy hoạch không gian ngầm chung cho toàn TP. Đến hiện tại, Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn chỉ đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong nửa cuối năm 2019: “Hà Nội sắp có quy hoạch ngầm đô thị” nhưng chưa biết đến bao giờ!

TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, hiện tại việc phát triển không gian ngầm đã là muộn chứ không còn sớm. “Nếu không tiếp tục triển khai thì sau này việc triển khai lại càng khó khăn. Khi mà tất cả những gì chúng ta triển khai trước đó đều chưa có quy hoạch cụ thể, có thể chồng chéo nhau nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bước tiếp theo khi triển khai tiếp các công trình ngầm khác”

Chính vì vậy, theo TS.KTS Trương Văn Quảng, muốn xây dựng được hệ thống không gian ngầm đáp ứng đủ các yếu tố thì việc xây dựng bản quy hoạch chung là rất cần thiết và quan trọng.

“Các chính quyền đô thị cần phải có đủ các cơ sở pháp lý cũng như đề ra bản quy hoạch mang tính tổng thể cho việc phát triển hệ thống không gian ngầm ở đô thị, có ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đồng thời đáp ứng đủ nhu cầu ở cả hiện tại và tương lai”, ông Quảng cho hay.

Theo các chuyên gia, quy hoạch không gian ngầm phải là một phần tất yếu của quy hoạch đô thị. Việc chậm trễ quy hoạch đã làm cản trở công tác quản lý, đầu tư về lĩnh vực này vì tâm lý sợ đi trước, đến khi có quy hoạch sẽ kéo theo những phức tạp về sau. Và chính sự phát triển tùy tiện, chắp vá, thiếu quy hoạch ngay từ ban đầu đã khiến cho việc lập quy hoạch ở thời điểm hiện tại trở nên khó khăn hơn vì “không biết thế nào mà lần”.

Khi không gian mặt đất đã trở thành “manh áo chật” và không thể đập bỏ hàng loạt công trình thấp tầng trong nội đô để thay bằng cao ốc, Hà Nội cần phải có nhiều hơn những công trình ngầm để giải quyết hài hòa giữa nhu cầu bảo tồn với phát triển, đáp ứng nhu cầu thực tế nhưng đồng thời phải hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Muốn vậy, trước mắt, Hà Nội cần phải nhanh chóng hoàn thiện phương án quy hoạch không gian ngầm theo các giai đoạn làm cơ sở để quản lý và khai thác các lớp không gian ngầm khác nhau.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top