Aa

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chống rửa tiền qua bất động sản

Chủ Nhật, 13/10/2019 - 06:30

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xử lý phản ánh của báo chí về việc rửa tiền qua bất động sản (BĐS) và khoảng trống pháp lý.

Tại báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của NHNN, bất động sản là một trong 15 lĩnh vực trong nền kinh tế có nguy cơ rửa tiền cao. Bởi, lĩnh vực này thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Ngoài ra, đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến tài sản là bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản….

Đơn cử như đường dây đánh bạc qua mạng do Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá, Phan Sào Nam đã chuyển cho dì ruột là Phan Thu Hương (ngụ quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đứng ra giao dịch, mua bán nhiều căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, bà Hương đã mua 1 bất động sản tại quận 3, TP.HCM có giá tới 270 tỷ đồng. Ngoài ra, Nam còn sử dụng hàng chục tỷ đồng nhờ bạn bè đứng tên để mua bất động sản nhằm "rửa tiền".

Ảnh minh họa.

Theo nhiều chuyên gia, kinh doanh bất động sản phải hiểu là bao gồm quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, nhưng việc đăng ký bất động sản sau giao dịch được thực hiện tại các văn phòng đăng ký đất đai. Như vậy, khoảng trống pháp luật là không có sự tham gia của các văn phòng đăng ký đất đai, nơi thực hiện cuối cùng các đăng ký giao dịch bất động sản, kể cả từ kênh các dự án phát triển bất động sản và từ kênh các giao dịch dân sự về bất động sản hiện hữu, có thể thông qua môi giới chính thức hoặc môi giới không chính thức.

Về vấn đề nói trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Trên thực tế, các quy định về phòng chống rửa tiền đều đã có đầy đủ trong Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Nghị định 116 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền và Thông tư 32 năm 2014 của NHNN. Trong đó, có cả hạn mức giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quy định nói trên không có hiệu quả, vì rất ít doanh nghiệp tuân thủ và thực hiện. Bằng chứng là các quy định đã có từ rất lâu nhưng chưa thấy trường hợp nào bị xử lý nếu không báo cáo. Trong khi đó, các tổ chức ngân hàng cũng thuộc diện phải báo cáo các giao dịch lớn nhưng nhiều trường hợp còn lơ là nên không thể trông chờ vào kết quả báo cáo của doanh nghiệp.

“Để ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền qua bất động sản, nên quy định các giao dịch bất động sản đều phải thông qua ngân hàng để hạn chế tiền mặt, khi nguồn tiền đã qua ngân hàng thì ngân hàng có trách nhiệm phải báo cáo và xác minh”, ông Hiếu khuyến nghị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top