Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, bảo đảm cuối năm 2020 thông tuyến và hoàn thành trong năm 2021 theo cam kết với Thủ tướng Chính phủ, đến cuối tháng 9/2019, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành việc giải phóng và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho doanh nghiệp dự án tổ chức thi công xây dựng công trình.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, có tổng cộng 3.292 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này; trong đó, tổng mức đầu tư tiểu dự án để giải phóng mặt bằng là 1.776 tỷ đồng.
Để có mặt bằng triển khai dự án đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang với tư cách cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã tập trung các giải pháp, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch.
Tỉnh cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dự án khẩn trương triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành theo tiến độ đề ra, sớm đưa công trình vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi nguồn vốn ngân sách Trung ương chưa được phân bổ và nguồn vốn tín dụng doanh nghiệp dự án chưa được tiếp cận, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ứng ngân sách địa phương năm 2019 với số tiền 278,35 tỷ đồng chi trả đền bù cho các hộ dân.
Mặt khác, sau 6 tháng kể từ ngày tiếp nhận dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn I theo hình thức Hợp đồng BOT từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, đôn đốc quyết liệt thực hiện các công việc có liên quan để triển khai dự án để đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, cùng với hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp dự án thì một số công việc quan trọng cũng đang tiến triển như: giải phóng mặt bằng thi công; lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh đã được Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án thực hiện hoàn thành.
Tuy nhiên, cái khó trước mắt của dự án là nguồn vốn tín dụng chưa được khơi thông.
Do vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương 2.186 tỷ đồng cho dự án trong năm 2019 để đảm bảo phương án tài chính.
Ủy ban Nhân dân cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu cấp tín dụng khẩn trương để hoàn thành việc đàm phán, ký lại các hợp đồng tín dụng cho dự án, sớm giải ngân nguồn vốn tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình…
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có quy mô chiều dài toàn tuyến 51,1km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè, Tiền Giang).
Giai đoạn I của dự án có quy mô bề rộng nền đường 17m, 4 làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trên nút giao liên thông, 5 cầu vượt trực thông, 1 cầu trên tuyến tránh đường tỉnh 868 và 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè.
Tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn BOT là 10.482 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỷ đồng./.