Theo báo cáo từ Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, từ 1/7 đến 22/7/2024, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn 7 tháng đầu năm đã vượt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 38,17% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, cơ cấu thu chưa thật sự bền vững, trong đó thu từ tiền sử dụng đất vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn (38,68% trên tổng thu NSNN), thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng chưa cao (34,25% trên tổng thu NSNN).
Dự toán thu NSNN do HĐND tỉnh giao là 15.903,5 tỷ đồng. Thu NSNN trên địa bàn 7 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 13.455,8 tỷ đồng, đạt 84,61% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 38,17% so với cùng kỳ năm 2023.
Thu nội địa ước đạt 12.493,1 tỷ đồng, đạt 85,97% dự toán và tăng 37,25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Trung ương đạt 321,9 tỷ đồng, đạt 55,5% dự toán năm và bằng 97,47% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 260,4 tỷ đồng, đạt 89,79% dự toán và tăng 91,7%.
Thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 3.932 tỷ đồng, đạt 72,68% dự toán và tăng 25,85%; thu thuế thu nhập cá nhân 678,8 tỷ đồng, đạt 84,85% dự toán và tăng 18,86%; thu tiền sử dụng đất 5.205,3 tỷ đồng, đạt 114,15% dự toán và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 946,8 tỷ đồng, đạt 72,83% dự toán và tăng 50,06% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo báo cáo này, các yếu tố ảnh hưởng đến thu NSNN trên địa bàn tỉnh Nghệ An 7 tháng đầu năm 2024 kể đến là: Đối với thu nội địa, một số chính sách miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu thuế của Chính phủ ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng.
Đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, đóng góp lớn vào số thu ngân sách chủ yếu đến từ hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thép các loại, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, linh kiện điện tử, nhôm cuộn các loại, giấy đóng hộp sữa, nhựa đường, dầu thực vật; hoạt động xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản gồm bột đá vôi trắng, đá khối, đá cục… Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 7 tháng năm 2024 có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Về chi ngân sách địa phương: Dự toán chi ngân sách địa phương HĐND tỉnh giao 36.090,5 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 7 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 17.929,2 tỷ đồng, đạt 49,68% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 3.959,4 tỷ đồng, đạt 43,55% dự toán; chi thường xuyên ước thực hiện 13.767,7 tỷ đồng, đạt 52,31% dự toán.
Chi thường xuyên 7 tháng đầu năm 2024 chủ yếu tập trung đảm bảo chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, chi đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị, chi an sinh xã hội; đáp ứng yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp y tế; chi nhiệm vụ an ninh - quốc phòng và đối ngoại của địa phương… Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai, tích luỹ nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Chi từ nguồn dự phòng ngân sách ước thực hiện 192,5 tỷ đồng, đạt 31,96% dự toán. Trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, bão lụt, tu sửa đê điều và sửa chữa các công trình ách yếu, nhiệm vụ quốc phòng an ninh chưa được bố trí trong dự toán đầu năm./.