Aa

Thu hồi dự án “treo” được cử tri đặc biệt quan tâm

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 13/07/2022 - 13:50

Nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đất đai nhưng chưa bị thu hồi được cử tri đặc biệt quan tâm tại phiên chất vấn chiều 12/7, Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa VIII.

Tại phiên chất vấn chiều 12/7 tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII nhiệm kỳ 2021- 2026, nhiều vấn đề được các đại biểu, cử tri Thanh Hóa quan tâm như hàng trăm dự án được tỉnh giao đất nhưng nhà đầu tư không triển khai, mặc dù đã được cơ quan chức năng cho gia hạn nhiều lần.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 7.863,82ha. Trong đó: 1.195 dự án được cho thuê đất, với diện tích 3.601,37ha; 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất, diện tích 823,69ha; 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích 3.438,76ha.

Kết quả, có 1.102 dự án (khoảng 68,15%) đã hoàn thành đầu tư, đảm bảo tiến độ, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; 208 dự án (chiếm 12,86%) đang thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ; 247 dự án (chiếm 15,28%) thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng, chưa vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án (trong đó, có 197 dự án được giao đất, cho thuê đất trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, chiếm 12,18 % tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất trong giai đoạn) đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64, Luật Đất đai năm 2013, (trong đó, có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay).

Thu hồi dự án “treo” được cử tri đặc biệt quan tâm
Nhiều vấn đề "nóng" được đưa ra trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII nhiệm kỳ 2021- 2026.

Đến nay, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,88ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng); chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án; có 9 dự án, chủ đầu tư đã khắc phục xong vi phạm.

Trong phiên chất vấn, một số đại biểu nêu câu hỏi: “Việc thu hồi dự án chậm tiến độ nhưng không phải lỗi của nhà đầu tư thì có được bồi đắp kinh phí thiệt hại, bởi vì nhà đầu tư chỉ thực hiện theo tất cả các quyết định ban hành của ủy ban khi quyết định được chấp thuận, thế nhưng khi thanh tra, kiểm tra lại thì lại bảo không đúng quy trình...”.

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc chủ trương đầu tư, nếu sau này có thanh tra, kiểm tra, có kiến nghị thu hồi thì xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ trì, có trách nhiệm tham mưu, sau đó là các cơ quan phối hợp và người ký quyết định ban hành chủ trương đầu tư, và doanh nghiệp sẽ được bồi thường theo Luật Bồi thường 2017”.

Thu hồi dự án “treo” được cử tri đặc biệt quan tâm
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại phiên chất vấn. (Ảnh: MH)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Đức Giang cho rằng, nguyên nhân dự án chậm tiến độ về khách quan là do quy định của pháp luật về việc các tổ chức kinh tế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đã gây rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng.

Quy định của các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Lâm nghiệp...) chưa đồng bộ, một số quy định chưa thống nhất, còn có sự chồng chéo dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất.

Quy định của pháp luật về điều kiện thu hồi đất của nhà đầu tư do chậm tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng rất bất cập, dẫn đến chậm trễ kéo dài nhưng không thể thu hồi đất. Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 cũng đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, gây khó khăn rất lớn cho nhà đầu tư trong việc thu xếp vốn cũng như việc thi công dự án…

Về chủ quan, do chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư của các ban, sở, ngành đối với một số dự án còn hạn chế, chưa đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Đại biểu đặt câu hỏi, hiện có 88 dự án vi phạm luật đất đai nhưng tỉnh vẫn cho gia hạn, hoặc có dự án gia hạn 2 - 3 lần vẫn chậm là vì sao? Đối với 46 dự án vi phạm luật đất đai, giao cho các ngành tham mưu xử lý, vậy 46 dự án này vi phạm từ khi nào?

Ông Lê Đức Giang cho biết: Việc gia hạn là theo quy định của Luật Đất đai, nếu không gia hạn 24 tháng thì không thu hồi được. Trước đây có dự án gia hạn 9 tháng, có dự án gia hạn 12 tháng, điều đó không đúng với Luật Đất đai. Do đó, kể cả dự án đã gia hạn 9 tháng, rồi 12 tháng thì nay vẫn phải gia hạn đủ 24 tháng, sau đó nếu doanh nghiệp không thực hiện sẽ thu hồi. Đối với 46 dự án vi phạm Luật Đất đai, có dự án vi phạm trước khi có Luật Đất đai 2013, có dự án vi phạm sau khi có Luật Đất đai 2013.

Để khắc phục có hiệu quả những hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai trong thời gian tới, ông Lê Đức Giang cho biết: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, tổng hợp và đề nghị các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quy hoạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư.

Đồng thời, thành lập Tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh để rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vấn đề cụ thể của từng dự án, nhất là chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các dự án vi phạm quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng...

Một dự án "treo" hơn 20 năm nay nhưng không bị tỉnh Thanh Hóa thu hồi, xử lý gây bức xúc dư luận, được cử tri đặc biệt quan tâm trong kỳ họp lần này đó là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện tại phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn.

Năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 1642/QĐ-UB, thu hồi đất tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay thuộc phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn) giao cho Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện (Hà Nội) thuê để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Tổng diện tích đất thực hiện dự án hơn 51.000 m2 được cho thuê trong thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, Công ty Toàn Tích Thiện không thực hiện dự án theo đúng tiến độ. Do đó, tháng 1/2007, tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thu hồi đất giao cho UBND xã Quảng Vinh quản lý.

Đến năm 2009, tỉnh Thanh Hóa một lần nữa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện làm chủ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn (tên thương mại Mai Trang Resort Sầm Sơn), sau đó được đổi tên thành Khu nghỉ dưỡng Toàn Tích Thiện.

Sau gần 1 thập kỷ vẫn chưa thực hiện nổi dự án, đến ngày 24/7/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có văn bản số 8770/UBND-THKH cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện, theo đó dự án sẽ được lùi thời gian khởi công xây dựng đến tháng 10/2018, hoàn thành dưa dự án vào hoạt động trong tháng 12/2020. Thế nhưng đến nay đã ngót một phần tư thế kỷ, dự án này vẫn chỉ là một khu đất trống, những gì dự án mang lại cho hàng chục hộ bị ảnh hưởng trở thành “3 không”: Không có nước sạch, không được xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, không được cấp giấy quyền sử dụng đất.

Ngoài dự án trên, Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện còn là chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Dự án này được tỉnh Thanh Hoá được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư từ năm 2004, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3454/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 đến Quyết định số 4891/QĐ-UBND ngày 18/12/2017 và Quyết định số 4155/QĐ- UBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa triển khai đưa vào sử dụng.

Yêu cầu phải sớm thu hồi các dự án được tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm nhà đầu tư không triển khai.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải sớm thu hồi các dự án được tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm nhà đầu tư không triển khai.

Các địa phương rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh, gồm các dự án được giao đất, cho thuê đất trước và sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực.

Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc thu hồi đất, các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng vi phạm pháp luật về đất đai.

Cần lựa chọn được nhà đầu tư bảo đảm năng lực tài chính, có khả năng triển khai dự án và quyết tâm thực hiện dự án... Không chấp nhận nhà đầu tư không bảo đảm nguồn vốn và năng lực hoàn thành đầu tư dự án, có dấu hiệu đầu cơ, găm giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời bất hợp pháp, không có ý định đầu tư.

Ông Đỗ Trọng Hưng cũng yêu cầu xử lý đối với các trường hợp chậm tiến độ sử dụng đất, không để tái diễn tình trạng không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ kéo dài mà không được phát hiện, xử lý kịp thời; đồng thời thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi việc quản lý, sử dụng đất đầu tư các dự án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top