Aa

Thổ Hà - lễ hội dưới mưa phùn

Thứ Tư, 15/02/2023 - 13:30

Mưa phùn trong lễ hội tháng Giêng, con cháu người làng đi xa cũng tìm về sum họp, để nhớ bến đò quê, nhớ về một chợ quê còn bánh đa bánh đúc, còn bún bánh canh cua, còn bánh gio dẻo mềm, còn chè kho, xôi gấc...

Tháng Giêng, miền Bắc không chỉ có hoa xoan nghiêng mình về phía lễ hội của xứ sở Kinh Bắc, nơi chỉ cách có một con sông Cầu, bên này là làng quê quan họ Bắc Ninh, bên kia sông là làng Nguyệt Đức của tỉnh Bắc Giang. Ngôi làng chài Nguyệt Đức xửa xưa vẫn u ẩn nép bên sông quê, người làng chỉ chuyên chở gốm chum vại, chĩnh, thố, bát đĩa gốm Thổ Hà đi khắp phương trời. Nay nghề gốm của làng bị xóa sổ, dân tình giờ lại chuyển kinh doanh mỳ chũ, bánh đa và chở cát, chở than thuê.

Lễ hội Thổ Hà năm nào cũng diễn ra 3 ngày, dân làng có khoảng gần 4.000 người, già trẻ gái trai. Ngày lễ hội cộng với khách muôn phương đổ về, xe ô tô xếp hàng suốt con sông Cầu để đi hội. Mưa phùn cứ mưa và người đến hội cứ đi. Ở hai bên cửa đình Thổ Hà, người già con trẻ cứ ngồi như đám kiến bậu túm tụm lại trò chuyện, hóng hớt chỉ để chờ xem đội múa sư tử của làng cứ đi uốn lượn rước vào cửa đình. Cửa đình làng là chợ quê, vẫn quán bún bánh canh, bánh cuốn, bánh gio và bánh dày tha hồ ăn mà không chán. Quà quê hút khách du lịch muôn nơi, còn bến sông vẫn chở đầy rau quả từ Hà Nội lên, từ Lạng Sơn xuống. Ai ăn quà quê cứ xì xụp bên sông, thuyền quan họ dưới sông hát cứ hát, đường làng múa lân cứ múa. Người dâng lễ trong đình cứ xì xụp khấn vái cầu mong năm mới phát đạt.

Rủ nhau đi lễ hội Thổ Hà (Ảnh: HVH)

Lễ hội cộng hưởng lại là niềm vui, của các xới gà chọi. Những tay mê gà và cả đời sống chết nuôi gà, đọc sách Kinh kê cũng vì gà. Có người chơi gà chọi chăm đọc sách Kinh kê, là cốt am hiểu gà chọi có biệt tài của gà chọi, gà chứ không phải chim nhé. Lao xao không phải tiếng gáy mà là tiếng của những kẻ mê gà, chơi với gà chọi ở xứ Thổ Hà. Ở xới gà, người ta chỉ nói chuyện gà, người chủ của gà chọi bì thua không hề buồn là một chàng trai trẻ nhuộm tóc vàng, vừa ôm gà đi theo một người đứng tuổi chỉ xem gà mà phán được đâu là loại gà lục đinh. Gà lục đinh có thế mạnh, chỉ có chiến thắng ở xới gà mà thôi. Luật chơi gà cũng chỉ có người chơi gà mới hiểu. Cái thú đam mê chơi gà ở một làng quê, cũng giống những thú chơi chim, chơi cá ở làng Yên Phụ Hà Nội. Nghề chơi cũng công phu lắm. Mà sống có đam mê nhất định có ý nghĩa hơn kẻ không có đam mê gì. Sống cứ nhàn nhạt rồi sống mòn, cũng buồn lắm chứ. Riêng thú đam mê gà chọi trong làng Thổ Hà; rồi thú đặt thế cờ với hai bàn cờ trước cửa đình, chờ đợi người tài phá thế cờ để phục cũng hay lắm.

Trong lễ hội làng quê, khác với giới mày râu chơi cờ, chơi với xới gà, thì nửa thế giới đàn bà lại đi tìm trang sức, thời trang ở chợ quê. Chợ quê chẳng có shop, có đèn, các bà “nhà quê” ta chỉ có 70 ngàn đến 100 ngàn bạc là có thể đi mua một búi tóc giả, hay mua một chuỗi ngọc trai mỹ ký về đeo vào cổ cho đẹp; các bà cũng ngó nghiêng gương lược cho tuổi xế chiều của mình, dù nhan sắc đi về đâu hỡi người? Áo dài hàng chợ 150 ngàn một chiếc ướm vào rồi ăn trầu, kéo nhau đi hội.

Thời trang chợ quê (Ảnh: HVH)

Làng quê Thổ Hà đường hẹp, nhà rộng, chum chĩnh ngày xưa đã biến mất khỏi làng, thay vào đó là giàn phơi bánh đa và mỳ gạo chũ. Một làng quê gần 4.000 dân mà diện tích đất rất hẹp thì dĩ nhiên người ở chật chội là phải. Anh Nguyễn Văn Thái, Phó Ban tổ chức lễ hội cho hay: “Người dân ở đây còn có nhà để định cư, còn khổ hơn là người làng chài Nguyệt Đức, họ không có đất có nhà để lên bờ”. Có khoảng 150 hộ gia đình sống bên bờ của sông Cầu. Họ chuyên chở thuê cát, than, hàng hóa qua sông. Con cái đi học trên trường làng, tối lại về ngủ dưới sông quê. Xe đạp để trên thuyền. Cứ thế, họ sống vắt qua hai thế kỷ. Chấp nhận cuộc đời như lời hát “sông sâu chèo lái một miền gian truân”.

Quan họ trên sông (Ảnh: HVH)

Lễ hội Thổ Hà vui nhất là thuyền quan họ, người dân hát quan họ trên thuyền suốt buổi sáng, dân làng đứng nghe. Thuyền bè chở hàng vẫn lướt qua, lướt qua lễ hội. Vẫn lướt qua áo mớ ba mớ bẩy, lướt qua nón quai thao, quan họ nghỉ, thuyền anh cứ đi. Thuyền cứ chở than, chở cát trên sông và quan họ cứ gieo lời trên nước. Có gia đình trên ngôi nhà bên làng chài Nguyệt Đức cả nhà ra ngóng xem. Hội làng Thổ Hà có tục chơi quan họ. Cứ gần hội làng, những người liền anh quan họ có cơi trầu sang mời những liền anh liền chị làng Diềm, làng Quả Cảm, làng Yên Phong (Bắc Ninh), họ cũng dâng lễ bà Chúa Quan họ xin mời các liền chị liền anh vùng Kinh Bắc sang làng Thổ Hà giao lưu. Canh hát quan họ diễn ra trong cả 3 ngày 20, 21, 22 tháng Giêng âm lịch. Tôi đã thấy rất nhiều khách quốc tế đứng nghe quan họ, ngồi nghe quan họ và họ vô cùng thích thú.

Các liền chị làng Diềm đi lễ hội Thổ Hà (Ảnh: HVH)

Chỉ có một điều day dứt của mưa phùn là làm sao các thôn làng quê hương giữ chân được du khách quốc tế, kể cả giữ chân ẩm thực làng Thổ Hà. Bây giờ, lễ hội Thổ Hà cả làng chuyên làm thịt chó ăn trong gia đình và sự sum họp sau Tết cũng là quanh mâm thịt chó. Ăn thịt chó mà vẫn đi lễ đình chùa. Một nhà dân gần nhà nghệ nhân quan họ cổ, anh tên là Nguyễn Đăng Nam, cho hay: "Dân làng đã quen làm thịt chó trong ngày lễ hội, họ chỉ dâng bê, chọn thịt bê dâng lên lễ thánh trên đình, còn gia đình lại toàn ăn thịt chó; dám chắc các ngài, các thánh cũng đại xá cho. Đúng là lệ làng thì khó nói. Là lệ đã đến thế thì cứ thế". Khi mấy chị em nhà văn Hà Nội lên thăm, gia đình mời cơm thịt chó, cả mâm toàn thịt chó, nhựa mận, dồi gan chó rõ ngon, mà kết thúc mâm cỗ vẫn nguyên không có khách động đũa. Không rõ chủ nhà có buồn không? Vì không phải ai cũng ăn được thịt chó, khách quốc tế càng không. Vậy ẩm thực làng quê sẽ giữ chân du khách bằng cái bụng đói để nghe quan họ, để xem lễ hội chăng? Chắc du khách sẽ giã bạn rằng “quan họ nghỉ, chúng em ra về!”, chắc chắn vậy.

Làng Thổ Hà còn có những ngôi nhà cổ gỗ lim hàng trăm tuổi, cũng là một địa chỉ văn hóa để du khách ghé thăm. Giá như những ngôi nhà cổ Thổ Hà biết khai thác du lịch như làng cổ Đường Lâm thì sẽ thu hút khách du lịch muôn phương về với làng Thổ Hà cổ kính đông vui hơn, ý nghĩa hơn. Bún canh Thổ Hà rất ngon, bánh nếp bánh dày rất ngon, sao không làm cho khách quốc tế? Dòng sông Cầu không thơ mộng như trong thơ Hoàng Cầm, sông vốn nước đục, và êm đềm. Có khá nhiều khách quốc tế đến lễ hội, nhưng kiếm được không gian cho khách chụp ảnh thực khó. Chỗ nào cũng thấy nghẹt thở. Nào múa, nào kiệu, nào chiêng, rung rinh rực rỡ. Đông người, chật chỗ quá. Khách quốc tế cũng biết đi cổng hậu để chen vào tận trong đình, xem trọn cuộc rước lễ ra sao. Đám rước có trai tráng khỏe mạnh, vác cờ, chiêng trống, rước kiệu, hoành tráng lắm.

Trong đình Thổ Hà, người làng dâng lễ Thánh có hẳn một con bê, vàng tuyền, được trang trí phủ phục phía dưới chân đèn nhang khói. Dâng lễ còn nhiều mâm bánh chưng, bánh oản, những cơi trầu, nậm rượu dâng lên cửa đình. Với sự trang trí đẹp mắt, công phu, một tín ngưỡng khiến nhiều khách quốc tế chăm chú khám phá văn hóa, tập tục sống ở một làng quê có nửa dòng sông thuộc về Kinh Bắc phía bên này, nửa dòng bên kia đã là Thổ Hà, hai miền quê ta cùng chung dòng chảy. 

Đình làng Thổ Hà (Ảnh: HVH)

Ngay bên ngoài cửa đình Thổ Hà là chợ quê, là bến sông, là giao thương đời sống muôn dân đổ về. Vì vậy, môi trường văn hóa của vùng này trong mưa phùn vẫn còn day dứt lắm. Ở góc nhìn một lữ khách, tôi chỉ mong sao các nhà quản lý văn hóa của thôn, của huyện Việt Yên, sẽ chung tay cải thiện mội trường đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn. Làng xóm có chăng cũng cần xây dựng được một đội quân tình nguyện, làm sao trong lòng người dân phải được chú trọng nếp ở sạch, dù đây là một làng nghề. Làng nghề thì luôn bộn bừa công việc, nhưng rất cần sạch sẽ. Rất nhiều rác thải, tạm bợ đổ ngay bên bờ sông, ngay bến đò, trong khi thùng rác để ngay trước cửa. Bến phà sông phải được mọi người chung tay giữ gìn không gian sống; rất cần những thùng rác cho dân, cho du khách đi lễ hội ăn xong bỏ rác vào đúng chỗ. Nề nếp này hình như chưa thấy ở lễ hội Thổ Hà?

Làng gốm Thổ Hà hôm nay chỉ còn duy nhất gia đình anh Tập còn một lò nung gốm thủ công. Nhà anh Tập vẫn làm tiểu sành, và duy nhất vẫn giữ nghề xưa của ông bà để lại. Những chiếc tiểu sành mà người dân quanh vùng vẫn đặt cho ông bà cha mẹ mình khi về với đất đai. Vẫn còn những người làm nghiên cứu văn hóa làng đến đây để khai thác làng gốm Thổ Hà trong ký ức. Những mai một, những sự đổi thay và thời gian đang xóa mờ nhiều ký ức số phận người của làng cổ.

Mưa phùn trong lễ hội tháng Giêng, con cháu người làng đi xa cũng tìm về sum họp, để nhớ bến đò quê, nhớ về một chợ quê còn bánh đa bánh đúc, còn bún bánh canh cua, còn bánh gio dẻo mềm, còn chè kho, xôi gấc. Và có khi thức giấc đã có người ngồi hát quan họ cổ ở thềm cửa. Cũng có những mối tình không đến được với nhau, có người có gia đình rồi không hạnh phúc, quan họ là nơi để bày tỏ không riêng lễ hội, mà ngày thường hát với thềm cửa với nón ô, với bờ tre bến đò, giãi bày một cuộc đời chỉ có sông sâu, mây biếc. Không chỉ có quan họ cổ, hát tuồng cổ (thuộc loại tuồng pho), những vở diễn như tuồng Sơn Hậu, Trưng Nữ Vương cũng từng trình diễn ở làng.

Có thể về vùng Kinh Bắc trong lễ hội và qua lễ hội, thì quan họ vẫn vẳng bên tai. Khách đến chơi nhà hay “quan họ nghỉ, chúng em ra về” vẫn ngân trong thế giới riêng của mỗi người yêu âm nhạc. Vệt miền quê Bắc bộ vẫn còn nhiều lễ hội, nhiều nét đẹp văn hóa, ẩm thực miền quê còn lưu giữ. Tháng giêng hai, bạn cứ đi, dấu giày trên những miền quê ấy để vui buồn với nhiều cảm xúc khác nhau, du dương với các làn điệu dân ca, phơi phới với nón quai thao, với áo mớ ba mớ bẩy, để mùa xuân là đến với cái đích của yêu thương con người sau đại dịch, cả sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, con người sẽ biết trân quý thời gian còn ở lại trên thế gian này, dù trong lễ hội và không lễ hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top