Thời điểm “vàng” để thị trường phục hồi
Sáng 18/11, tại hội thảo “Chiến lược đầu tư thời Covid-19”, do Tạp chí Thương Gia tổ chức, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra nhiều nhận định về xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản sau Covid-19.
Theo ông Châu, thị trường bất động sản trong 5 năm qua có rất nhiều biến động. Trong giai đoạn 2016-2017, thị trường bất động sản phát triển rất tích cực, cả về quy mô thị trường, số lượng dự án, sản phẩm nhà ở và giao dịch. Bước sang giai đoạn 2018-2020, thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch.
Đáng lưu ý là tình trạng “lệch pha cung-cầu” ngày càng rõ rệt, biểu hiện ở tình trạng rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, đi đôi với đó là thừa nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm lưu trú du lịch (condotel).
Riêng 10 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản trong 3 năm gần đây. Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Thống kê cho thấy, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác. Ngân sách nhà nước cũng bị giảm mạnh nguồn thu từ bất động sản kể từ năm 2018 đến nay.
Đáng chú ý, dù bị tác động bởi đại dịch, nhưng giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn “neo” ở mức cao. Giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp (hầu hết do bán lại, chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ) và thị trường bất động sản cho thuê. Giao dịch bị sụt giảm cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản.
Trong khi đó, đa số người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập làm sụt giảm khả năng tạo lập nhà ở. Đại dịch Covid-19 cũng đã tác động rất lớn đến phân khúc bất động sản cho thuê (văn phòng cho thuê; nhà, mặt bằng cho thuê; trung tâm thương mại cho thuê); bất động sản du lịch, condotel; môi giới bất động sản và khoảng 35 ngành nghề có liên quan bất động sản.
Tuy nhiên, dự báo về thị trường từ nay đến Tết Âm lịch Tân Sửu và cả năm 2021, ông Lê Hoàng Châu vẫn lạc quan và cho rằng, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và một số cơ chế chính sách mới.
Tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa cũng sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản TP.HCM phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới.
“Cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong khâu thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại, để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế vững chắc”, ông Châu nhấn mạnh.
Nhà đầu tư chuyển hướng sang bất động sản
Cũng tại hội thảo, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt dịch Covid-19. Không những vậy, Chính phủ đang ổn định được mục tiêu kép, đó là vừa đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa dịch, vừa đảm bảo được sự tăng trưởng của GDP luôn dương thay vì âm như các nước khác. Đây chính là điểm sáng cho thị trường Việt Nam so với các nước cũng đang thực hiện tốt việc kiểm soát dịch.
“Như chúng ta vẫn hay thường nói với nhau, trong nguy có cơ, trong thách thức có cơ hội. Bối cảnh đại dịch diễn ra và ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến mọi khía cạnh của cuộc sống.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã thay đổi chiến lược nhằm hướng các ngành nghề này vào thị trường nội địa trong bối cảnh các chuyến bay quốc tế đang còn những hạn chế nhất định, dù Mỹ và Châu Âu được xem là 2 thị trường lớn của Việt Nam sau khi thông qua EVFTA. Nhưng sự linh động trong việc điều tiết các chiến lược đã giúp cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam duy trì ở tỷ số dương vào khoảng trên 2%.
Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải nhìn thấy rằng, nếu họ không linh động thì doanh nghiệp sẽ gặp khó. Chúng ta có thể tự hào khẳng định với nhau rằng chúng ta đang sống trong một môi trường tương đối ổn định và an toàn về mặt sức khoẻ cũng như là chính trị. Đây là cái để các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào.
Bên cạnh đó, bản thân những nhà đầu tư trong nước gồm tổ chức và cá nhân cũng sẽ sẵn sàng đầu tư. Thay vì trước đây, họ đầu tư dự trữ vàng, gửi tiết kiệm ngân hàng, thì bây giờ họ bắt đầu chuyển hoá lượng tiền của họ sang hình thức bất động sản vì đây chính là cơ hội trong thời gian tới”, Ts. Sử Ngọc Khương chia sẻ.