Aa

Kiểm soát quyền lực, cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 07/11/2023 - 13:19

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đây là một trong những giải pháp ngăn chặn, không để hình thành các đối tượng thao túng nhiều cơ quan.

Những năm qua, đặc biệt là từ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp và quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề vẫn luôn thời sự không chỉ bởi những vụ án, mà còn bởi quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố; đồng thời ban hành thêm các quy định mới được ban hành nhằm tiếp tục tăng cường kiểm soát quyền lực, đó là Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Trong phiên chất vấn sáng nay (7/11) tại Quốc hội, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đã đặt vấn đề: "Có thể nói trong thời gian vừa qua cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao vai trò của ngành công an trong việc điều tra phòng, chống tội phạm tham nhũng. Tôi xin hỏi Bộ trưởng là giải pháp của Bộ trưởng việc tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng trong thời gian tới như thế nào để đảm bảo các tiêu chí như sau: Một là, không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không hàm oan người vô tội? Hai là, nhằm khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán của Trung ương cũng như của đồng chí Tổng Bí thư, đó là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả một lĩnh vực?".

đỗ huy khánh
ĐBQH Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời đại biểu, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: "Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công tác rất trọng tâm, lực lượng công an triển khai trong thời gian vừa qua. Chúng tôi triển là gương mẫu, đi đầu trong khâu tổ chức thực hiện trên cả 3 phương diện.

Phương diện thứ nhất là công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành công an đẩy mạnh tích cực. Vấn đề Ban Chỉ đạo Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá, coi đây là một điểm sáng trong hoạt động này.

Phương diện thứ hai, chúng tôi cũng tập trung là chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch ngay trong nội bộ lực lượng của lực lượng công an. Muốn làm chống tham nhũng, tiêu cực được thì phải sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tạo được những việc đó và nâng cao ý thức và làm trong sạch nội bộ.

Phương diện thứ ba, chúng tôi tập trung làm cải cách thủ tục hành chính, quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho doanh nghiệp, chứ không vì quản lý những cái đó làm gây khó khăn, gây nhũng nhiễu, gây khó dễ cho xã hội, cho nhân dân, cho doanh nghiệp.

Ba phương diện đó và đặc biệt là với cải cách thủ tục hành chính của Đề án 06 đang được Chính phủ tập trung, không những chỉ ngành công an mà có các ngành khác. 

Trước hết, nếu làm được cải cách thủ tục hành chính phục vụ nhân dân về việc này giảm hẳn được tham nhũng vặt. Đây là vấn đề bức xúc mà cử tri cũng đã rất nhiều lần quan tâm đến việc này. Không tiếp xúc người và giải quyết qua thủ tục hành chính, không còn điều kiện để thực hiện tham nhũng vặt, đấy là kết quả. Thực tế chúng tôi thấy việc điều tra quyết định rồi đến công tác truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai là vừa qua đã thực hiện được tốt. Thứ hai là đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không để cho đối tượng trốn ra nước ngoài và cũng không dám trốn ra nước ngoài, vừa qua đã xử lý được rất nhiều đối tượng này.

Từ những việc đó thì đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành một xu thế không thể đảo ngược được. Việc này sơ bộ kết quả như vậy".

Về một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị 4 giải pháp:

Thứ nhất là, phải tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Những vấn đề thấy rõ có sơ hở, thiếu sót chỉ ra trong công tác phải khẩn trương khắc phục ngay. Ví dụ vừa rồi kiến nghị rất nhiều việc từ những lĩnh vực quản lý tài chính, tín dụng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm phương tiện, phòng chống buôn lậu, qua những vụ án thực tế thì vừa rồi sửa đổi, chỉnh lý rất nhiều quy định này.

Thứ hai là, chỉ đạo rà soát, bổ sung các quy định để kiểm soát quyền lực, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan như một số vụ án vừa qua xảy ra, vụ Việt Á, vụ giải cứu... và đặc biệt là khâu xử lý đối tượng.

Hiện nay chúng tôi xử lý với 2 tội danh chính trong những nhóm tham ô, tham nhũng này.

Một là, tội tham ô tài sản, tức là ăn cắp tài sản của Nhà nước, của nhân dân về làm tài sản riêng của mình, đấy là bản chất của tội tham ô tài sản.

Hai là, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Chúng tôi chưa bắt những đối tượng nào vừa qua liên quan đến việc đó mà không nhận tiền cả. Thành ra ở đâu đó có chuyện bây giờ xử lý quá, cán bộ sợ, không dám làm là không phải. Không phải làm trái, không phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà là nhận hối lộ, ăn hối lộ. Việc đó xử lý thì nhân dân rất đồng tình và xử lý rất tốt vào những việc đó.

Ba là, trong một số vụ án vừa qua thì số người bị hại rất đông, thành ra việc thu hồi tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm sao phải thu hồi được tài sản của Nhà nước, của nhân dân về việc đó. Vừa qua, những việc nào vẫn tiếp tục sẽ phải làm, gắn bó ngay từ đầu, từ khâu phát hiện đã kê biên, kê khai tài sản, không để đối tượng tẩu tán tài sản.

Thứ tư, chúng tôi đề nghị tiếp tục chuyển đổi mạnh chuyển đổi số, đảm bảo công khai, minh bạch trên các lĩnh vực góp phần hạn chế tham nhũng, đặc biệt là giải pháp về tham nhũng vặt. Chính phủ hiện nay đang chỉ đạo khẩn trương đẩy mạnh Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ phục vụ nhân dân nhưng cũng là phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt, tham nhũng hằng ngày. Đây cũng là một vấn đề rất nhức nhối".

Ngày 16/8/2023, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ 24 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đánh giá, 6 tháng đầu năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt nhiều kết quả toàn diện, có bước đột phá mới cả ở Trung ương và địa phương.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh. 

6 tháng đầu năm nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 218 đảng viên do tham nhũng, 10 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 13 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Ngành Thanh tra, ngành Kiểm toán đã tập trung thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 165.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2022); kiến nghị xử lý trách nhiệm 784 tập thể, 2.912 cá nhân.

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án đã chuyển hơn 320 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).

Ngành Thanh tra, ngành Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng (tăng hơn 02 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII), hơn 1.700 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân.

Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần 2 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII).

Điểm mới đáng chú ý là, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách; trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Đến nay, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top