Aa

Thủ tướng: Đề xuất Quốc hội tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án ngay trong kỳ họp này

Thứ Ba, 12/11/2024 - 16:38

Chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Đáng chú ý, Thủ tướng đề cập đến giải pháp tháo gỡ dự án tồn đọng, thúc đẩy GPMB để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt trên 7%.

Tăng cường thanh tra tài sản công, đất đai, khoáng sản, xử lý dứt điểm dự án tồn đọng

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tính chung 10 tháng năm 2024, kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định của Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng, CPI giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, các cơ quan đã khắc phục hiệu quả việc đầu tư dàn trải; tỷ lệ nợ công, bội chi thấp hơn giới hạn cho phép. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được chú trọng; đã điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản cho Nhà nước.

Ngoài ra, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Như việc triển khai Đề án 06 góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Thủ tướng: Đề xuất Quốc hội tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án ngay trong kỳ họp này- Ảnh 1.

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Trước hết, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm. Việc sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm. Tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục.

Thứ hai, thủ tục hành chính còn rườm rà. Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…

Để xử lý, tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản… Đặc biệt, tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả. Quan điểm là sẽ xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Đáng chú ý, Chính phủ đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi. Đơn cử, như dự án DAP Hải Phòng lãi 215 tỷ đồng, Đạm Lào Cai lãi 102 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc lãi 5 tỷ đồng.

Thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ quyết liệt đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc đến việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Hiện đã chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém.

Tháo gỡ ngay pháp lý, thúc đẩy GPMB để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Báo cáo về tình hình giải ngân đầu tư công, Thủ tướng cho biết, đây là một trong những động lực tăng trưởng nên Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm. Theo đó, đã ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định.

Song, Thủ tướng cũng đồng tình với nhiều đại biểu về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công đang chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%. Trong đó, có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Nguyên nhân trước hết là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo, vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA. Một nguyên nhân khác là do thiếu nguồn cung ứng vật liệu. Đặc biệt, công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng: Đề xuất Quốc hội tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án ngay trong kỳ họp này- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần "5 quyết tâm", "5 đảm bảo", phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.

Theo đó, Thủ tướng đề cập đến 6 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công: 

Thứ nhất, đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu…

Thứ hai, sẽ tiếp tục có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.

Thứ ba, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bảo đảm khả thi hơn, hiệu quả hơn; kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Thứ năm, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần "5 rõ"; xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng và hoạt động giám sát của các đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tại các địa phương…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, để cả năm đạt trên 7%. Qua đó, đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024 do Quốc hội đề ra, tạo đà thực hiện kế hoạch năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng, như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top