Aa

Muốn tiến lên, phải dừng lại!

Thứ Năm, 19/11/2020 - 07:00

Từ việc cố chen lên để tự bít đường mình trên đường phố khi tắc đường, nghĩ đến nhiều chuyện ở nơi khác, lĩnh vực khác…

Dạo này, Hà Nội hay tắc đường, tắc miên man, buổi sáng, buổi chiều...

Đi trong dòng đường tắc, cứ lặng lẽ quan sát, vừa đỡ sốt ruột, lại có thể nẩy ra những ý tưởng, những ngẫm nghĩ... Thế chẳng hơn là tự rước lấy cáu kỉnh, tức giận, mà chả cải thiện được gì hay sao?

Tắc đường có nhiều nguyên nhân: Đường nhỏ, lưu lượng xe và người lưu thông lớn, rồi va chạm, hay gặp sự cố, phải dừng lại, như cục máu đông giữa mạch chảy, thì dồn lại rất nhanh. Rồi vỉa hè cứ thay nhau liên tục lát đi lát lại, đã không giúp được người và xe tạm thời nới rộng khả năng lưu thông khi có sự cố thì chớ, mà còn vương đá thừa đá hỏng, đá sắp lát xuống đường, rồi rãnh thoát nước bên đường chưa có nắp… càng chật lại. Rồi đến thời tiết, mưa gió làm đường trơn trượt, dễ ngã hay dễ va chạm. Cả việc lắp dặt đèn đỏ đèn xanh với chu kỳ điều tiết không khoa học…

Còn có một nguyên nhân nữa, khá là chí tử, là thái độ tham lam, hiếu thắng, cố tiến lên bằng được của con người, nhất là ở những đoạn đường không có giải phân cách. Có một sự cố gì đó xảy ra. Hai hướng lưu thông đều nhanh chóng ùn lên. Người và xe tràn sang trái làn cứ nhiều dần và ùn lại, tụ lại cho đến… đông cứng. Và rất nhanh, tất cả đều dừng lại. Nhiều khi nhìn mà thấy thảm. Những khuôn mặt căng thẳng, tức tối, lo âu. Người và xe cứ ì ra, không biết đến bao giờ. Nhưng dường như họ cũng không nghĩ, rơi vào tình trạng ấy, lỗi lớn lại là do chính họ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm.

Đường có rộng đến bao nhiêu thì cũng có lúc bị... tắc.

Có tầm nhìn cao hơn lên để quan sát thì thấy rõ lắm. Nếu khi có sự cố thì dừng lại, hoặc đi chậm lại, ép sát vào bên làn của mình, thì làn đối diện sẽ vẫn cứ thông, dù chậm, sẽ nhanh giải phóng để mình có chỗ tiến lên, hoặc giả thông thạo, đang đi xe máy, thì tìm đường ngõ mà thoát ra…

Đằng này, hai bên đều chen lên, áp vào nhau đến chật cứng. Cả đoạn đường đứng yên, chờ đợi, không thấy lối thoát. Phải đến khi có cảnh sát giao thông hay các trật tự viên xuất hiện. Họ rẹt còi, quát tháo, ép người này tách ra, đẩy người kia lùi lại, để mở được một lối thoát nhỏ, rồi mãi sau mới hình thành được hai chiều lưu thông, đám người và xe mới dần dần giải tỏa…

Nhớ lại, có lần mình đi chơi bên Viêng Chăn, Thủ đô nước Lào, thấy dân họ đi lại từ tốn, chả ồn ào. Không hề thấy cảnh cứ cố len lên bằng mọi cách như dân mình. Và không chỉ ở trên đường phố… Ở lối đi trong khách sạn, thấy có người đi nhanh, chen bước vượt lên, nói là xin lỗi, cho đi qua nhé, vội tí, thì người khác tránh cho đi ngay, có khi còn cười, vội à, sao không đi từ hôm qua cho khỏi vội? Ôi chao, giá như dân mình học được cái đức tính này thì có nhẽ tắc đường ở ta sẽ bớt trầm trọng đi rất nhiều đấy.

Từ việc cố chen lên để tự bít đường mình trên đường phố khi tắc đường, nghĩ đến nhiều chuyện ở nơi khác, lĩnh vực khác…

Sống là gian khó lắm!

Đang bơi trên biển, thấy sóng lớn dội về, muốn vượt qua thì phải dừng lại, xem kỹ sóng mà lựa cách bơi vượt qua thì mới an toàn mà bơi tiến lên. Đi trên rừng, thấy lũ về, thấy đất chuyển thì ngay lập tức cũng phải dừng lại, căng mắt và động não để xem xét thấu đáo, nghĩ ra cách tránh, thì mới mạnh mẽ vượt qua lũ rừng, đất lở mà tiến lên được.

Đi trên đường đời cũng thế thôi. Cũng vẫn có thể có bao nhiêu ngăn trở, sự cố bất ngờ xuất hiện để thử thách. Khi thấy thì cần bình tĩnh và tỉnh táo đối diện, chứ cứ hiếu thắng, tự tin thái quá lao lên, thì dễ như húc đầu vào đá lắm. Phải dừng lại, chậm lại, xem là thế nào, để tính cách vượt qua. Có khi phải chấp nhận thua thiệt, mới vượt qua được. Vượt qua được một lần thì có kinh nghiệm để đi tiếp, rồi lại đối diện tiếp. Cứ thế mà rồi cuối cùng là đời người vẫn thong dong tiến lên...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top