"Tín dụng là lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước quan tâm trong chỉ đạo điều hành bởi đặc thù của nền kinh tế của chúng ta là vốn của doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Hiện dư nợ tín dụng/GDP trên 140%. Con số này thường được Ngân hàng Nhà nước đặt ra và lưu tâm trong những nhiều năm qua, để điều hành làm sao đảm bảo được vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo dược rủi ro."
Đó là nhấn mạnh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tín dụng năm 2021 của ngành ngân hàng diễn ra ngày 14/4.
Tín dụng tăng gấp đôi
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh cho biết tính đến 31/3, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020. Kết quả này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (quý 1/2020, tín dụng tăng trưởng chỉ 1,3%).
Các tổ chức tín dụng cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tính đến cuối tháng 3/2021, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ hơn 353.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660.000 khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452.000 khách hàng.
Cũng theo ông Tuấn Anh, đến hết quý 1/2021, dư nợ đầu tư vào chứng khoán khoảng 45.300 tỷ đồng, dư nợ tín dụng vào bất động sản khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với 31/12/2020. Sự sôi động của thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán trong nước thời gian qua có thể tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng.
Ông Tuấn Anh phân tích: Tín dụng vào chứng khoán, thời điểm tháng 11 và tháng 12 năm 2020, tăng trưởng nóng nhưng sang tháng 1/2021 đã giảm mạnh gần 10%. Tuy nhiên, từ tháng 2/2021, tín dụng vào chứng khoán tiếp tục tăng trở lại. Hiện con số này chỉ giảm so với cuối năm 2020 khoảng 1%. Tín dụng vào dự án BOT, BT giao thông khoảng 108.000 tỷ đồng, giảm 0,7%. Tín dụng vào lĩnh vực phục vụ đời sống với 1,87 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 2%.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ trong những tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch; tiêu thụ sản phẩm nông sản ở một số địa phương vùng dịch gặp nhiều khó khăn..., ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng, từ đó tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng.
Không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng chung cho năm 2021 là 12%, tăng trưởng hợp lý, nâng cao chất lượng tín dụng gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
"Tín dụng là một trong những lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm trong chỉ đạo điều hành nhằm đưa ra định hướng điều chỉnh phù hợp với thực tế, phù hợp đặc thù với kinh tế Việt Nam. Ở Việt Nam, vốn cho người dân, doanh nghiệp vẫn phụ thuộc chủ yếu từ ngân hàng. Bản chất vốn ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn, lưu động," Thống đốc cho hay.
Với định hướng tăng trưởng tín dụng chung cho năm 2021, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại điều hành tín dụng mở rộng đi đôi với chất lượng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với cơ cấu phòng ngừa rủi ro đảm bảo trong hoạt động và luôn đáp ứng khả năng chi trả của người dân trong bất kỳ thời điểm nào.
Trao đổi với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua trên các phương tiện truyền thông có đặt câu hỏi về việc tăng trưởng tín dụng có đi vào lĩnh vực rủi ro không khi các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán... tăng nóng.
Từ đó, Thống đốc lưu ý các ngân hàng phải đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, tăng tưởng tín dụng vào lĩnh vực theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ. Tín dụng phù hợp với cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng để phòng rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, chênh lệch tiền, đảm bảo khả năng chi trả cho người dân ở bất cứ thời điểm nào. Đặc biệt, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần phải có cảnh báo kịp thời ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng và thực hiện thanh tra, kiểm tra khi cần thiết.
“Cơ quan thanh tra giám sát chặt chẽ diễn biến tín dụng, cảnh báo kịp thời, ngăn ngừa rủi ro, thanh tra nếu cần thiết. Đảm bảo cho cả hệ thống tổ chức tín dụng an toàn, thực hiện vai trò trung gian tài chính cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn, phục vụ lâu dài cho nền kinh tế,” Thống đốc yêu cầu.
Từ nay đến cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp;
Tại Hội nghị, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phổ biến triển khai Thông tư 03/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19./.