Đối với nhiều gia đình, việc con cái được học tập ở những trường tốt, danh tiếng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất bởi nó mở ra một cơ hội tốt cho tương lai con em. Tâm lý chung ấy khiến các gia đình có điều kiện kinh tế sẵn sàng chi số tiền lớn để “tậu nhà” cho con học Đại học.
Chị N.T.C, quê Nam Định cho biết, năm 2018, gia đình chị có một con gái lớn và một con trai. Đều học đại học ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), cả 2 người con của chị ban đầu đều phải thuê trọ gần trường. Tuy nhiên, do một số vấn đề phát sinh nên liên tục phải chuyển nơi ở, hơn nữa việc tìm một phòng trọ sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, an ninh tốt và giá thuê vừa phải tại khu vực này là điều không hề dễ dàng.
“Tôi thấy các cháu cứ vài tháng lại phải chuyển trọ một lần, quá trình tìm nhà trọ đã khó khăn, chuyển đồ đạc cũng rất bất tiện cho công việc học hành của các cháu. Hơn nữa, có lần con trai tôi bị mất một chiếc xe điện trị giá 15 triệu đồng tại khu trọ, tôi cảm thấy an ninh ở các khu trọ hầu như không được đảm bảo”, chị N.T.C kể.
Sau nhiều lần tính toán, chị N.T.C thấy rằng, mỗi tháng nguyên tiền thuê nhà của các con đã mất khoảng 3,5 triệu đồng, tiền điện nước một số hộ cho thuê trọ tính mức giá kinh doanh nên rất cao. Tổng mỗi tháng tiền nhà và tiền điện nước cộng lại, gia đình chị N.T.C đã phải chi tới 5 triệu đồng, trong 4 năm khoản này lên tới 240 triệu đồng.
Do tiền tiết kiệm gia đình gửi ngân hàng lãi hàng tháng cũng không đáng bao nhiêu, đồng thời cũng để các con yên tâm học hành, chị N.T.C đã bàn bạc với chồng mua một căn nhà. Ban đầu chồng chị có hơi do dự bởi chưa biết các con sau khi ra trường sẽ làm việc tại đâu, tuy nhiên khi tình trạng chuyển nhà trọ của các con diễn ra ngày càng thường xuyên, 2 vợ chồng chị đã quyết định tìm nhà để mua.
Số tiền tiết kiệm được khoảng hơn 2 tỷ đồng, vợ chồng chị N.T.C dự định sẽ mua một căn chung cư tại khu vực các con chị đang học. Thời điểm năm 2018 cũng có nhiều dự án mở bán. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng liên tục tìm hiểu và đi xem nhà, chị N.T.C nhận thấy lựa chọn mua chung cư là không phù hợp.
“Tôi thấy ở chung cư hàng tháng kèm theo rất nhiều loại phí dịch vụ, hơn nữa nhiều dự án chỉ vài năm đã xuống cấp rồi. Chưa kể, chẳng may dự án đó có vấn đề gì chưa chắc chúng tôi được nhận sổ hồng ngay”, chị N.T.C băn khoăn.
Sau đó, chị N.T.C đã chuyển hướng tìm kiếm các căn nhà đất. Theo chị, Hà Nội đất chật người đông, nếu không mua sớm thì sau chưa chắc đã mua được, hoặc có mua được thì giá cũng sẽ rất cao. Nhưng với tầm tiền hơn 2 tỷ đồng, chỉ có thể mua nhà tận trong ngõ sâu và nhỏ của quận Cầu Giấy, đây cũng là vấn đề khiến chị N.T.C do dự.
Sau khoảng gần 2 tháng tìm nhà, chị N.T.C được một người giới thiệu căn nhà 5 tầng, diện tích mỗi sàn 41m2, nằm ở mặt ngõ gần 3m tại Mỹ Đình với mức giá 3,2 tỷ đồng.
“Nhà 5 tầng được xây kiên cố, có tới 5 phòng ngủ, nằm ngay đầu ngõ và khu vực này nhiều người qua lại, mua bán hàng hoá tấp nập. Đặc biệt, đoạn đường từ căn nhà này tới trường của các con học cũng không quá xa. Sau khi vợ chồng tôi bàn bạc đã quyết định vay thêm họ hàng để mua, mặc dù có hơi quá khả năng tài chính một chút nhưng tôi thấy ưng ý. Tới cuối năm 2020, vợ chồng tôi đã trả được hết nợ tiền mua nhà”, chị N.T.C vui vẻ nói.
Ngoài 2 phòng dành cho các con, chị cho thuê lại 3 phòng còn trống với mức giá 2,5 triệu đồng/phòng. Việc cho thuê lại những phòng trống vừa đỡ lãng phí, vừa giúp chị có thêm thu nhập để chi trả học phí cho các con. Chị N.T.C tiết lộ, sau 2 năm mua căn nhà, ngoài việc hằng tháng thu được 7,5 triệu đồng tiền cho thuê, căn nhà của chị hiện nay đã có người trả cao hơn 1,5 tỷ đồng so với thời điểm vợ chồng chị “xuống tiền” mua nhà.
“Có người hỏi mua nhưng tôi không bán, bởi tìm được căn nhà ưng ý để mua rất khó, hơn nữa việc mua nhà đất tại Hà Nội bây giờ cũng không đơn giản. Tôi muốn giữ lại cho các con khi chúng đi làm. Sau này sẽ tính sau.”, chị N.T.C khẳng định.
Hiện nay, việc các bậc phụ huynh có điều kiện mua nhà cho con theo học tại Hà Nội đã không còn xa lạ. Theo chia sẻ từ nhân viên Mục rao vặt của một trang điện tử, mỗi ngày trung bình mục này sẽ đăng khoảng 10 tin tìm mua, thuê nhà. Khi bước vào mùa thi đại học hay thời điểm sinh viên nhập học, số lượng sẽ tăng gấp 4 - 5 lần. Nhiều căn hộ, chung cư tăng giá theo nhu cầu, đặc biệt giá ở những khu vực gần các trường đại học sẽ cao hơn so với các khu vực khác.
Một môi giới nhà đất tại khu vực Thanh Xuân chia sẻ, nhà có nhiều mức giá, tùy theo diện tích và tình trạng, nhưng nhà có giá 1,3 - 1,5 tỷ đồng dễ giao dịch nhất. Tuy nhiên, những căn nhà kiểu này thường nằm trong ngõ sâu, diện tích khá hẹp và có khi còn gặp tình trạng chung sổ đỏ do chủ sở hữu chia miếng đất ra để xây 2 - 3 căn nhà rồi bán, nhưng do diện tích mỗi căn quá nhỏ nên khó tách sổ.
Có thể thấy, những bậc phụ huynh có điều kiện ở các tỉnh ngoài Hà Nội sẵn sàng chi trả số tiền lớn để mua hoặc thuê nhà với đầy đủ tiện ích, gần trường học nhằm ổn định cuộc sống cho con cái yên tâm học hành. Tuy nhiên, việc mua nhà với mức giá rẻ cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu mua phải đất xen kẹt nên người mua cũng cần cẩn trọng trước khi "xuống tiền"./.