Aa

Thứ trưởng Bộ GTVT: Không thay đổi tiêu chí chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Thứ Bảy, 28/09/2019 - 06:30

Nhiều vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải giải đáp tại buổi họp báo quý III/2019.

Nhà đầu tư sẽ cạnh tranh rộng rãi trong nước

Chiều 27/9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức buổi họp báo thường kỳ về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý III/2019 và nhiệm vụ trọng tâm quý IV.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin và trả lời nhiều vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm, như: Đầu tư cao tốc Bắc - Nam, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đầu tư và an toàn hàng không...

Trong đó, liên quan đến việc hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế chuyển sang đấu thầu trong nước và cách thức triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sau khi hủy sẽ mất thêm thời gian sơ tuyển nhà đầu tư trong nước. 

"Hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt các ban QLDA thông báo cho ứng viên đã dự sơ tuyển về việc hủy đấu thầu. Đồng thời, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sơ tuyển đấu thầu cạnh tranh trong nước rộng rãi và sẽ phát hành hồ sơ trong tháng 10/2019 tới", Thứ trưởng nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tính cạnh tranh sẽ như thế nào sau khi hủy đấu thầu quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nhà đầu tư sẽ cạnh tranh rộng rãi trong nước. Tuy nhiên, chưa thể biết được con số nhà đầu tư sẽ tham gia là bao nhiêu, chỉ đến khi nhận hồ sơ sơ tuyển mới biết được số ứng viên tham dự.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì họp báo. Ảnh: Tạ Tốn

“Theo quy định của Luật Đấu thầu, khi chưa thẩm định kết quả nhà đầu tư nào đủ năng lực thì không được công bố. Trong quá trình đánh giá thầu, đó là hồ sơ mật, đến khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định xong mới công bố rộng rãi”, Thứ trưởng Đông nói.

Về tiêu chí dự thầu, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tiêu chí được dựa vào hành lang pháp lý là Nghị quyết 52 của Quốc hội. Trong đó, yếu tố rất quan trọng là làm theo quy định của pháp luật và xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 20% nên không thể sửa. Đã đấu thầu phải theo quy định pháp luật của Luật Đấu thầu; Nghị quyết 52 cũng xác định đây là đấu thầu không có bảo lãnh về doanh thu, khoản vay nên vốn điều lệ không thay đổi.

“Đây là những tiêu chí sẽ tiếp tục duy trì trong hồ sơ sơ tuyển trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, Bộ GTVT đang nghiên cứu bổ sung thêm các tiêu chí vào hồ sơ sơ tuyển về yếu tố kinh nghiệm của nhà đầu tư như: đã tham gia đầu tư phát triền hạ tầng hay tổ chức quản lý tốt dự án”, Thứ trưởng nói.

Không chỉ định nhà đầu tư

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nghị quyết 52 xác định giai đoạn 2017 - 2020 có 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó có 3 dự án đầu tư công đang triển khai. Hiện đã khởi công dự án Cam Lộ - La Sơn. Các dự án khác năm nay sẽ khởi công. Đối với 8 dự án đối tác công tư, hiện đã chốt số km từng dự án và không thay đổi.

Liên quan đến câu hỏi có chỉ định thầu nhà đầu tư hay không, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Nghị quyết Quốc hội đã chỉ rõ, trong trường hợp đoạn tuyến nào đó không có nhà đầu tư tham dự phải báo cáo Thường vụ Quốc hội để chuyển hình thức đầu tư. Có thể là đầu tư công và không chỉ định nhà đầu tư.

Về câu hỏi lập dự án, đưa số liệu đầu vào không đúng với dự báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự báo về tăng trưởng xe đã có mô hình, bài toán tính toán. Thực tế, một số dự án BOT đã thực hiện tăng trưởng đúng dự báo hoặc tăng vượt, nhưng cũng có một số sự án không tăng trưởng như kỳ vọng. Tư vấn lập dự án trên cơ sở khoa học và đã được thẩm định.

"Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, nhà đầu tư thông thường phải có đánh giá về khả năng tăng trưởng để xác đinh rủi ro có thể đầu tư hoặc không. Bên cạnh đó, tổ chức cho vay vốn sẽ thẩm định kỹ khả năng thu mới cho vay", Thứ trưởng Đông nói.

Với băn khoăn về khó khăn về tín dụng, nhất là huy động nguồn vốn lớn cho dự án, Thứ trưởng Đông cho biết, các dự án BOT trước đây chỉ dao động 1.000 - 3.000 tỷ đồng nên khá thuận lợi. Tuy nhiên, các dự án cao tốc hiện nay nguồn vốn vay lớn, khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng nên việc huy động vốn sẽ khó khăn.

"Bộ GTVT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước về những con số huy động và kiến nghị giải pháp với Chính phủ tạo nguồn vốn tín dụng có thể cung cấp. Tuy nhiên, điều kiện cung cấp còn phụ thuộc vào chính sách của ngân hàng và phải xem xét tính khả thi của dự án', Thứ trưởng thông tin thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top