Aa

Thu hút đầu tư - “bệ phóng” để Sơn La hội nhập và phát triển

Thứ Tư, 31/01/2024 - 13:35

Năm 2023, tỉnh Sơn La thu hút được thêm 24 dự án, tăng gấp 2 lần so với dự án cấp mới trong năm 2022, với vốn đăng ký 17.587 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2022. Đồng thời, điều chỉnh tổng vốn đầu tư của 4 dự án, với số vốn tăng thêm 505 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới và khu vực.

Sơn La có tiềm năng lớn về đất đai, với diện tích tự nhiên 14.000 km2, lớn thứ 3 của cả nước, dân số đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố; là vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất phía Bắc và chuyên canh cà phê Arabica lớn nhất của cả nước... Sơn La hội tụ đầy đủ tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế bền vững của khu vực Tây Bắc.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết: Tỉnh Sơn La đã thành lập các tổ công tác hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, đảm bảo tiến độ cấp quyết định chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện các dự án. Năm 2023, một số dự án lớn hoàn thành, đi vào hoạt động sản xuất, với vốn đầu tư đã thực hiện là 563 tỷ đồng, gồm: Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La; Nhà máy sản xuất phân bón Sông Lam Tây Bắc; Nhà máy chế biến cà phê Sơn La.

Thu hút đầu tư - “bệ phóng” để Sơn La hội nhập và phát triển- Ảnh 1.

Một góc Khu Du lịch Mộc Châu Island.

Ngoài ra, các hoạt động sản xuất, đầu tư khác đang được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực, như: Các hoạt động du lịch, dịch vụ thương mại của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hộ gia đình thông qua các dự án du lịch nghỉ dưỡng, homestay…, nhất là tại các khu và địa bàn du lịch của các huyện, thành phố; các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài ra, còn có các hoạt động tại các khu đất được tổ chức đấu giá thành công của các huyện, thành phố.

Thu hút đầu tư - “bệ phóng” để Sơn La hội nhập và phát triển- Ảnh 2.

Nhà máy vắt sữa công nghệ cao của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu thành lập năm 1958, là đơn vị đầu tiên chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Việt Nam. Với hơn 60 năm chăn nuôi và chế biến bò sữa tại Việt Nam, nhắc tới Mộc Châu Milk là nhắc đến đàn bò sữa lên tới trên 25.000 con, lớn nhất miền Bắc. Ước tính mỗi năm, Công ty cung cấp ra thị trường hơn 100.000 tấn sữa tươi nguyên chất, phục vụ hàng triệu người tiêu dùng.

Ông Đoàn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu Vinamilk, Tổng Giám đốc Vilaco, cho biết: Năm 2019, sau sáp nhập, Mộc Châu Milk trở thành đơn vị thành viên của Vinamilk. Năm 2021, Vinamilk và Mộc Châu Milk đã cùng nghiên cứu, hình thành dự án mang tên “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu” quy mô 200 ha, với tổng vốn đầu tư lên tới 3.150 tỷ đồng. Tôi mong rằng tỉnh Sơn La tiếp tục đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục pháp lý, mặt bằng và các điều kiện theo quy định, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện dự án.

Thu hút đầu tư - “bệ phóng” để Sơn La hội nhập và phát triển- Ảnh 3.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh trao chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư.

Trong công bố quy hoạch tỉnh Sơn La, Mộc Châu là thị xã trực thuộc tỉnh, là trung tâm kinh tế - kỹ thuật - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - thương mại, dịch vụ - công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Sơn La. Giai đoạn 2021-2025, xây dựng huyện Mộc Châu chuyển đổi mô hình quản lý từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025 với 15 đơn vị hành chính; giai đoạn 2026-2030, tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn còn yếu, còn thiếu của đô thị loại IV, hướng đến xây dựng đô thị loại III sau năm 2030 và là đô thị phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thu hút đầu tư - “bệ phóng” để Sơn La hội nhập và phát triển- Ảnh 4.

Xuất khẩu cà phê tại Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.

Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, thông tin: Với mục tiêu, lộ trình rõ ràng, huyện Mộc Châu sẽ thực hiện công khai, minh bạch quy hoạch, tạo thuận lợi để nhà đầu tư tìm hiểu, đầu tư vào những lĩnh vực khuyến khích và huyện cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La hiện có 7 dự án FDI đăng ký ngoài khu công nghiệp, với tổng mức vốn đăng ký 153,6 triệu USD. Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Đài Loan, Nhật Bản, New Zealand đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khai thác khoáng sản, năng lượng điện mặt trời…

Công ty Black Stone Minerals - Scott Willamson đang nghiên cứu, đề xuất 2 dự án đầu tư lớn tại tỉnh Sơn La, với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD, đó là: Dự án thăm dò và khai thác Niken tại bản Phúc, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên và Nhà máy tinh luyện Niken tại xã Bắc Phong, huyện Phù Yên; giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2030 sẽ xây dựng nhà máy công suất từ 200.000 đến 400.000 tấn tinh quặng/năm; giai đoạn II, từ 2031 - 2050 mở rộng Nhà máy, tăng công suất từ 400.000 lên 800.000 tấn tinh quặng/năm. Tỉnh Sơn La đã phối hợp với Công ty thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch.

Tháng 1/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành nghị quyết về định hướng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 120.000 tỷ đồng, bình quân 24.000 tỷ đồng/năm. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60% tổng diện tích vào năm 2025. Triển khai phát triển 8 cụm công nghiệp có vị trí thuận lợi theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; hình thành các siêu thị tổng hợp từ hạng III trở lên tại mỗi trung tâm huyện; thu hút từ 1-2 dự án đầu tư nước ngoài trong cả giai đoạn.

Thu hút đầu tư - “bệ phóng” để Sơn La hội nhập và phát triển- Ảnh 5.

Hoa quả sấy của Công ty TNHH Thương mại và Thực phẩm Hải Đăng, Thành phố.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách để tạo động lực thu hút đầu tư phát triển vào các lĩnh vực khuyến khích thu hút đầu tư, như phát triển công nghiệp chế biến sâu nông sản; phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm; các khu, cụm công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa về thủ tục, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo thêm cơ hội và mở đường cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo "bệ phóng" đưa Sơn La cất cánh trên hành trình hội nhập và phát triển./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top