Aa

Thủ tục hành chính rườm rà gây tăng chi phí cho doanh nghiệp

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Tư, 08/11/2023 - 14:29

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: "Giải pháp căn cơ, tôi nghĩ vẫn là các giải pháp liên quan đến tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ xử lý cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý".

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay (8/11), các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, xoay quanh vấn đề cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền và định rõ trách nhiệm các cấp.

Hệ thống phá luật thiếu thống nhất, đồng bộ

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP. Hà Nội): "Nhiệm kỳ này Chính phủ trình thực hiện hiện thí điểm có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ và có thể tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hay cơ chế xin cho. Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?".

nguyễn phương thủy
ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP. Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời: “Đúng là vừa qua chúng ta cũng trình các cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành. Đây cũng là một thực tiễn, một yêu cầu khách quan và đặc biệt báo cáo với các quý vị đại biểu Quốc hội là đất nước ta có một đặc điểm rất lớn, là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, hội nhập cao, độ mở cao, khả năng chống chịu với các chính sách bên ngoài còn hạn chế.

Thứ hai là tình hình thế giới, tình hình thực tiễn của đất nước ta cũng thay đổi rất nhanh. Vì vậy mọi văn bản, mọi quy định có cái theo kịp, sát thực tế và có cái thì chưa mà quy trình xây dựng pháp luật cũng còn tốn nhiều thời gian, công sức. Hôm qua Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đã trả lời, tôi xin bổ sung thêm mấy ý:

Thứ nhất, việc này ta làm là có cơ sở chính trị, Nghị quyết 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa này đều có một tinh thần, tức là những cái gì đã rõ, đã chín được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì chúng ta quyết tâm thực hiện, có thể luật hóa. Cái gì chưa rõ, chưa chín hoặc có luật pháp nhưng không còn phù hợp hoặc là chưa có luật pháp thì chúng ta mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thứ hai, trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cũng cho phép tại khoản 2 Điều 15 cũng cho phép việc này. Như vậy cơ sở pháp lý có.

Thứ ba, cơ sở thực tiễn, vừa qua chúng ta đã ban hành một số các nghị quyết như Nghị quyết 30 của Quốc hội rất kịp thời hay là một số nghị quyết thí điểm cho các địa phương cũng đang có hiệu quả. Như vậy, chúng ta có cả cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải có điều chỉnh cho phù hợp. Sắp tới chúng tôi cũng nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của các cơ quan có liên quan cũng như các vị đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật phải bao trùm, xuyên suốt và thống nhất”.

Thủ tục hành chính rườm rà, sức ì của một bộ phận cán bộ công chức cản trở sự phát triển

Tại phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đặt câu hỏi: “Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vẫn còn chưa rõ cải cách quan trọng nhất và trọng tâm nhất ở đây là gì? Bên cạnh đó, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà và sức ì của một bộ phận cán bộ công chức vẫn cản trở cho sự phát triển.

Nếu được xếp thứ tự ưu tiên ba vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì và giải pháp gì để xử lý những tồn tại, hạn chế nêu trên?”.

mai thị phương hoa
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định). Ảnh: quochoi.vn

Trả lời câu hỏi trên, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Về cải cách quan trọng nhất là thể chế. Nếu đưa ra lựa chọn nào trong 3 đột phá chiến lược này thì theo tôi cũng phải hài hòa, hợp lý. Chọn 3 đột phá chiến lược tức là chúng ta đã ưu tiên, nhưng chọn cái nào hơn cái nào thì theo tôi phải hài hòa, hợp lý, tháo gỡ được thể chế thì tháo gỡ được nguồn lực; phát triển được hệ thống hạ tầng thì tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa, giảm chi phí logistic, nguồn nhân lực là quan trọng. Cả 3 cái này chúng ta đều đang tiến hành và tôi nghĩ phải hài hòa, hợp lý. Nó phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn để chúng ta lựa chọn cái nào là ưu tiên, cái nào ưu tiên hơn và cái nào vẫn triển khai theo tinh thần của Đảng là 3 đột phá chiến lược.

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Việc này đúng là hiện nay thủ tục hành chính rườm rà, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. Thứ hai, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc theo thẩm quyền của mình mà chúng ta cứ phê phán nhiều là đùn đẩy, sợ trách nhiệm,... Chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, đối với cán bộ, công chức phải đảm bảo lợi ích tinh thần, vật chất cho họ. Trên cơ sở đó, họ đảm bảo được nhiệm vụ, chức trách được giao họ làm tốt hơn.

Bên cạnh đó chúng ta cũng có các giải pháp về tư tưởng, phải giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân với gia đình, doanh nghiệp, xã hội trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và yêu cầu các bộ, các ngành rà soát lại các thủ tục. Trên cơ sở đó, chúng ta cắt giảm và cũng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục vào cuộc. Đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy cũng huy động cả hệ thống chính trị vừa là thúc đẩy, vừa là giám sát, vừa là động viên, vừa định ra những nhiệm vụ cơ bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Giải pháp căn cơ, tôi nghĩ vẫn là các giải pháp liên quan đến tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ xử lý cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý”.

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên): “Cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Xin Thủ tướng cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên?”.

nguyễn lâm thành
ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên). Ảnh: quochoi.vn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời: “Việc phân cấp, phân quyền như các quý vị đại biểu Quốc hội đã biết, chủ trương đã rất rõ. Chúng ta phải tăng cường phân cấp, phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của các cấp. Về nguyên lý là như vậy, tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận là như vậy. Chính quyền của chúng ta có chính quyền trung ương, chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện, chính quyền cấp xã, ngoài ra còn có các các cơ quan gọi là cánh tay nối dài. Như vậy việc phân cấp, phân quyền rất quan trọng để chúng ta tăng tính linh hoạt, sáng tạo đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy việc phân cấp phân quyền, việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân. Nguyên nhân như sau:

Thứ nhất là, chúng ta chưa thực hiện triệt để và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai là, các cơ quan trung ương, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng quy định của pháp luật.

Thứ ba là, năng lực cán bộ cũng có những hạn chế, bất cập, nhất là những việc lớn, việc mới chúng ta phân cấp, phân quyền xuống cũng có khó khăn.

Thứ tư là, việc đáp ứng các yêu cầu của người dân cũng liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Vì vậy, việc phân cấp, phân quyền cho đến giờ này có thể nói chúng ta chưa đạt được yêu cầu đề ra

Các giải pháp như sau:

Thứ nhất là, chúng ta phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, các cấp cũng phải mạnh dạn để thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy. Đó là câu trả lời đối với câu hỏi của đại biểu Lâm Thành, tôi xin chia sẻ như vậy”.

Giải pháp thích ứng với những diễn biến phức tạp trong năm 2024

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đặt câu hỏi: “Tôi đánh giá cao về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trong thời gian vừa qua và đặc biệt là thời gian gần đây đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực, thúc đẩy thương mại, đầu tư, đặc biệt là nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Xin Thủ tướng cho biết định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024 và trong thời gian tới để thích ứng với tình hình quốc tế đã và đang diễn biến phức tạp, bất thường và bất định?”.

dương khắc mai
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: quochoi.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Đối ngoại và hội nhập và định hướng của năm 2024, như các quý vị đại biểu Quốc hội, đồng bào cử tri đã biết, chúng ta đang thực hiện một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Triển khai đường lối đối ngoại này, chúng ta cũng xác định các thứ tự ưu tiên, ưu tiên cho các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, các nước lớn. Trên thực tế, vừa qua chúng ta cũng có thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và đã thực hiện một cách nghiêm túc, đạt được hiệu quả rất quan trọng, có thể nói là điểm sáng như đồng chí Tổng Bí thư đã nói trong Hội nghị Trung ương VIII, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Thứ hai là, thu hút nguồn lực đầu tư, bao gồm vốn, công nghệ quản trị, đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ tư là, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Gần đây, chúng ta đã và đang nâng cấp quan hệ với các nước. Chúng ta đã đạt được kết quả, tức gần như chúng ta đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược hay chiến lược toàn diện với 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an liên hợp quốc và 20 nước G20. Những nước này là những nước có vị trí, vai trò quan trọng, có nguồn lực, có công nghệ tiên tiến, Chúng ta đã khai thác tốt vấn đề này.

Năm 2024, phát huy những thành quả đã đạt được. Chúng ta đang xây dựng chương trình đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai chủ trương của Đảng, của Ban Bí thư về kinh tế đối ngoại,... huy động đến sức mạnh của kiều bào ta”.

trần thị kim Nhung
ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) phát biểu: “Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh sẽ kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định về điều kiện kinh doanh gây khó khăn, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tôi nhất trí rất cao vấn đề này. Những phản ánh của cử tri, nhất là giải pháp nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng mà trong phiên họp chất vấn sáng hôm qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã đưa ra giải pháp tôi rất ấn tượng, đó là "quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau".

Vậy tôi cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cần phải có những giải pháp căn cơ, cốt lõi để nhận diện đúng, trúng, kịp thời cái gọi là "quan hệ doanh nghiệp sân sau", để có cơ sở thiết kế quy phạm pháp luật, tăng chế tài xử lý hoàn thiện pháp luật về liên quan”.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top