Aa

Thiếu trường học tại các khu đô thị: Bản quy hoạch lỗi có thể khắc phục

Thứ Tư, 17/07/2019 - 14:34

Thực trạng thiếu trường học tại các khu đô thị sẽ ngày càng trầm trọng khi dân số tại các khu đô thị ngày càng tăng lên nhưng không gian công cộng, công trình hạ tầng xã hội ngày các ít đi.

Trong những bản quy hoạch Hà Nội mở rộng từ năm 2008 đều lấy tôn chỉ cải thiện điều kiện sống của nhân dân như tăng cường diện tích trường học, nhà trẻ, bệnh viện… Tuy nhiên, trên thực tế diện tích đô thị được mở rộng, các công trình bất động sản thương mại tăng lên nhưng các công trình hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thì ngày càng bị thu hẹp.

Chủ đầu tư cần xây dựng các cơ sở giáo dục công lập chứ không phải biến tướng thành bất động sản kinh doanh trường học

Chủ đầu tư cần xây dựng các cơ sở giáo dục công lập chứ không phải biến tướng thành bất động sản kinh doanh trường học

Tiêu chuẩn, quy chuẩn bị lãng quên

Điều này dẫn đến chuỗi hậu quả của một quá trình phát triển đô thị tưởng như theo quy hoạch nhưng lại hoàn toàn tự phát và đô thị đang bị “phá nát”.

Thông thường, với trách nhiệm của một chủ thể được giao đất để phát triển khu đô thị, khi giao đất phải có nhiệm vụ rất rõ ràng, khu đô thị có thiết chế đáp ứng cho đối tượng nào, số lượng là bao nhiêu?... Vấn đề người tiếp quản khu đất đó là người thực hiện, vì khi giao là khu đô thị, tức ngầm hiểu đó chỉ là dự án bất động sản.

Khi thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn thì sẽ có trường học. Tuy nhiên, khi thực hiện các chủ dự án đã lờ đi những tiêu chuẩn, quy chuẩn của trường học mà tập trung vào bất động sản. Thậm chí, có những khu đô thị vẽ ra trường học nhưng ngay dân cư ở khu đô thị cũng không đủ tiền vào học trong đó. Người dân phải vào các trường công ở khu dân cư cũ học chung.

Rất nhiều diện tích đất đai đã được giao cho các chủ đầu tư dự án bất động sản xây nhà để bán thu lợi nhuận cao còn lợi ích xã hội, tài sản công là tài nguyên đất đai của thành phố trở nên cạn kiệt và câu chuyện này có vẻ như chưa có hồi kết.

Nguyên nhân được nhìn nhận là do việc giao chỉ tiêu đất, điều chỉnh quy hoạch không theo kế hoạch của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, thậm chí là chính các quyết định thiếu cân nhắc của thành phố đã dẫn đến tình trạng này.

Chúng ta đang phát triển đô thị dưới sự điều tiết bởi nền kinh tế thị trường, do đó câu chuyện rất rõ ràng ở đây là phải dùng công cụ tài chính để ứng xử. Những khu vực đất công dành để phát triển bất động sản phải được lượng hóa bằng tiền. Những doanh nghiệp lấy đất có nghĩa là lấy tiền đi thì phải trả lại tài sản công được lượng hóa bằng tiền như xây trường học, nhà trẻ…

Nếu chủ đầu tư không muốn xây hoặc cố tình không xây trường học trong dự án của mình thì phải nộp lại số tiền tương đường để mua một không gian đủ chỗ cho số học sinh trong khối dân cư mà dự án đó sẽ hình thành. Đặc biệt nhấn mạnh ở đây phải là xây dựng các cơ sở giáo dục công lập chứ không phải biến tướng thành bất động sản kinh doanh trường học, có nghĩa là xây dựng các trường tư thục rồi thu học phí cao ngất ngưởng.

4 giải pháp cơ bản

Để giải quyết được tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị mới cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất là sự quyết tâm vào cuộc của chính của địa phương. Nếu có quyết tâm thì sẽ có những cách làm sáng tạo, vấn đề dù có được coi là khó vẫn có thể giải quyết ổn thỏa.

Ví dụ, quận Hoàn Kiếm là một quận lõi trung tâm, có diện tích nhỏ, dân số đông nhất thành phố nhưng các cơ sở trường công lập luôn đáp ứng đủ nhu cầu con em trong quận. Hay như tại quận Hai Bà Trưng, khi các nhà máy, xí nghiệp được di dời ra khỏi thành phố thì thay vào đó là những công trình nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê mọc lên, nhưng nhờ quyết tâm “giữ đất” của chính quyền quận, nhiều trường học tại các khu đất “vàng” như trường mầm non tại khu đất 622 Minh Khai; trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (tại 67 Ngô Thì Nhậm); trường THCS Lê Ngọc Hân (94 Lò Đúc)... được xây dựng.

Và một điển hình nữa cho thấy nếu có quyết tâm của những người đứng đầu địa phương thì những bản quy hoạch lỗi hoàn toàn có thể khắc phục để phù hợp với tốc độ phát triển đô thị.

Năm 2000, quận Cầu Giấy có bản quy hoạch phát triển trường học trên địa bàn quận. Định hình quy hoạch dựa trên cơ sở dân số là 90 nghìn dân năm 2000, dự kiến 10 năm sau (năm 2010) sẽ có 170 nghìn dân. Tuy nhiên, năm 2010 dân cư tại quận này đã đạt đến 350 nghìn và đến nay đã là gần nửa triệu dân. Trong khi đó, trên địa bàn quận có 65 điểm trường nhưng đã có hơn 10 điểm là trường tư thục.

Trước thực trạng quá tải như trên, quận Cầu Giấy đã nhanh chóng nhìn nhận và kiên quyết thay đổi dứt điểm tình trạng này, nhiều điểm trường đã được xây dựng từ những dự án bất động sản…

Thứ hai, ngành giáo dục Thủ đô cần đưa ra những dữ liệu chính xác về chiến lược phát triển của ngành để phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền các quận huyện, các sở ngành chức năng nhằm xây dựng mạng lưới trường học cho phù hợp với nhu cầu từng khu vực, địa bàn dân cư.

Thứ ba, trên cơ sở nhu cầu mạng lưới trường học mà ngành giáo dục đưa ra thì các chuyên ngành như quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường phải có trách nhiệm giới thiệu địa điểm, dành đất, dành không gian phát triển, đưa ra phương án phát triển mạng lưới trường học.

Cuối cùng, trách nhiệm cao nhất là chính quyền Thành phố, Thành phố phải có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa.

Khi các bên thực hiện được như trên thì tình trạng thiếu trường lớp tại các khu đô thị mới được giải quyết triệt để còn không nó chỉ như việc “ném đá ao bèo” năm sau lại thiếu trầm trọng hơn năm trước.

KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top