Phát biểu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, sáng 1/3.
"Hãy vì tương lai đất nước"
Nhìn lại tình hình 2 tháng đầu năm, Thủ tướng cho rằng kinh tế tiếp tục khởi sắc. Sản xuất công nghiệp tăng. Xuất khẩu tăng khá. Thu hút FDI đạt kết quả ấn tượng. Tuy vậy, cần thấy rõ tồn tại, thách thức như giải ngân đầu tư công còn chậm, nhập siêu có hiện tượng trở lại mặc dù ở mức thấp…
Nhấn mạnh chủ trương tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Theo đó, phải huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt bằng những hành động, giải pháp cụ thể với tinh thần quyết tâm nỗ lực cao nhất để thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn.
Cho rằng tăng trưởng hiện nay là yêu cầu cấp bách, cần thiết, Thủ tướng chia sẻ đất nước chưa bao giờ có điều kiện thuận lợi cho phát triển vượt bậc, vượt lên chính mình như hiện nay. Đối với Việt Nam, qua Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa qua, chúng ta có bối cảnh quốc tế thuận lợi, không gian phát triển rộng mở, hệ thống chính trị vững mạnh, toàn dân chung sức đồng lòng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân ngày càng được củng cố.
"Tôi mong từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, từng cán bộ, công chức trong vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình hãy trăn trở với công việc, về những vấn đề cần giải quyết ngay, hãy không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, hãy vượt lên chính mình vì tương lai đất nước, vì sự phát triển của chúng ta, của từng bộ, ngành, liên quan đến chương trình công tác", Thủ tướng nói. "Chúng ta đều có tâm trạng là lo lắng đến thực hiện vượt mức kế hoạch năm nay trong bối cảnh nhiều thuận lợi và khó khăn".
Ngay từ tháng 3, các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế, thương mại quốc tế.
Nhắc lại nhận định của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde về một số rủi ro từ bên ngoài, gồm căng thẳng thương mại Mỹ -Trung và giữa Mỹ với các quốc gia khác, ngân hàng trung ương các nước lớn tiếp tục thắt chặt tiền tệ, khiến mặt bằng lãi suất tăng, Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, biến đổi khí hậu…, Thủ tướng nêu rõ phải biến nguy cơ thành thời cơ, chuẩn bị đón dòng đầu tư mới trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bắt đầu ngay trong tháng 3 và quý 1/2019, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên. Bộ Tài chính tập trung tìm các giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, dịch vụ tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp huy động trực tiếp nguồn vốn với chi phí thấp, đồng thời chia sẻ gánh nặng về huy động vốn và rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa kết thúc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên chương trình kế hoạch để đẩy mạnh xúc tiến, tạo mọi thuận lợi cho thu hút FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia công nghệ cao. Thủ tướng giao Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, rà soát lại quy mô GDP, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, có tổ chức quốc tế uy tín kiểm định và sớm công bố kết quả. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành liên quan tính toán, rà soát, đề xuất các chính sách phù hợp, nhất là về tiền tệ, tín dụng, tài khóa, đầu tư, thương mại. Hàng loạt nội dung, công việc cụ thể cũng được Thủ tướng giao tới các bộ ngành, trong đó Bộ Công Thương được yêu cầu tập trung ưu tiên mọi nguồn để hoàn thành những công trình trọng điểm, then chốt nhằm vừa kích cầu, vừa gia tăng năng lực sản xuất, giải quyết cơ bản khó khăn, khắc phục hiệu quả các dự án thua lỗ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn tại các tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban, nhất là Petro Vietnam và TKV. Bộ Giao thông Vận tải phải thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về dự án cao tốc Tp.HCM-Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, đây phải trở thành chương trình công tác do lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo để thúc đẩy. "Đủ nắng thì hoa sẽ nở" Trước đó, nói về sự kiện hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, công tác chuẩn bị cho hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội trong thời gian rất gấp nhưng được thực hiện rất tốt, chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Vị thế, vai trò, công tác chuẩn bị, công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều Tiên cũng như dư luận xã hội, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc Việt Nam nỗ lực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối cho Hội nghị đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, thể hiện thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, là dịp tạo bước tiến mới trong quan hệ với Mỹ và Triều Tiên. Đặc biệt, Việt Nam đã quảng bá ra thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Chúng ta đã giới thiệu có hiệu quả về đất nước Việt Nam với nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, mến khách. Biểu dương nỗ lực của một số bộ, ngành, địa phương liên quan, Thủ tướng đánh giá Hà Nội đã thể hiện ấn tượng sâu sắc, "các đồng chí đã làm rất nhiều việc cụ thể để có Hà Nội xanh, đẹp, trật tự". Mặc dù hai bên chưa kýđược thỏa thuận, nhưng theo Thủ tướng, đây là dịp hướng tới kết quả tích cực trong tương lai, trong việc thúc đẩy hòa bình tại bán đảo Triều Tiên, như nhận xét của một tờ báo "đủ nắng thì hoa sẽ nở". |