Aa

Thiếu vốn, nhiều dự án nhà ở cho học sinh sinh viên bị dang dở

Thứ Hai, 26/02/2018 - 14:00

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Ninh; Đầu tư vào bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp ngoại đang "đổi khẩu vị"; Lập phương án đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội; Thiếu vốn, nhiều dự án nhà ở cho học sinh sinh viên bị dang dở;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Ninh

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Quảng Ninh.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Quảng Ninh là 617.779ha, trong đó, 461.951ha đất nông nghiệp, chiếm 74,78% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là đất rừng sản xuất 234.424ha, chiếm 37,95%. Ngoài ra, có 25.752ha đất trồng lúa; 17.585 ha đất trồng cây lâu năm; 21.062ha đất nuôi trồng thủy sản...

Diện tích đất phi nông nghiệp là 126.192ha chiếm 20,43% diện tích đất toàn tỉnh. Từ 2016-2020, 35.073ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp.

Căn cứ vào Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh có sử dụng đất cho phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh; việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Xem chi tiết tại đây

Đầu tư vào bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp ngoại đang "đổi khẩu vị"

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Đầu tư JLL Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, dòng vốn FDI đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Nhưng phân khúc mà nhà đầu tư ngoại đổ tập trung đầu tư vẫn chủ yếu là chung cư cao cấp.

Tuy nhiên, theo quan sát của bà Khanh, từ năm 2017 đến nay, "khẩu vị" rót vốn của giới đầu tư ngoại đã dần thay đổi. Các nhà đầu tư hiện đang có xu hướng chuyển sang mảng thị trường bất động sản thương mại, đặc biệt là các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư (7 - 8%). Lý do mà nhà đầu tư ngoại chuyển khẩu vị đầu tư được bà Khanh lý giải rằng do mức giá thuê văn phòng tại Việt Nam hiện đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với những dự án khách sạn.

Xem chi tiết tại đây

 Sau nhiều năm, dự án này vẫn còn nhiều tòa xây dựng dở dang. Ảnh: Trần Kháng.

Sau nhiều năm, dự án Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp vẫn còn nhiều tòa xây dựng dở dang. Ảnh: Trần Kháng.

Thiếu vốn, nhiều dự án nhà ở cho học sinh sinh viên bị dang dở

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, một số dự án mặc dù đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng công trình nhưng lại thiếu vốn đầu tư nội thất, bên cạnh đó một số dự án nhà ở sinh viên được bố trí tại các vị trí chưa có hạ tầng kết nối.

Thực tế thời gian qua, báo chí đã phản ánh về thực trạng tại ký túc xá nghìn tỷ xây xong “ế” sinh viên ở dự án Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai – Hà Nội). Khu nhà gồm có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) cao 19 tầng với hơn 1.400 phòng. Theo thiết kế, khu này có khả năng đáp ứng chỗ ở cho hàng vạn sinh viên. Tổng vốn đầu tư của toàn dự án nhà ở sinh viên này là gần 1.500 tỷ đồng được trích từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP). Tuy nhiên do biến động giá cả tổng mức đầu tư bị tăng thêm hơn 300 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội do không bố trí được tiếp nguồn vốn nên dự án đang dang dở.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, một số dự án thu hút sinh viên không tốt trong khi quỹ nhà ở xã hội chưa được lớn. Bộ Xây dựng đồng ý chủ trương chuyển đổi của UBND TP. Hà Nội nhưng phải tuân thủ nguyên tắc việc chuyển đổi từ vốn TPCP thành vốn xã hội hóa có ưu đãi phải tính toán cụ thể, làm sao thu hồi được vốn ngân sách đã đầu tư. Vấn đề thứ 2 là đối tượng ở sau chuyển đổi là các hộ gia đình. Kèm theo đó là hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, vui chơi giải trí… cần phải được tính toán cho phù hợp.

Xem chi tiết tại đây

Lập phương án đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương giao các nhà đầu tư lập đề xuất dự án đầu tư các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến 2025.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính.

Trên cơ sở đó, lập phương án đầu tư đối với các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, Tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến số 4 đoạn Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà) phù hợp với quy định của pháp luật.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm ổn định của thị trường bất động sản

Năm 2017, nhìn tổng thể, thị trường bất động sản đã tăng trưởng trở lại với mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016. Trong đó, phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền (loại trung cấp và bình dân) đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng vẫn là phân khúc chủ đạo, chiếm 74% thị phần, có tính thanh khoản cao và phát triển bền vững, nhưng vẫn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu.

Dự báo ở 2018, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt khi ở những đô thị lớn như TP.HCM khi các đối tượng cặp vợ chồng - gia đình trẻ, người có thu nhập trung bình đông đảo vẫn đang có mong muốn sở hữu ngôi nhà-an cư. Theo đó, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 01 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top