Sáng 12/7, tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng có cuộc làm việc với 10 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.
Đây là cuộc làm việc thứ 3 của Tiểu ban (do Thủ tướng chủ trì) với các địa phương nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế - xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm. Hồi tháng 5, Tiểu ban đã có cuộc làm việc với TP.HCM và một số địa phương Nam Bộ và trước đó là cuộc làm việc đầu tiên với TP. Hà Nội và 12 địa phương lân cận vào 23/4/2019.
Cùng dự với Thủ tướng tại cuộc làm việc hôm nay có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các thành viên Tiểu ban; lãnh đạo 10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu chính của cuộc làm việc là “lắng nghe các ý kiến nói thẳng, như trong miền Trung, Tây Nguyên gọi nôm na là “nói toạc móng heo”, về các vướng mắc, trở ngại”. Nói cái tốt, cái mới cần nhân rộng trong phát triển của đất nước thông qua khu vực 10 địa phương “đầy nắng, đầy gió”.
Theo Thủ tướng, miền Trung, Tây Nguyên có vị trí địa lý, có vai trò kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại quan trọng và thời gian qua, có nhiều đóng góp vào sự phát triển đất nước. Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng…
Dân số của vùng trên 12 triệu người, chiếm gần 13% dân số cả nước, chiếm 1/4 diện tích cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, cây công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Những thế mạnh này cần đặt ra rõ hơn trong thảo luận về chiến lược phát triển của đất nước.
“Từng tỉnh phải làm gì, cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên phải làm gì để đóng góp cho sự phát triển đất nước? Có phải đây là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn lắng nghe ý kiến từ các địa phương để làm sao văn kiện bám sát, “không thoát ly thực tiễn”, không chỉ góp ý tầm nhìn 5 năm, 10 năm mà hướng tới năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước, “chúng ta đạt đến trình độ nào trong phát triển”. “Chúng ta phải có khát vọng đưa đất nước, đưa miền Trung, Tây Nguyên phát triển hơn nữa chứ không phải dừng lại ở đây”.
Thủ tướng đề nghị các địa phương phát biểu ý kiến để Tiểu ban tổng hợp, phân tích, trong đó, nêu một số vấn đề gồm: Nét nổi bật, kết quả đạt được, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình trong 5 năm, 10 năm qua, đặc biệt là “những cách vận dụng sáng tạo, mô hình mới, thành công mới, những nút thắt, vấn đề trọng tâm cần giải quyết là gì”.
Từ đó, đề xuất phương hướng, mục tiêu phát triển địa phương, vùng và cả nước; đề cập thêm về quan điểm phát triển, đột phá chiến lược. “Cùng với 3 đột phá mà Đại hội trước đã nói thì lần này có đột phá chiến lược nào mới mà các đồng chí đề xuất?”.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng báo cáo, làm rõ thêm các nội dung về tình hình phát triển đô thị, quản lý phát triển đô thị, liên kết giữa Đà Nẵng với các địa phương trong phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh ông đã phát biểu nhiều lần rằng phát triển đô thị là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng tỉ lệ đô thị hóa của miền Trung thấp so với cả nước. Do đó, mong muốn Đà Nẵng báo cáo, chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm phát triển để các địa phương trong vùng có thể học tập.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành phát biểu thêm, giải thích cho các địa phương về những vướng mắc, điểm nghẽn chủ yếu hiện nay như vấn đề đất đai, tài nguyên, đầu tư công, tín dụng, hạ tầng, thủ tục hành chính và góp phần giải quyết kiến nghị của địa phương vì các bộ là làm vĩ mô, xây dựng chính sách gỡ các vướng mắc.