Aa

Thú chơi đu ngày Tết

Thứ Năm, 07/02/2019 - 06:01

Ngày Tết ở nông thôn có nhiều thú vui, nhưng thú nhất vẫn là chơi đu. Người nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối, Tết đến là tạm xếp sang bên tất cả mọi vất vả, cực nhọc, lo âu; và khi nhún cho đu bay lên khỏi ba kèo bốn cột thì thực sự chỉ còn cái cảm giác rạo rực, phơi phới của đất trời vào xuân.

Ở quê tôi không biết tục trồng đu có từ thời nào, chỉ biết khi lẫm chẫm biết đi, bọn trẻ làng tôi đã bám váy bà theo ra gốc đu. Và ngày Tết trong ký ức của những người dân làng xa quê, bao giờ cây đu cũng hiện về trong nỗi nhớ da diết, cùng với nồi bánh chưng sôi lục bục trong đêm Ba mươi, mùi hương trầm nghi ngút trên bàn thờ tiên tổ trong thời khắc Giao thừa.

Ngày xuân, mỗi nhà, mỗi họ tộc đều có hương vị Tết riêng của mình nhưng vẫn là cái Tết trong mỗi mái nhà, mỗi nhà thờ họ. Cây đu là nơi tụ tập của tất cả mọi người, là sự hoà hợp của cả cộng đồng. 

Cây đu là sự hòa hợp của cả cộng đồng

Cây đu là sự hòa hợp của cả cộng đồng

Làng quê tôi nằm bình dị giữa vùng châu thổ sông Hồng. Tháng Chạp, những xướng mạ đầu thôn đã nhổ hết, chỉ còn lấm tấm cỏ lông meo và cây rau bánh khúc, chân giẫm lên còn ẩm mềm, ngai ngái mùi đất tươi… là cánh thanh niên trong thôn đã rục rịch chuyện trồng đu.

Cây đu không chỉ là nơi tụ họp, nó còn là niềm tự hào và tượng trưng cho sự làm ăn thịnh vượng của cả một cộng đồng trong lũy tre xanh. Vì thế, tục trồng đu cũng lắm công phu. Đầu tiên là chọn địa điểm. Thường là một xướng mạ đầu thôn ngay cạnh đường cái. Đó là hướng dân làng xuất hành đi chúc Tết họ hàng và cũng là nơi đón khách từ nơi khác đến. Sau đó chọn cột đu. Cột đu làm bằng những cây luồng thẳng, dài và to đều. Cột thường dùng năm này qua năm khác. Sau này thường do chi đoàn chúng tôi lao động lấy tiền mua. Cuối cùng là bộ xúc xích và dải đu. Bộ xúc xích gồm hai tầng làm bằng những đoạn gốc tre đực già lồng vào nhau để mắc dải đu. Dải đu làm bằng hai cây tre bánh tẻ nhỏ, dài và thẳng, phía dưới có tra bàn đạp để đặt chân và phía trên mắc vào xúc xích.   

cây đu ngày tết

Cây đu không chỉ là nơi tụ họp, nó còn tượng trưng cho sự thịnh vượng của cả một cộng đồng

Mọi công việc cứ dần dà chuẩn bị, mọi người cứ lo Tết riêng của mình và đến chiều Ba mươi, công việc trong nhà đã hòm hòm, cánh thanh niên mới í ới gọi nhau đi trồng đu. Các cụ già, các bậc trung niên cũng đều kéo ra chọn hướng, đo kẻ, đánh dấu cột cho cánh trẻ làm. Trong khi bọn trẻ chúng tôi hì hục đào hố chôn cột, các bậc cha chú đứng tụm một chỗ, lấy nhíp nhổ râu, vui vẻ kể lại các chuyện chơi đu ngày trước.

Xẩm tối bắt đầu dựng đu. Từng cặp hai cây luồng được buộc chéo vào nhau thật chặt. Sau đó đặt gốc vào 4 hố, dựng đứng lên cho áp sát vào nhau và đầu ngọn của hai cặp bắt chéo lại được cột chặt vào nhau tạo thế giằng liên hoàn rất chắc chắn.

Các kích thước đã được tính toán chính xác. Một bậc trung niên thận trọng lùi ra xa, vừa đúng tầm để chỉ huy cánh trai trẻ dựng cột. Khi bốn ngọn luồng theo từng cặp giao chéo nhau là lúc mọi người thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ đến lượt hai chàng trai nhanh nhẹn, dũng cảm được chọn để trèo lên buộc đu và tra xúc xích. Công việc đến đây tạm dừng, mọi người tản về nhà cơm nước, chỉ còn đám trẻ con vừa hò hét vừa chạy quẩng lên vì phấn khích.

Cơm nước xong, xóm làng rạo rực đêm Giao thừa, chúng tôi lại kéo nhau ra gốc đu. Một cái lễ nho nhỏ đặt trên cái bàn con dưới gốc đu để cúng các vị thần linh. Thường là đĩa xôi, nải quả, cút rượu; năm nào sang thì có thêm con gà luộc. Một cụ già cao tuổi trong xóm đứng dậy thắp hương khấn Thổ công, Thành hoàng phù hộ cho dân làng năm tới làm ăn phát tài, làng xóm thịnh vượng, tai qua nạn khỏi; yểm trừ tà ma, tránh cho dân làng mọi điều xúi quẩy, rủi ro quanh gốc đu. Cánh thanh niên ngồi lặng im, nín thở. Tàn hương thì hạ lễ.

Sáng mồng một, không có gì là vội vã, sau khi cúng tổ tiên ở nhà xong, cánh thanh niên mới lục tục kéo nhau ra tra dải đu. Sau khi chọn một người lên đánh khai xuân thì cây đu mới chính thức bắt đầu vào cuộc.

Già, trẻ, gái, trai... hầu như cả làng tụ tập quanh gốc đu, nhưng đông nhất có lẽ vẫn là trẻ con và phụ nữ. Cả các bà, các cô cao tuổi nhiều khi cũng ham chơi hơn cả thanh niên. Nhiều người đã có dâu, có rể, thậm chí có cả cháu nội, cháu ngoại rồi cũng vẫn thích ra gốc đu, nhất là các bà, các cô thời trẻ đã từng là hoa khôi của làng.

Chơi đu có hai kiểu, đánh đơn và đánh đôi. Đánh đu thật dễ mà cũng thật khó. Dễ ở chỗ cứ trèo lên đu là đánh được. Khó là muốn đánh cho bổng, cho đẹp thì phải dũng cảm và khéo léo. Người chơi đu đứmg lên bàn đạp, tay nắm vào dải đu tầm ngang ngực. Nếu đánh đôi thì hai người đứng chân xen kẽ, mặt áp vào nhau. Bắt đầu đánh thường phải nhờ một người đứng dưới đưa lấy đà rồi người chơi đu bắt đầu nhún cho đu lên. Khi đã đu lên ngang tầm, con người có cảm giác lâng lâng như đang bay vào không trung. Nhất là khi đu rơi xuống, ở trạng thái rơi tự do, con người cảm thấy bỗng chốc mình trở nên nhẹ bỗng như thoát tục, cái cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú. Những người yếu bóng vía tự nhiên chân cứng đơ ra không thể nhún được nữa, hoặc có người cố tỏ ra không sợ, tiếp tục nhún thì động tác cũng cứng đơ, người đứng dưới biết ngay là nhún vờ. 

Đánh đu đôi

Đánh đu đôi

Người đu giỏi là người biết thắng cái cảm giác không trọng lượng này và biết nhún đúng lúc cho đu lên cao. Ấy là lúc đu bay lên vừa ở điểm dừng, sắp sửa bay xuống thì bắt đầu nhún. Nhún sớm hoặc muộn quá đều không được. Nhún lại phải chậm dãi, nhưng mạnh và dứt khoát. Có biết nhún, đu mới chóng lên và bổng. Bổng nhất là khi đu lên vượt qua được suốt ngang trên cùng, nghĩa là dải đu quét một góc lớn hơn 180 độ. Lúc đu rơi xuống sẽ có một khoảnh khắc xúc xích chùng lại tạo thành cú giật rung chuyển cây đu, gọi là đánh giỗ dải.

Cây đu càng cao càng khó giỗ dải. Vì vậy, trồng đu cao mới trở thành sự ganh đua giữa các làng với nhau. Làng nào cũng muốn trồng đu cao để thách thức trai làng khác đánh giỗ dải được đu làng mình. Đánh giỗ dải còn có mặt khác nữa là rất hại đu. Chỉ dăm cú giật là đứt dải như chơi. Các trai làng này kéo nhau đi đánh đu ở làng khác đều cố gắng đánh cho giỗ dải để tỏ rõ tài nghệ của mình.

Muốn đánh đu thì phải bắt được đu. Người đang đánh đu muốn ra hiệu dừng đu, không đánh nữa thì ngừng nhún, hai tay ôm vòng dải đu, chân khuỳnh ra. Người đứng dưới xoa tay bắt đầu tranh nhau bắt đu để được đánh. Nếu đánh đu cho bổng đòi hỏi phải có sự dũng cảm, thì bắt đu cũng không kém phần nguy hiểm. Các chàng trai chờ cho đu bay chậm lại rồi bắt đầu vờn. Nếu chờ đu xuống thấp, người khác sẽ bắt mất. Nhưng khi đu còn cao, vận tốc rất lớn, làm sao nắm đựơc vào dải đu đã khó mà giữ cho đu dừng lại còn khó hơn. Người bắt phải quăng bổng cả người theo đà bay của cây đu rồi rơi theo xuống, khi chân chạm đất thì cố hãm cho đu dừng. Có người tuột tay, bị quăng đi hẳn một quãng xa. Có người bị kéo lê trên mặt đất theo đu.

Bắt đu nguy hiểm là thế nhưng người bắt được đu lại chả mấy khi được đánh. Thường thì các bà, các chị và các cô gái xúm vào xin và chàng trai lại vui vẻ nhường ngay. Việc bắt đu nhiều khi chỉ là để chứng tỏ sự dũng cảm của các chàng trai và là sự thách thức giữa thanh niên các làng với nhau.

Đánh đu là một trò chơi nhưng không phải không có phần nguy hiểm. Dưới gốc đu không năm nào không có người ngã đu, nhưng có điều lạ lùng là ngã đu lại không nguy hiểm, không ai bị chết hoặc thương tật vì ngã đu bao giờ. Có người bị tuột tay hay đứt dải rơi tít từ trên cao xuống ngất lịm đi, nhưng chỉ sau một hồi lại tỉnh lại bình thường.

Có phải không khí rạo rực, tươi trẻ, tràn đầy sức sống của mùa xuân đã thấm vào từng làn da, thớ thịt, khơi dậy sức mạnh thần kỳ tiềm ẩn trong những con người cần cù, chất phác quê tôi chăng?

Có lẽ vì thế mà đã bao đời nay, trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, cây đu vẫn cứ được giữ lại trong ngày Tết cổ truyền ở vùng quê nông thôn để người dân quê tôi sau một năm trời cực nhọc, lo âu, vất vả… vẫn có được cái giây phút thanh thản, nhẹ nhàng, bay bổng giữa đất trời và tan hoà vào thiên nhiên./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top