Theo báo Tuổi Trẻ, chiều ngày 21/4 tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp quan trọng, bàn về tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam.
Trong phát biểu mở đầu, Thủ tướng nhấn mạnh: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất trù phú, giàu tài nguyên, đậm đà bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng kiên cường. Trải qua 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã không ngừng nỗ lực đưa vùng đất này phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào sự thịnh vượng chung của cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Vietnamnet
Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, ĐBSCL hiện vẫn còn hai điểm nghẽn lớn cản trở bước tiến – đó là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. Đây chính là những “nút thắt” cần được tháo gỡ nhanh chóng và hiệu quả. Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vùng đất này và Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để tạo cú hích đột phá cho khu vực, giúp ĐBSCL vươn mình mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
Với tinh thần cầu thị và sự trân trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ xúc động cảm ơn bà con nhân dân vùng có dự án đi qua – những người đã sẵn sàng nhường mặt bằng, rời mái nhà, thay đổi sinh kế, thậm chí di dời cả phần mộ tổ tiên để mở đường cho tương lai phát triển chung.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta đã có những nỗ lực đặc biệt, cách làm sáng tạo, đổi mới và đạt được kết quả đặc biệt. Nhiều công trình đã vượt tiến độ, tạo nên những dấu mốc ấn tượng. Điển hình, tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vốn được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2027, nay phấn đấu “về đích” sớm hơn một năm, vào tháng 7/2026. Trong khi đó, tuyến trục dọc Cần Thơ – Cà Mau phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 19/12/2025".
Để các dự án này thực sự trở thành động lực phát triển mới cho vùng, Thủ tướng đặt ra ba yêu cầu then chốt: tiến độ phải “kịp và vượt”, chất lượng phải “đảm bảo và nâng cao”, chi phí phải “không đội vốn, không đội giá”. Đồng thời, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; phải đảm bảo vệ sinh và hoàn nguyên môi trường sau thi công.
Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trong giai đoạn tới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương, trong tuần tới, hoàn tất hướng dẫn các biện pháp ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm rút ngắn thời gian gia tải, tăng tốc thi công. Về nguyên vật liệu – đặc biệt là nguồn cát san lấp – Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài nguyên – Môi trường nhanh chóng phối hợp ban hành hướng dẫn về điều phối, điều chuyển cát giữa các dự án, khai thác hiệu quả các mỏ còn trữ lượng.
Khẳng định lại quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng cho biết các vấn đề kỹ thuật, nguyên vật liệu và vốn – những “chốt chặn” quan trọng – đều đã được tháo gỡ. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ tiếp tục trực tiếp chỉ đạo, xử lý dứt điểm những phát sinh còn lại, bảo đảm không để bất kỳ khó khăn nào cản bước tiến của các công trình trọng điểm vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: Vietnamnet
Trong định hướng phát triển giai đoạn tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát đi thông điệp mạnh mẽ và đầy cảm hứng: Cần làm nhiều hơn, tốt hơn, quyết liệt hơn – “thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa” – theo tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, để tạo ra cú huých bứt phá cho hạ tầng giao thông và các lĩnh vực chiến lược tại Đồng bằng sông Cửu Long. Năm sau phải tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau phải cao hơn nhiệm kỳ trước – Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tầm nhìn dài hạn, Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành phải: "Nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết”. Khi cả 5 phương thức giao thông – đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa – được đồng bộ hóa, đó sẽ là lúc ĐBSCL bứt phá, thoát nghèo bền vững.
Về đường bộ, Thủ tướng chỉ đạo, đến hết nhiệm kỳ này, vùng phải có 600km cao tốc và đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng lên ít nhất 1.300km – vượt gần 100km so với kế hoạch ban đầu.
Về hàng không, yêu cầu mở rộng các sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá. Các địa phương cần tiến hành giải phóng mặt bằng, phát huy tinh thần chủ động
Về đường biển, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các dự án cảng lớn như Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai – những mắt xích quan trọng để kết nối ĐBSCL với chuỗi logistics toàn cầu.
Về đường thủy nội địa, quy hoạch đã sẵn sàng. Bộ Xây dựng được giao thiết kế mẫu các cảng, các tỉnh sẽ rà soát và chủ động triển khai dự án theo thẩm quyền. Trung ương chỉ tập trung vào những dự án tầm vóc, mang tính kết nối vùng, quốc gia và quốc tế.
Với đường sắt, mục tiêu rõ ràng là khởi công tuyến TP. HCM – Cần Thơ vào năm 2027. Thủ tướng Phạm Minh Chính giải thích rõ lý do chọn mốc thời gian năm 2027 để khởi công tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ: “Đoạn đường này khi ta đã có kinh nghiệm kết nối với Trung Quốc, kinh nghiệm làm đường cao tốc Bắc Nam rồi thì nối dài thêm”. Thủ tướng cũng chỉ đạo thêm, quyết tâm khởi công tuyến Cần Thơ - Cà Mau vào năm 2028, linh hoạt vận dụng nhiều phương thức khác nhau để biến quyết tâm thành hiện thực.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển hạ tầng giao thông phải mang tính đồng bộ, bài bản, có trách nhiệm. Tinh thần chung là: "Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ", và hướng tới một tương lai mà mọi người đều được "cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng thắng, cùng tự hào và hạnh phúc" với những thành quả đạt được.
Trên hết, phải giữ vững nguyên tắc “3 có, 2 không”: Có lợi cho Nhà nước, có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp; Không tham nhũng, tiêu cực; không để thất thoát, lãng phí tài sản, công sức và niềm tin của nhân dân.
Đó không chỉ là chỉ đạo, mà còn là cam kết của một Chính phủ hành động, dám nghĩ – dám làm – dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của vùng đất chín rồng.