Trên các phương tiện báo chí, các trang giao dịch bất động sản, thậm chí cả dự báo của không ít chuyên gia, giới nghiên cứu thị trường đều dùng từ “thỏi nam châm” khi nhắc đến tiềm năng của nhiều vùng đất, địa phương. Dẫu biết thị trường bất động sản Việt Nam còn khá nhiều dư địa ở các vùng đất mới với tiềm năng về giá, nguồn cung, nguồn cầu, đặc biệt là quỹ đất, nhưng nếu không tỉnh táo, nhà đầu tư sẽ rơi vào chính ma trận của "thỏi nam châm" này.
Theo tìm hiểu từ thị trường, giới phân tích cho rằng, nhiều vùng đất tiềm năng là có thật, nhiều phân khúc hoàn toàn có thể đem lại lợi nhuận cao nhưng đi kèm với đó cũng là những yếu tố mang tính rủi ro buộc nhà đầu tư phải tính toán nhiều yếu tố, không nên mạo hiểm khi chưa chắc chắn.
Một “công thức” có vẻ như là luôn đúng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là phải có quy hoạch hạ tầng giao thông - kỹ thuật - xã hội và pháp lý. Đây là những yếu tố đầu tiên sẽ quyết định khu vực đó có thể kinh doanh buôn bán hoặc nếu xây dựng nhà ở thì có thể thu hút người dân tới sinh sống hay không. Nếu nhìn nhận ở những góc độ như vậy, việc các nhà đầu tư tìm về khu vực “thỏi nam châm” này, săn tìm quỹ đất, đón sóng đầu tư cũng là điều dễ hiểu.
Mặt khác, việc quá nhiều vùng nhận là “thỏi nam châm” sẽ không ai dám đảm bảo trong đó không có những người đầu cơ tung tin hỏa mù, tạo sốt đất “ảo” để kiếm lời. Do đó cần phải tỉnh táo so sánh giữa các “thỏi nam châm” này, vùng nào thực sự đem lại tiềm năng cao hơn. Và đặc biệt cảnh giác trước những "bánh vẽ".
Nhận định về câu chuyện này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ: “Thực trạng này không phải mới xảy ra, chúng ta đã có bài học rồi và trong những thời gian trước, chúng ta đã thấy những cơn sốt đất tại Bà Vì, Mê Linh, Đông Anh. Trong những cơn sốt đất đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ theo phong trào, thấy người ta nói ở đâu có lợi nhuận cao thì đổ xô vào mua đất, có khi tranh mua, chưa nhìn thấy đất đã đổ tiền ra rồi”.
Ông Hà cho rằng, đây là những bài học chúng ta đã nhìn thấy, trong quy định pháp luật cũng đã có điều chỉnh và đã có những quy định rất rõ ràng việc dự án nào được chuyển nhượng đất đai, được bán nhà hình thành trong tương lai, những dự án chưa hoàn thành,việc chuyển nhượng đất cần có những gì đều có quy định rất cụ thể.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn vấp phải các trường hợp đầu tư tại các dự án chưa đủ pháp lý. Ví như, các trường hợp sốt đất tại Ba Vì hay một số địa phương thì thậm chí là xuống tiền rồi nhưng 10 năm nữa vẫn chưa lấy được đất, xuống tiền rồi dự án không có do chậm bàn giao hoặc không thể bàn giao vì chủ đầu tư không còn khả năng triển khai dự án, hai là các dự án đó không có thật.
Ông Hà nhấn mạnh: “Đối với nhà đầu tư, không ai cấm việc đầu tư nhưng phải chắc chắn, theo đúng quy định Nhà nước, tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, không nên nghe theo các sàn giao dịch, theo bạn bè, dẫn đến mất tiền oan”.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc nghiên cứu CBRE Việt Nam, những địa phương nào có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt thì bất động sản càng có thanh khoản tốt, bởi nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài và nhân sự cao cấp là lực đẩy tăng giá cho bất động sản.
Bà An lưu ý để tránh rủi ro, người mua phải đặt vấn đề pháp lý dự án lên hàng đầu. Khi đầu tư vào các dự án, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ tính pháp lý, năng lực tài chính, uy tín của chủ đầu tư, quy hoạch của địa phương…
Về bí quyết chọn lựa đầu tư dự án, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho rằng, với những dự án quảng cáo bán bất động sản du lịch, đây là loại hình khá đặc thù nên nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ chủ đầu tư là ai, đã có uy tín trên thị trường chưa, có kinh nghiệm phát triển thị trường không, đã có những thành công nào? Thêm nữa, các nhà đầu tư bắt buộc phải quan tâm đến tính pháp lý của dự án và pháp lý của hợp đồng.
Ông Hiển đặc biệt nhấn mạnh, bài học nhãn tiền về các cơn sốt đất và "dự án ma" đã nhiều. Nhưng nhiều nhà đầu tư vì ham muốn lợi nhuận, không tìm hiểu kỹ vẫn dốc tiền theo tâm lý đám đông nên hiện nay đang mắc kẹt. Đất nền có thể cho nhà đầu tư sự giàu sang nếu thành công nhưng cũng là nơi chôn tiền nếu đầu tư không trúng đích.