Phân cấp phân quyền là "nút thắt lớn"
Vướng mắc phân cấp, phân quyền là vấn đề đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) đặt ra. Theo đó, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất hoạt động của bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp.
Tuy vậy, quá trình triển khai thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ví dụ, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành còn chậm. Việc phân cấp, phân quyền chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và khả năng quản lý của từng cấp, từng ngành; chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của từng địa phương. Vậy nên, rất cần giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các địa phương.
Trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn thừa nhận, đây là nút thắt lớn và vướng mắc phân cấp, phân quyền chủ yếu tập trung ở Trung ương. Vấn đề này đã nói nhiều và đã thực hiện. Cho đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật liên quan, 9 nghị quyết, bổ sung thay thế 27 nghị định, nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để.
Vì vậy, thời gian tới, cần rà soát lại các quy định của pháp luật; rà soát lại thể chế; rà soát lại chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan… để tính toán lại việc phân cấp phân quyền. Cùng với đó, là tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, việc phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp để đảm bảo phân cấp phân quyền nhưng có nguồn lực và năng lực thực thi, Thủ tướng nêu rõ.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết về thêm những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, kiểm tra giám sát, đánh giá trong quá trình này. Thủ tướng cũng nhắc lại, dự thảo một luật sửa nhiều luật đang được thảo luận tại Quốc hội góp phần phân bổ nguồn lực cho địa phương. Nguồn lực phân cho địa phương trên tinh thần địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm.
Bỏ tư duy không quản được thì cấm, mở rộng không gian để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh
Tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu đề nghị Thủ tướng làm rõ những điểm nhấn quan trọng liên quan đến cải cách thể chế trong thời gian tới.
Thủ tướng cho hay, ngoài việc phân cấp phân quyền triệt để, thì phải xác định ưu tiên nguồn lực để tăng trưởng. Nếu chúng ta tăng trưởng bình bình như hiện nay là khoảng 6-7% thì rất khó đạt được hai mục tiêu 100 năm. Khi ưu tiên tăng trưởng, thì phải ttháo gỡ thể chế, để huy động các nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, xã hội, nguồn lực công tư, nguồn lực nước ngoài trực tiếp và gián tiếp. Cũng như với vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, thì "muốn đột phá phải đột phá từ thể chế".
Với chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), liên quan đến giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, để bứt phá về tăng trưởng, điểm nghẽn cần tháo gỡ là phát triển hạ tầng chiến lược, hạ tầng số, giao thông. Ngoài đầu tư cho các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, thì còn có đầu tư cho các công trình lớn của quốc gia.
"Hạ tầng chiếc lược cũng cần có những đột phá đầu tư thể hiện qua những công trình mang tính chất "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái", Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc lại nhắc lại chủ trương của Bộ Chính trị, là phải có đột phá về hạ tầng. Việc chuẩn bị đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng là một đột phá. Để thực hiện được dự án này, cần hoàn thiện thể chế, có cơ chế huy động nguồn lực của nhà nước, nguồn lực hợp tác công tư...
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, là phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Theo đó, việc xây dựng thể chế phải vừa phục vụ quản lý, vừa mở ra không gian, khuyến khích các chủ thể đổi mới, sáng tạo. Quan điểm trong xây dựng thể chế được Thủ tướng quán triệt là quy định rõ, cụ thể những gì được làm, những gì có thể linh hoạt, để mở ra không gian phát triển, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh.
"Quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và hành chính. Nhưng muốn thực hiện được, phải xây dựng thể chế rõ ràng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý số; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ xây dựng chính sách ưu đãi, kể cả ưu đãi tài chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn, theo Thủ tướng.