Sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
Sáng 18/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Luật Xây dựng năm 2014 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay đã có một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật, cụ thể là: Yêu cầu phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xây dựng năm 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Luật như: Một số quy định hiện tại về nội dung, phạm vi, thẩm quyền thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn về công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế chưa phù hợp với nguyên tắc: Cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm soát nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, kiểm soát sự phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp tính định mức, đơn giá của các dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng.
Bên cạnh đó, còn thiếu một số quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (dự án có những đặc điểm riêng, khác với dự án xây dựng công trình thông thường như: Quy mô, diện tích chiếm đất lớn, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, thời gian thực hiện dự án thường kéo dài, có nhiều chủ thể tham gia, dự án vừa xây dựng vừa kinh doanh, khai thác…).
Hơn nữa, sau khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14; các Luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai…
"Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Từ các phân tích nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là cần thiết", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo đó, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Sẽ sửa đổi những nội dung Luật thật sự cấp bách, cần thiết
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành các nội dung đã nêu như trong Tờ trình của Chính phủ.
Theo đó, việc ban hành Luật sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước...
Qua nghiên cứu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá mội dung dự thảo Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động đầu tư xây dựng. Dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Cơ quan này cũng cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung; tên gọi của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ vì nhận thấy Luật Xây dựng có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật của nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có một số văn bản đang được xây dựng mới và tiếp tục được hoàn thiện.
Hơn nữa, Luật Xây dựng có hiệu lực từ đầu năm 2015, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật mới được ban hành, chưa có nhiều thời gian để đánh giá, tổng kết đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, trước mắt chỉ nên sửa đổi, bổ sung những nội dung Luật thực sự cấp bách, cần thiết, đã được tổng kết, đánh giá và có sự đồng thuận cao.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng nhất trí với một số ý kiến đề nghị có thể mở rộng thêm phạm vi sửa đổi, bổ sung ở một số nội dung của Luật nếu đáp ứng được các nguyên tắc nói trên.
Thảo luận tại Phiên họp, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nghiêng về loại ý kiến thứ hai của Cơ quan thẩm tra, theo đó đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay như ý kiến kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Đồng thời Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội đề nghị làm rõ vấn đề Luật sửa đổi lần này có chấm dứt được tình trạng sai phạm trong các công trình xây dựng không, tình trạng cơi nới các nhà chung cư, các nhà siêu mỏng xuất hiện ngày càng nhiều. Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc cũng đặt ra vấn đề liệu Luật sửa đổi lần này có đề cập đến vấn đề ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, đô thị thông minh hay không, trong khi xu hướng phát triển ngày nay đang hướng đến những nội dung này.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, khi đặt ra vấn đề sửa đổi thì phải đặt câu hỏi Luật hiện hành đang vướng về nội dung nào? Trong khi đối với Luật này, chúng ta đang không vướng về vấn đề kỹ thuật mà là vướng về vấn đề thực tiễn thực hiện quản lý xây dựng. Từ việc nhìn nhận đúng vấn đề vướng mắc, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo có thể đưa ra các nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi khi Luật có hiệu lực.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật đề nghị Chính phủ cân nhắc và đưa ra quyết định xem sửa đổi bổ sung một số điều hay sửa đổi toàn bộ dự án luật.
Đồng thời, Chính phủ cần rà soát lại các nội dung sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Sau Phiên họp, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến thảo luận, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra chính thức để trình dự án Luật ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 8 tới đây./.