Aa

Thu hút nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những đô thị biển xanh, bền vững và bản sắc

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 27/07/2022 - 06:06

Đầu tư xây dựng đô thị biển hiện không còn là chuyện riêng của các địa phương. Để khắc phục những tình trạng bất cập hiện nay, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp bất động sản có tầm.

Lời tòa soạn:

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông - biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BIỂN CẦN TÍNH CHUYỆN ĐƯỜNG DÀI

Theo thống kê chưa đầy đủ, sau khoảng hơn 100 năm phát triển, Việt Nam từ chỉ có 3 đô thị ven biển gồm Vân Đồn - thời Lý, Hội An - cuối thế kỷ XVI, Đà Nẵng - từ năm 1888, đến nay cả nước đã có một hệ thống gần 40 đô thị ven biển và 1 đô thị hải đảo là Phú Quốc. 

Theo ước tính của Bộ Xây dựng, đến năm 2025, sẽ có khoảng 300 đô thị mới được hình thành, nâng tổng số lên 1.000 đô thị. Trong đó, các đô thị biển đang tiếp tục phát triển nhanh và khẳng định được vị thế trung tâm kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, quá trình phát triển các đô thị biển còn thiếu quy hoạch tổng thể và sự đầy đủ các quy định pháp luật quốc gia trong sự liên kết bổ sung lẫn nhau và gắn với sự phát triển các lĩnh vực du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng, khai thác hải sản, công nghiệp ven biển… Do đó, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thực sự bền vững.

Hơn nữa, một số đô thị biển có tốc độ đô thị hóa nhanh mất kiểm soát, dẫn đến sự xuất hiện dày đặc các dự án khách sạn cao tầng sang trọng, khu du lịch nghỉ dưỡng resort, sân golf… ở các khu vực ven biển, chiếm lĩnh thô bạo không gian và cảnh quan thiên nhiên, lấn át di sản kiến trúc truyền thống, ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động kinh tế của cư dân địa phương, gây khiếu kiện kéo dài làm mất an ninh, trật tự xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường sinh thái ven biển.

Theo cảnh báo của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững tại Rio De Janeiro, Brazil, dải ven bờ biển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam được đặt trong nguy cơ bị nhấn chìm trong vài chục năm tới. Tại báo cáo “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển: Phát triển khu vực ven biển Việt Nam - Cơ hội và rủi ro thiên tai” công bố vào tháng 10/2020, Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra, dù có tiến bộ đáng kể, nhưng các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, có tới 11,8 triệu cư dân ven biển đang gặp rủi ro cao do lũ lớn và 35% khu dân cư đang nằm trong vùng hay bị sạt lở; mỗi năm, kinh tế bị thiệt hại 852 triệu USD (chiếm 0,5% GDP) và 316.000 việc làm do lũ sông và lũ ven biển... 

Mới đây nhất, Kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã dự báo, cuối thế kỷ 21, khoảng 300 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó, hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt ở các xã, phường ven biển. Trong số đó một số tỉnh, thành phố bị ngập nặng phải kể đến là thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, TP.HCM, Kiên Giang…

Nhận định về thực trạng phát triển các đô thị biển ở nước ta, chia sẻ với Reatimes, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, với đà tăng trưởng và cách thức phát triển như hiện tại, bài toán bền vững trong tương lai là khó thực hiện được. 

“Là một nước đi sau trong việc phát triển đô thị biển nhưng Việt Nam lại chưa rút ra được nhiều bài học của các nước đi trước. Việc phát triển nhanh các đô thị để tạo nên hệ thống đô thị ven biển là tốt, giúp khai thác các giá trị to lớn mà biển cả mang lại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đi nhanh nhưng không vững sẽ dễ ngã. Thậm chí là ngã đau và khó có thể đi tiếp. Câu chuyện phát triển đô thị biển cũng vậy. Muốn đi xa thì phải đi bằng hai "chân": Một "chân" là kinh tế và một "chân" là tự nhiên, văn hóa, xã hội”, TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ. 

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong. (Ảnh: Reatimes)

Ông Phong cho rằng, việc cân bằng lợi ích giữa kinh tế với tự nhiên, văn hóa, xã hội là điều quan trọng hơn cả trong hành trình tạo lập các đô thị biển. Cụ thể, quá trình phát triển đô thị biển ở Việt Nam cần vừa phù hợp xu hướng chung thế giới, vừa gắn với thực tiễn biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế biển, cả hiện tại và trong tương lai, hướng tới định hình và củng cố một nền “kinh tế biển xanh”; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái ven biển quan trọng, không gây ô nhiễm và bảo đảm hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu…

“Mạng lưới đô thị nói chung, các đô thị biển nói riêng chiếm vai trò rất quan trọng không những về kinh tế, xã hội, mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững. Hệ thống đô thị biển phải được nhìn nhận như một không gian quan trọng trong không gian biển quốc gia và phải chiếm vị trí xứng đáng trong Quy hoạch không gian biển quốc gia. Vì vậy, phát triển hiệu quả và bền vững các đô thị biển chạy dọc vùng duyên hải từ Bắc vào Nam vừa là mục tiêu vừa là động lực quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế, xã hội thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập quốc tế mạnh mẽ của từng vùng và cả nước”, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định. 

KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, việc quy hoạch không gian biển phục vụ cho mục đích du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ mặt tiền hướng ra biển, thiếu thân thiện với tự nhiên và môi trường. 

Với trục đường ven biển chạy song song đường bờ biển để phát triển thành “hành lang” các khu du lịch nghỉ dưỡng biển liền kề đã làm giảm hiệu ứng “đóng - mở” đối với cảnh quan biển khi khách du lịch trải nghiệm cảnh quan đô thị và cảnh quan biển. Hệ thống cây xanh chống gió cát và bảo vệ đô thị trước gió bão bị đốn hạ nhường chỗ cho các công trình dịch vụ nhỏ, lẻ, làm hạn chế khả năng “chống chịu” của đô thị trước gió bão. 

Không gian biển công cộng cũng như không gian nghề biển của cộng đồng bị thu hẹp, thậm chí mất đi ở hầu hết các đô thị du lịch biển. Quỹ đất cho phát triển không gian công cộng và hạ tầng đô thị bị hạn chế, làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, gây úng ngập cho đô thị trong trường hợp xảy ra mưa với cường độ lớn và làm gia tăng nguy cơ xói lở đường bờ biển dưới tác động của biến đổi khí hậu. 

“Đô thị ven biển ở nước ta có các đặc trưng riêng, mang nhiều màu sắc và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững và có bản sắc, các đô thị ven biển cần có một chiến lược, định hướng phát triển cụ thể; cách làm, quản lý phải chặt chẽ, đồng bộ. Không vì phát triển bằng mọi giá mà hy sinh các giá trị bản sắc sinh thái, môi trường của đô thị ven biển. Một hướng đi bền vững, sử dụng tối ưu các nguồn lực trong phát triển đô thị biển là vấn đề cần nghiên cứu giải quyết ngay lúc này”, KTS. Trần Ngọc Chính nhận định.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: VNE)

Có thể thấy, quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án ven biển hiện đã không còn là chuyện riêng của các địa phương. Để khắc phục những tình trạng bất cập hiện nay, rất cần có sự chung tay của các bộ, ngành và sự chỉ đạo chặt chẽ từ phía Chính phủ. Ngoài ra, sự chung tay của các doanh nghiệp bất động sản lớn cũng có vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, chính các doanh nghiệp, các nhà phát triển bất động sản là đơn vị trực tiếp tham gia vào hành trình tạo lập các đô thị biển. Do đó, đô thị biển Việt Nam có hiệu quả, có phát triển bền vững hay không, phụ thuộc rất lớn vào tinh thần tiên phong, bản lĩnh vững vàng của các doanh nghiệp địa ốc. 

SỰ CHUNG TAY CỦA CÁC "ÔNG LỚN" ĐỊA ỐC

Nhìn ở mặt tích cực, quá trình phát triển đô thị biển Việt Nam thời gian qua có không ít dự án được đầu tư bài bản, hiện đại bởi các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực địa ốc. 

Đơn cử như Sun Property (thành viên của Tập đoàn Sun Group). Với định vị là nhà phát triển bất động sản cao cấp gắn với du lịch nghỉ dưỡng, Sun Property hiện nay đang phát triển sản phẩm đô thị biển trên cả nước. Có thể kể đến Sun Grand City Feria (Quảng Ninh), Sun Grand Boulevard (Thanh Hóa), Sun Riverside Village (Thanh Hóa), Sunneva Island (Đà Nẵng), Sun Tropical Village (Phú Quốc)... Mỗi dự án là một dấu ấn riêng, được xây dựng theo phong cách riêng, nhưng tất cả đang được chủ đầu tư hướng tới sự bền vững, hài hòa với bản sắc địa phương, tôn trọng yếu tố thiên nhiên. 

Cụ thể tại dự án Sunneva Island (Đà Nẵng), Sun Property đã tập trung xây dựng phong cách đô thị đảo nhiệt đới, tôn vinh kiến trúc, văn hóa Đông Dương kết hợp Champa trong từng thiết kế nhà, cảnh quan. Trên quy mô 26ha, Sunneva Island có mật độ xây dựng chỉ ở khoảng 20%, còn lại là dành cho không gian cảnh quan, tiện ích. Ngoài ra, chỉ cách một cây cầu, cư dân Đảo Ánh Dương còn được trải nghiệm hệ thống tiện ích quy mô lớn tại công viên ven sông Cổ Cò, quy mô 50ha thuộc Khu đô thị Nam Hòa Xuân với 6 công viên chủ đề được quy hoạch bài bản.

Bên cạnh Sun Property, Văn Phú - Invest, Novaland, Hưng Thịnh Land, APEC… cũng là những doanh nghiệp tiên phong trong việc phát triển đô thị ven biển theo tiêu chí bền vững, hài hòa lợi ích giữa kinh tế và yếu tố môi trường tự nhiên. 

Dự án thành phố biển NovaWorld Phan Thiet của Tập đoàn Novaland là một minh chứng. Đây là dự án được xây dựng quy mô và bài bản đáp ứng được trọn vẹn những tiêu chí về một đô thị biển đúng nghĩa. Bởi đến với dự án sẽ thấy được hệ thống giao thông đồng bộ, nổi bật là cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được đảm bảo đúng tiến độ, kết nối trực tiếp với dự án NovaWorld Phan Thiet qua tuyến đường Hàm Kiệm rộng rãi, liền kề biển. Không chỉ vậy, sân bay Phan Thiết cũng đang được triển khai, nâng cấp, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. 

Dự án thành phố biển NovaWorld Phan Thiet của Tập đoàn Novaland (Ảnh: DNCC)

Bên cạnh đồng bộ về hệ thống giao thông, dự án còn gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà đầu tư lẫn du khách trong và ngoài nước bởi hệ sinh thái hàng trăm tiện ích du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí đẳng cấp quốc tế. Điển hình như công viên biển Miami Bikini Beach 16ha, công viên chủ đề NovaDreams Adventure World 25ha, cụm sân golf PGA độc quyền 36 hố, khu vui chơi trong nhà, trung tâm mua sắm, cụm khách sạn nổi tiếng, tuyến phố thương mại mặt biển sầm uất… Hệ thống trường học liên cấp từ mẫu giáo đến đại học, cùng các học viện đẳng cấp như NovaFootball, PGA Academy… cũng được chú trọng, góp phần hoàn thiện mảnh ghép tiện ích, tạo nên trải nghiệm sống vẹn toàn cho những cư dân và du khách khi đến với siêu đô thị biển NovaWorld Phan Thiet. Có thể thấy, những dự án ven biển được quy hoạch và phát triển toàn diện, có hệ thống như trên sẽ là một nhân tố rất quan trọng góp phần hình thành các đô thị biển đẳng cấp, hiện đại. Câu chuyện bền vững về tự nhiên cũng được đảm bảo. 

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn APEC Group - một trong những doanh nghiệp có định hướng phát triển đô thị biển bền vững, hiệu quả chia sẻ, mỗi một doanh nghiệp sẽ có một sứ mệnh và triết lý riêng. Với APEC, sứ mệnh mà tập đoàn theo đuổi là mang lại hạnh phúc cho con người, giá trị cho cộng đồng, lợi ích cho quốc gia. Vì vậy, mỗi một dự án, trong đó có cả những dự án ven biển hướng đến hình thành đô thị biển của Tập đoàn APEC đều đi theo hướng bền vững, tạo lập những giá trị dài hạn, lợi ích chung, chứ không riêng gì lợi ích cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn APEC Group (Nguồn: NDH)

“Nhằm tái định vị lại thương hiệu du lịch của các địa phương ở tầm quốc gia cũng như thế giới, khi đầu tư, APEC sẽ đưa vào dự án các sản phẩm như khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng vừa mang đậm chất bản sắc dân tộc, yếu tố địa phương, vừa mang nét đương đại, hấp dẫn. Mỗi một căn hộ là một hệ thống thông minh nhưng vẫn giữ được bản sắc vùng miền, giúp khách hàng được trải nghiệm không gian văn hóa chính tại nơi mình nghỉ dưỡng, được chăm sóc thân, tâm, trí. Ngoài ra, công trình không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn là biểu tượng văn hóa nghệ thuật đi cùng thời gian, năm tháng”, ông Huy cho biết.

Ở giai đoạn thi công, Phó Tổng giám đốc APEC Group chia sẻ, công tác lựa chọn nhà thầu cũng được quan tâm đặc biệt. Nhà thầu được lựa chọn phải là đơn vị hàng đầu Việt Nam để đảm bảo thi công thần tốc nhưng chất lượng vẫn tối đa. Hướng đến phát triển các sản phẩm cao cấp nhưng APEC vẫn đảm bảo giá bán hợp lý, chế độ thanh toán linh hoạt, giá phòng hấp dẫn, chất lượng dịch vụ tân tâm chu đáo tạo nên sự khác biệt. 

CÁC ĐỊA PHƯƠNG CẦN "RỘNG CỬA" THU HÚT ĐẦU TƯ

Không thể phủ nhận vai trò của các doanh nghiệp tiên phong kiến tạo những đô thị biển đẳng cấp, đề cao giá trị văn hóa, tự nhiên. Vì vậy, một trong những giải pháp được các chuyên gia đề ra là cần tạo lập những cơ chế chính sách hợp lý nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực của các doanh nghiệp. 28 tỉnh/thành phố giáp biển trên cả nước cần rộng mở “vòng tay” để các doanh nghiệp địa ốc “có tâm, có tầm” có thể dễ dàng, thuận tiện phát triển hiệu quả các đô thị biển. Đó cũng là cách giúp địa phương thay đổi bộ mặt thêm phần mới mẻ, hiện đại; tăng nguồn thu thông qua các dịch vụ doanh nghiệp tạo nên; đặc biệt là nâng cao vị thế, khẳng định vai trò của một địa phương vùng biển. 

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, đối với các địa phương hiện nay, cần thiết thực hiện 4 giải pháp chính, bao gồm:

Thứ nhất, cần tiến hành kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; khai thác sử dụng không gian ven biển hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thứ hai, tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, đảm bảo quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng, công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng phục vụ dân cư và khách du lịch, công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực bảo tồn, phòng hộ...

Thứ ba, ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đối với khu vực ven biển nhằm kiểm soát, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực, làm cơ sở cấp phép xây dựng và triển khai các dự án đầu tư xây dựng. 

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển dự án ven biển. 

Chuyên gia lấy ví dụ, Quảng Nam là một trong số ít các tỉnh khu vực Trung Bộ sớm lập đầy đủ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh để kiểm soát phát triển hệ thống đô thị của tỉnh. Mạng lưới đô thị, vai trò chức năng, trình độ phát triển xã hội, cơ cấu loại đô thị tương đối hợp lý… đều được địa phương làm rõ và có quy định, hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, tại Quảng Nam, chuỗi đô thị ven biển đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, TP. Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành. 

“Trong thời gian tới, Quảng Nam cũng như các tỉnh thành khác không ngừng đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp chuyên tâm phát triển đô thị sẽ tạo ra một nguồn lực rất to lớn góp phần hình thành chuỗi đô thị biển đúng nghĩa tại Việt Nam. Đây là giải pháp có hiệu quả nhanh nhất và đem lại lợi ích cho nhiều bên”, KTS. Trần Ngọc Chính khẳng định. 

TS. Nguyễn Minh Phong cũng nhìn nhận, thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp để kiến tạo các đô thị biển đẳng cấp xứng tầm là giải pháp đúng đắn cần thực hiện ở giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, thu hút cũng cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng để loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, đề cao lợi nhuận lên yếu tố bền vững về môi trường, tự nhiên, xem nhẹ bản sắc văn hóa dân tộc. Ngược lại, với những doanh nghiệp có mong muốn, khát vọng được tạo lập những đô thị đích thực, nâng tâm vị thế quốc gia thì cần phải rộng mở cơ chế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top