Aa

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Chúng tôi khá lúng túng khi cổ phần hóa phim ảnh”

Thứ Năm, 21/09/2017 - 23:41

“Loại hình phim ảnh rất phức tạp, liên quan đến di sản nên chúng tôi khá lúng túng khi cổ phần hóa loại hình này", Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho hay.

Lúng túng khi cổ phần hóa tổ chức nghệ thuật

Sáng 21/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông tin với báo chí về việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam gây phản ứng trong các nghệ sỹ thời gian vừa qua. Cuộc họp do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp của Bộ đã có từ năm 2006, với hơn 33 doanh nghiệp được sắp xếp giải thể và cổ phần; trong đó có hãng phim truyện Việt Nam. 

Năm 2010, VFS chuyển sang Công ty TNHH một thành viên theo luật quy định, sau đó Chính phủ yêu cầu tiếp tục cổ phần hóa. Thời điểm đó, doanh nghiệp rất khó khăn, thua lỗ gần 20 năm, nợ tiền thuê đất 21 tỷ đồng. Nhận thấy việc xử lý phần nợ 21 tỷ tiền thuê đất rất khó khăn. Vì vậy, Bộ đã gửi nhiều công văn đến TP. Hà Nội yêu cầu không siết nợ hãng phim.

Tiếp đó, năm 2013, Bộ Văn hóa bắt đầu tiến hành cổ phần hóa VFS với kế hoạch hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, đến nay việc cổ phần hóa hãng phim vẫn còn nhiều tranh cãi  do phải xác định giá trị tài sản lần 2. Vì trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều tài sản chưa thể đưa vào hết giá trị doanh nghiệp nên còn phải xin ý kiến các ngành liên quan, dự kiến đến giữa năm sau mới hoàn tất.

“Loại hình phim ảnh rất phức tạp, liên quan đến di sản nên chúng tôi khá lúng túng khi cổ phần hóa loại hình này. Chúng tôi phải đắn đo nhiều nên chưa vội cổ phần hóa", Thứ trưởng Ái nói.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái. Ảnh: Vạn Xuân

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái. Ảnh: Vạn Xuân

Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, riêng về việc cổ phần hóa VFS, vừa qua dư luận nói rằng, Bộ bán hãng phim có hơn 30 tỷ, trong khi trị giá hơn 2.000 tỷ đồng là không đúng. “Đúng là có vị trí "đất vàng" thật, song không được định giá", Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, khi cổ phần hóa, Bộ Văn hóa đã lấy ý kiến của nhiều cơ quan, trong đó có Cục quản lý công sản Bộ Tài chính. Cơ quan này xác định đất thuê không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ mời hai đơn vị tư vấn được Bộ Tài chính chấp thuận để tính toán giá đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Việc xác định thương hiệu đã được thực hiện theo đúng quy định

Đề cập việc giá trị thương hiệu của hãng phim được xác định 0 đồng, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, dư luận và các nghệ sỹ lo ngại hãng phim mất đi thương hiệu sau 60 năm, lãnh đạo Bộ Văn hóa cũng rất trăn trở nên phải nghiên cứu kỹ. Việc xác định giá trị thương hiệu đã được thực hiện theo đúng quy định khi cổ phần hóa. Đơn vị tư vấn xác định giá trị thương hiệu theo Nghị định 59, gồm: chi phí quảng cáo, đào tạo... khi doanh nghiệp không lỗ trong 5 năm.

Với giá trị lịch sử truyền thống, lịch sử của hãng phim, Bộ Văn hóa đã đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ (cơ quan sở hữu trí tuệ) và Bộ Tài chính xác định thêm yếu tố này, thì đến nay hai bộ chưa tính được, nên chưa thể đưa vào giá trị doanh nghiệp.

Trước lo ngại nhà đầu tư sử dụng đất sai mục đích sau khi cổ phần hóa, lãnh đạo Bộ Văn hóa khẳng định, hãng phim sử dụng đất thế nào phải phù hợp với phương án cổ phần hóa. Nhà đầu tư phải trình phương án sử dụng đất với thành phố, theo đúng phương án quy hoạch, cổ phần hóa thì mới được sử dụng đất. Nếu sử dụng không đúng mục đích thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, bị thu hồi hoặc đưa ra tòa. Người đại diện phần vốn của Nhà nước ở hãng phim sẽ giám sát thường xuyên.

"Đất của hãng phim, không phải muốn làm gì thì làm. Nhà đầu tư phải đưa ra phương án sử dụng đất, như Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Đông Anh làm gì? Chúng tôi cũng mong muốn các nghệ sỹ cùng giám sát với cơ quan nhà nước việc thực hiện của nhà đầu tư có đúng không. Chúng ta có trách nhiệm giám sát điều lệ, cam kết của nhà đầu tư", Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.

"Giá trị thương hiệu, chủ quyền khai thác, sở hữu của các bộ phim thuộc về Nhà nước do Nhà nước đặt hàng. Còn các ý về nhân thân chủ quyền của các tác giả đang được Bộ Văn hóa, Tài chính nghiên cứu theo thông lệ quốc tế về thương hiệu", đại diện Ban đổi mới doanh nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham dự buổi họp báo thông tin.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top