Aa

Thủ tục xây dựng, “con voi chui lọt lỗ kim”

Thứ Năm, 03/10/2019 - 10:45

Trước thực trạng doanh nghiệp và người dân chịu nhiều vất vả, tốn kém khi làm thủ tục xây dựng, theo các chuyên gia, việc đề xuất sửa đổi Luật Xây dựng cần phải đi vào thực chất với nhiều điều kiện thông thoáng hơn.

Khổ vì quản lý đất đai, xây dựng mỗi nơi một kiểu

Đang có nhu cầu xây dựng mới căn nhà liền thổ của mình cho con trai sắp lấy vợ, bà Nguyễn Hiền (sinh sống tại Hà Nội) ra quận để làm thủ tục cấp phép xây dựng. Trước đó, bà Hiền đã thuê một công ty đo vẽ để làm bản vẽ chi tiết căn nhà và nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, lên nhận kết quả thì cán bộ tiếp nhận yêu cầu phải điều chỉnh một số chi tiết trong bản vẽ.

Về nhà điều chỉnh xong, bà Hiền nộp lại thì cán bộ tiếp nhận lại bảo phải điều chỉnh thêm bản vẽ thiết kế tầng hầm. Một lần nữa, người dân này lại về làm theo yêu cầu, tuy nhiên, đến khi nộp hồ sơ vì cán bộ tiếp nhận trước đó vắng mặt, nên các cán bộ khác nhận thay. Phải mất tới 3 - 4 tháng sau, lên xuống quận 5 - 6 lần, hồ sơ mới được hoàn thiện để được xây dựng.

Tuy nhiên, tới lúc xây dựng, sau khi thi công xong móng vì thấy bất ổn trong bố cục căn nhà nên bà Hiền quyết định chuyển vị trí một số phòng vệ sinh cũng như vị trí cầu thang tầng trên. Tuân thủ đúng quy định, bà tiếp tục làm bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng đã được cấp trước đó. Tuy nhiên, khi ra quận, bà Hiền lại bị gây khó dễ do cán bộ quận cho biết, nếu điều chỉnh thiết kế sẽ phải làm lại hồ sơ từ đầu, xin giấy phép xây dựng mới.

Ảnh minh họa

Câu chuyện của bà Hiền không phải là trường hợp cá biệt liên quan đến những vướng mắc, khó khăn của người dân khi làm các thủ tục cấp phép xây dựng. Chẳng hạn như trường hợp của ông Phan Duy (sinh sống tại Vĩnh Phúc) khi tiến hành các thủ tục đề xin cấp phép phá dỡ và xây dựng trên nền móng căn nhà cấp 4 ngày xưa của mình.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mảnh đất ông Duy mua cách đây gần 20 năm lại là đất vườn xen kẹt, vì thế trước khi làm các thủ tục cấp giấy phép xây dựng, ông buộc phải chuyển đổi thành đất thổ cư. Sau khi tham khảo các quy định tại huyện, ông Duy đã tự hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục, nhưng đến khi nộp hồ sơ thì liên tục được cán bộ địa chính yêu cầu về bổ sung các giấy tờ như chứng minh đất ở không tranh chấp, giấy tờ viết tay chuyển nhượng…

Sau khi đã hoàn thành thủ tục với Phòng Tài nguyên - Môi trường, ông Duy lại được chuyển tiếp sang làm việc với Phòng tài chính, rồi Chi cục thuế. Tuy nhiên, hồ sơ cho đến nay vẫn không thể hoàn thiện. "Khi thì người ta bảo thiếu cái này, lúc người ta bảo thiếu cái kia. Khi thì người ta lại bảo sang bên kia xin giấy tờ, sang đến nơi họ lại bảo không phải chỗ cấp. Quay trở lại thì cán bộ đi vắng hoặc chuyển công tác chờ cán bộ mới về tiếp nhận xử lý, tới hàng năm trời không xong", ông Duy chia sẻ.

Để người dân làm thủ tục "dễ thở hơn"

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng mới đây, thừa nhận về tình trạng nhiêu khê, rườm rà trong việc cấp phép xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Luật Xây dựng ra đời năm 2014 nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập trong điều chỉnh các khâu từ cấp phép cho đến thi công xây dựng và quản lý, dẫn đến nhiều công trình sai phạm.

Việc cấp giấy phép xây dựng đối với một số trường hợp còn rườm rà, bất cập, không thực sự phù hợp với thực tiễn, thời gian cấp giấy phép xây dựng vẫn còn dài. Một số trường hợp, cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép xây dựng, tốn kém về thời gian và chi phí.

Một trong những lý do được lãnh đạo Bộ Xây dựng đưa ra là các quy định pháp luật về thẩm quyền, đối tượng, điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng chậm được hoàn thiện và chưa thực sự phù hợp với thực tế. Bộ này lấy ví dụ, quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng có thời hạn phải “phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt” là không khả thi; việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình đã có quy hoạch, đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế là không cần thiết…

Cũng theo Bộ Xây dựng, các nội dung thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng có một số điểm trùng lặp như: xem xét phù hợp quy hoạch, đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, đánh giá về an toàn công trình, năng lực hoạt động xây dựng của đơn vị tư vấn thiết kế, sự tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy…

Việc phân công, phân cấp trong hoạt động đầu tư xây dựng còn chưa phù hợp, chưa tương xứng với điều kiện, năng lực thực hiện của các chủ thể. Quy định về phân cấp thẩm quyền chưa gắn liền với quy định trách nhiệm và các chế tài xử lý.

Vì thế, theo ông Hà, tinh thần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thể hiện rõ trong dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng lần này. Cụ thể, sẽ rút ngắn thời gian thẩm định dự án của cơ quan chuyên môn về xây dựng, giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế, đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cách tích hợp công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng…

Đồng tình với quan điểm của ông Hà về mục tiêu sửa đổi Luật, tuy nhiên, theo đánh giá của Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, các điều sửa đổi để giải quyết những vấn đề đang tồn tại nêu trên trong dự thảo luật sửa đổi rất chung chung.

“Câu hỏi đặt ra là tất cả các điều khoản trong luật từ quy trình lập thẩm định, xin giấy phép ở trong luật có đảm bảo giảm thủ tục hành chính, ngắn gọn, tiết kiệm, chống lãng phí như nêu trong nguyên tắc hay không?”, bà Hải đặt vấn đề.

Cũng theo bà Hải, người dân cũng băn khoăn, dân xây nhà xin phép rất khó khăn, ai đã từng xây nhà thì biết, một bao gạch mà không cấp phép là cán bộ trật tự xuống ngay. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những công trình sai phép, không phép rất lớn vẫn nghiễm nhiên tồn tại mà cơ quan quản lý lại chẳng hề bận tâm hoặc phổ biến tình trạng “phạt cho tồn tại”. Tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” này đang làm người dân tâm tư, băn khoăn, thậm chí mất lòng tin.

Xử lý những vấn đề này một cách rốt ráo, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, để xác định được nội dung cần sửa đổi, bổ sung thì quan trọng nhất là Bộ Xây dựng phải có báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Xây dựng, từ đó đánh giá đúng thực trạng vấn để nhằm sửa luật cho trúng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top