Ngày 10/7/2020, nói về đề xuất thu phí chống ngập đối với chủ đầu tư cao ốc của Đại biểu HĐND TP.HCM, nhiều chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch cho rằng đây là phương án không khả thi bởi sẽ gặp khó trong việc thực thi, thậm chí còn có nguy cơ bị phản ứng ngược nếu chưa hết ngập.
KTS. Phạm Đức Cường - Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng, nguyên nhân gây ra việc ngập lụt ở TP.HCM phần lớn đến từ việc bê tông hóa khiến cho nước mưa ít có khả năng thẩm thấu xuống dưới lòng đất. Bên cạnh đó, hệ thống kênh, rạch thoát nước của TP.HCM cũng bị phá bỏ, thu hẹp bởi hiện tượng xây dựng quá nhiều cũng khiến cho việc ngập úng xảy ra.
"Sông Sài Gòn được coi là một trong những điểm thoát nước chính của TP.HCM nhưng hiện nay hay bên bờ sông xây dựng nhiều, lấn chiếm cả lòng sông khiến dòng chảy bị ảnh hưởng. Các điểm dẫn nước từ nội thành ra sông Sài Gòn cũng bị thu hẹp dẫn tới nước bị ứ đọng, không thoát ra được", ông Cường nói.
Vì vậy, ông Cường cho rằng việc xây dựng quá nhiều nhà cao tầng khiến tình trạng ngập úng xảy ra là đúng. Nhưng đằng sau đó là lỗi của vấn đề quy hoạch đến từ các nhà quản lý. "Nếu cơ quan chức năng không phê duyệt ồ ạt, không chỉ chăm chăm phát triển cao ốc mà quên đi hạ tầng thoát nước thì làm sao có thể ngập được", vị KTS này bày tỏ.
Chính vì thế, việc thu phí chống ngập đối với chủ đầu tư cao ốc xét ở một khía cạnh nào đó cũng có mặt đúng đắn. Tuy nhiên để thực hiện thì vô cùng khó khăn, bởi mỗi công trình tác động khác nhau tới ngập lụt tại TP.HCM, nếu thực hiện thì phải phân loại như thế nào cho hợp lý... mà để tính toán được mức độ tác động của từng công trình sẽ rất khó, nó còn liên quan tới các công trình phụ cận.
Hơn nữa, nếu thu phí mà khu vực đó không hết ngập thì sẽ tính sao? Thành phố có phải bồi thường hay hoàn trả lại số tiền đã thu cho chủ đầu tư vì dịch vụ không đảm bảo?
"Giải pháp chống ngập hữu hiệu nhất của TP.HCM hiện nay là quy hoạch lại các công trình xây dựng, đồng thời hoàn thiện các công trình chống ngập đang thực hiện để có được một giải pháp đồng bộ, khả thi nhất", ông Cường bày tỏ.
Trong khi đó, TS. Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định việc thu phí dịch vụ chống ngập là điều hoàn toàn nên làm.
“Cũng như các dịch vụ công khác, chúng ta vẫn đóng thuế nhưng khi đi bệnh viện phải đóng viện phí, đi học phải đóng học phí, di chuyển đóng phí đường bộ thì tại sao chống ngập phải giữ bao cấp?
Đối với tất các lĩnh vực, phải dựa trên quy luật kinh tế chung: Thu đủ bù chi. Nếu ngân sách không đáp ứng được thì phải thu thêm”, ông Phi nói.
Theo vị này, các nước phát triển gộp chung phí thoát nước vào 1 sắc thuế liên quan đến nước đầu vào, đầu ra bao gồm cả xử lý nước thải, môi trường... Loại thuế, phí này thường cao gấp 2 - 3 lần tiền thu nước sạch. Đối với 1 dự án, tỷ lệ mặt phủ không thấm tăng lên thì phần nước mưa thặng dư phải do doanh nghiệp trả tiền.